ClockThứ Ba, 08/08/2017 05:51

Lăng Cô: Loay hoay vì vướng quy hoạch

TTH - Lăng Cô được định hướng phát triển là đô thị trọng điểm ở phía nam của tỉnh. Nhưng những vướng mắc trong quá trình phát triển khiến bộ mặt đô thị của Lăng Cô vẫn chỉ là một “thị trấn”.

Lăng Cô là điểm đến du khách khó có thể bỏ qua khi đến Huế

“Nỗi niềm” Lăng Cô

Lăng Cô được biết đến là “Vịnh đẹp thế giới”. Trên cung đường du lịch “Di sản miền Trung”, mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách dừng chân để ghi lại cảnh sắc mà thiên nhiên đã ưu ái cho Lăng Cô. Hơn 15 năm về trước, khi du lịch còn khá lạ lẫm với nhiều người thì đã có hàng chục dự án du lịch “đổ” về Lăng Cô, tìm kiếm cơ hội phát triển. Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô ra đời cũng từ một phần lý do thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực.

Tiềm năng, thế mạnh có thừa, nhưng cho đến nay, Lăng Cô vẫn chỉ là một thị trấn và chủ yếu là điểm dừng chân trên hành trình du lịch dọc miền Trung. Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho hay, nhiều người chỉ trích rằng sao một vùng du lịch như Lăng Cô mà bộ mặt đô thị lại nhếch nhác như thế. Lý do là nằm trong vùng quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khiến việc xây dựng đô thị gặp nhiều vướng mắc. Người dân muốn xây dựng những ngôi nhà nhiều “mê”, khang trang hơn, thay vì những ngôi nhà cấp 4 như hiện nay, nhưng lại sợ khi bị thu hồi sẽ không được đền bù.

Theo quy hoạch tại thị trấn Lăng Cô, đất được chia thành nhiều loại; trong đó, nhiều nhất là đất du lịch. Đối với những hộ dân nằm trong quy hoạch đất du lịch, dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng khi xây nhà mới thì chỉ được cấp phép xây dựng nhà tạm. Nếu có dự án du lịch đến đầu tư, khi tiến hành thu hồi và đền bù thì chỉ đền bù đất, còn những giá trị trên đất mới xây dựng sẽ không được thống kê.

 Nằm trong quy hoạch, nhà mới xây dựng sẽ không được đền bù giá trị trên đất

Ông Ngô Văn Phong, Trưởng phòng Quy hoạch và Xây dựng, Ban Quản lý các Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, việc chỉ cấp phép xây dựng tạm trong khu vực quy hoạch được quy định rất rõ trong Luật Xây dựng. UBND tỉnh cũng đã có Quyết định 57, ngày 27/8/2014, ban hành quy định về cấp phép xây dựng trên địa bàn tỉnh; trong đó, quy định quy mô, diện tích việc xây dựng nhà tạm. Ngoài ra, cho phép những nhà có nhu cầu vẫn được sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi hiện trạng, quy mô. Nhà cấp 4 thì làm lại nhà cấp 4 chứ không được lên lầu.

Vừa mới “liều” đập bỏ căn nhà cấp 4 và đang tiến hành xây dựng lại căn nhà mới có giá trị tiền tỷ, chị Phạm Thị Bạch Vân trăn trở, ở Lăng Cô có tiền mà cũng không xây được nhà. Hôm đi làm giấy phép xây dựng, được thông báo là nằm trong vùng quy hoạch du lịch, sau này có đền bù thì chỉ được đền bù đất. Về nhà, hai vợ chồng tính toán sẽ đi mua đất mới, nhưng đất phù hợp để kinh doanh lại không có. Sau nhiều lần đắn đo, nhu cầu nhà ở lại quá lớn khi gia đình có đến 5 đứa con đang độ tuổi lớn, cần không gian riêng nên hai vợ chồng chị quyết định làm. “Chúng tôi làm để ở đã, chuyện thu hồi hay đền bù gì thì tính sau, nếu không, bão vào thì nguy hiểm”, chị Vân nói.

Không dễ “giải cứu”

Ban quản lý các Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh thông tin các dự án bị thu gần đây, gồm: Khu nghỉ dưỡng La Sapinette Lăng Cô của Công ty cổ phần Đầu tư Huế - Nhà Thủ Đức; Khu du lịch Bến thuyền, CLB thể thao dưới nước Lăng Cô của CTCP Du lịch Đảo Ngọc; Dự án xây dựng Nhà máy cơ khí Chân Mây của CT TNHH Sản xuất cơ khí Chân Mây; Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An - Lăng Cô của CTCP Đầu tư Xây dựng và Du lịch CIT; Dự án Khu nghỉ dưỡng, sân Golf, đầm Lập An của Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Lập An; Dự án đầu tư và xây dựng hạ tầng Khu đô thị Việt Long - Chân Mây của CTCP Đầu tư Việt Long - Huế; Dự án Nhà máy sản xuất và gia công cơ khí Đông Á - Chân Mây Lăng Cô của Cty TNHH Thép Đông Á; Dự án Khu biệt thự, du lịch sinh thái biển Lăng Cô của CTCP Đầu tư - Xây dựng và Trang trí nội thất Handico và dự án Khu nghỉ dưỡng Pegasus Lăng Cô của Cty Pegasus Fund 2-LLC Việt Nam.

Hàng loạt dự án vào đầu tư đã 15, 17 năm vẫn không triển khai, rồi bỏ đi khiến đô thị du lịch như Lăng Cô thêm phần “nhếch nhác”. Theo thống kê của UBND thị trấn Lăng Cô, hiện tại hơn 15 dự án không triển khai hoặc chậm triển khai, như Công ty du lịch Xanh, Đảo Ngọc, Làng Vui, Thương mại Việt, Đất Việt… Những dự án này chiếm diện tích lớn, xây dựng bờ tường rồi để đó, như Gia Minh - Conic gần 40 ha, Khu nghỉ dưỡng sân Golf Lăng Cô 30 ha, các dự án khác cũng 6-7 ha.

Ông Ngô Văn Phong cho rằng, khi bộ mặt đô thị khang trang, phát triển thì việc thu hút đầu tư sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Với các nhà đầu tư họ tính toán khá kỹ tiềm năng phát triển của mỗi điểm đến, mới quyết định đầu tư hay không. Hiện tại, thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Lăng Cô không cao so với mặt bằng chung, một phần lý do là do thiếu dịch vụ, mà sâu xa hơn là sự phát triển kinh tế, đô thị chưa cao.

Ông Dương Đăng Trung cho biết: “Lăng Cô đã nhiều lần kiến nghị, khi người dân làm nhà mới trong vùng quy hoạch du lịch, sau 5 năm hay 10 năm mà các dự án không đến đầu tư thì các giá trị trên đất mới xây dựng sẽ được đền bù cho người dân sau này. Khi đó người dân mới mạnh dạn xây nhà ở, giúp bộ mặt đô thị khang trang. Điều này địa phương đã phản ánh nhiều lần với các cấp, nhưng không có thay đổi gì”.

“Kiến nghị này là hợp lý với thực tế Lăng Cô. Trong các cuộc họp giữa các bên liên quan có đưa vấn đề này để bàn bạc. Nhưng không thể thực hiện vì Luật Xây dựng quy định như thế, chưa có một văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn nào về vấn đề mà Lăng Cô đề xuất, nên không thể áp dụng. Đây là việc vượt thẩm quyền của Ban và với thẩm quyền của UBND tỉnh cũng không giải quyết được. Nhiệm kỳ Quốc hội trước, Đoàn đại biểu của tỉnh đã từng góp ý để bổ sung trong Luật Xây dựng, nhưng cuối cùng không đưa vào”, ông Ngô Văn Phong cho hay.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
Return to top