ClockChủ Nhật, 22/04/2018 11:01

Làng lính

TTH - Yến cố dỗ giấc ngủ trưa chập chờn nhưng không thể được. Đạp xe cả đi cả về tám cây số, mỏi nhừ cả cẳng, muốn nghỉ chút cho lại sức mà không yên. Nhà bà Xinh loảng xoảng xoong nồi mãi rồi tiếng lợn kêu, tiếng gọi con cứ eo éo. Bực không chịu nổi. Lúc Yến vừa mơ mơ một chút lại phải giật mình choàng dậy bởi tiếng bổ củi cứ choanh choách bên tai...

Đêm mộc miên

Yến trở dậy mở cửa, nén giọng nói với bà Xinh:

- Làm gì thì để đến chiều. Trưa để cho hàng xóm láng giềng nghỉ chút chứ.

Bà Xinh giọng dằn dỗi:

- Vâng, cô thông cảm cho. Nhà tôi sao bì được với người Nhà nước, giờ giấc chỉn chu.

Cục ức dồn lên cổ nhưng Yến vẫn cố kìm:

- Thì chị cũng phải biết ý chứ. Bổ củi thì để đến chiều không được à?

Bà Xinh lại dài giọng đay đả:

- Chiều hai thằng nó đi học rồi lấy ai mà bổ. Giá nhà tôi cũng mua được bếp gas như nhà cô, toạch một cái là xong, khỏi làm phiền ai.

Trúc về, Yến kể lại cho chồng nghe. Trúc xuê xoa:

- Mỗi người một hoàn cảnh. Em cố gắng hoà đồng với xóm giềng.

Nghe lời, Yến cố. Nhưng càng cố càng không được. Nhà ở sát nhau, vườn nhà Yến chỉ trồng mấy luống rau gia vị, còn lại trồng toàn hoa. Trước hiên, Yến đòi Trúc làm một cái giàn, lấy phong lan về treo lủng lẳng. Thế mà hai bên láng giềng trồng toàn dây lang với rau cải. Heo thì nhà nào cũng nuôi cả chục con, phân xả ra nhề nhề như thác cuốn, hôi thối không thể chịu nổi. Có hôm Yến đang cầm bình xịt thơ thẩn tưới sương cho giàn phong lan sắp trổ hoa, bà Xinh thản nhiên đeo bình thuốc sâu ra phun cho mấy luống cải sát rào. Thế này thì chịu hết nổi rồi. Yến nói thì bà Xinh lại giở giọng cùn:

- Vâng, vợ chồng cô đều có lương. Tôi không trồng rau nuôi heo thì sống bằng gì.

Yến tức muốn nổ ruột nhưng cố nhịn, quay sang rào bên này nói với chị Thu:

- Chị xem, bà ấy nói thế có nghe được không?

Chị Thu tỏ ra biết điều hơn:

- Ừ, kể ra tưới phân hay phun thuốc vào lúc cô đi dạy thì hơn. Mà cô cũng thông cảm. Chị em tôi chỉ quen ruộng vườn, giờ lên đây thành ra thất nghiệp.

Quan hệ giữa ba nhà cứ thay đổi dần. Không biết ba ông trong đơn vị bàn nhau thế nào mà chủ nhật ấy, Trúc về dàn xếp:

- Anh Vui với anh Tâm nhờ em buổi tối kèm học cho mấy đứa.

Nể chồng, Yến chấp thuận. Với lại căng thẳng mà làm gì.

Được một tuần Yến đã phải kêu trời. Hai thằng Sửu, Ngọ con bà Xinh dốt quá. Mất cơ bản hết rồi. Ai đời đã học cấp ba mà không phân biệt được giữa văn nghị luận với trần thuật, giữa thơ và vè. Đã thế chúng lại cũng có tính bất cần giống mẹ: "Không đỗ đại học, bọn cháu về bản làm nương". Rốt cục chỉ còn mình thằng Thái con chị Thu sang học vào mỗi chiều. Nó ngoan, học cũng giỏi. Có lẽ nhờ phương pháp giáo dục không giống ai của vợ chồng chị Thu. Mỗi lần nó làm sai điều gì, chị Thu hẩy nó ra. Anh Tâm về, nó mếu máo chạy đến hòng nhận được sự bênh vực của bố. Anh Tâm bắt nó đứng nghiêm rồi hỏi: "Con làm sao?". Thằng Thái kể: "Con mải đá bóng quên học bài". Anh Tâm nghe xong cũng hẩy nó ra: "Đi đi! Bố không chấp nhận thói lười biếng". Thế là thằng Thái oà lên khóc nức nở, chơ vơ giữa bố và mẹ. Khóc chán nó tự giác ngồi vào bàn học có kẻ dòng chữ dán trước mặt: "Con hứa sẽ học giỏi, chăm ngoan để bố yên tâm công tác". Cả anh Tâm và chị Thu nhìn nhau cười mà mắt thì rân rấn. Thế mà chủ nhật sau anh Tâm về đã thấy hai bố con líu lo như chim: "Sao hôm trước bố đuổi con?". "Đâu, bố đâu có đuổi con. Bố đuổi cái thói lười biếng đó chứ!".

Cứ bốn giờ chiều, sau khi học xong bên nhà Yến, thằng Thái lại cầm cuốn vở leo tót lên ngọn cây trứng cá sau vườn, cuốn tròn lại nhòm qua doanh trại và bắt đầu liến thoắng:

- A lô, a lô! Đoàn quân đã về đến doanh trại rồi nhé. Ái chà! Quần áo ai cũng bẩn nhé. A! Bác Vui kìa! Bác Vui đi cùng với bố Tâm. Hai người ngồi xuống chỗ hiên nhà làm gì thế nhỉ? À, gỡ cỏ may ở ống quần. Còn chú Trúc, chú Trúc đâu nhỉ? A, kia rồi! Chú Trúc tập hợp quân theo hàng ngang làm gì thế nhỉ. Á à!

Thằng Thái ngồi lì trên cây luôn miệng thông báo tình hình đơn vị. Bên dưới, mấy bà vợ giả bộ xới rau làm cỏ nhưng tai thì dỏng hết lên cây. Yến cũng mang cuốc ra sau vườn làm một luống rau để có cớ chiều chiều ra nghe "đài".

- A lô, a lô! Đến giờ ăn cơm rồi nhé. Mỗi đơn vị thành hai hàng dọc, mặc áo may ô trắng, cầm bát tay phải đi đều xuống nhà ăn. Mốt hai, mốt hai, mốt hai!... ăn xong rồi à? Nhanh thế? Lại tập trung làm gì nhỉ. À, xem tivi - Nó vội vàng hấp tấp tụt xuống - Chương trình phát thanh của chúng tôi đến đây là hết, Thái phải vào xem "Đội biệt động CI5" đây.

Mấy bà vợ cũng vội vàng vào bếp với bữa cơm chiều.

Có hôm mới ba giờ chiều, nghe tiếng còi và tiếng bóng thình thịch, thằng Thái đưa mắt nhìn Yến dò hỏi, Yến khẽ mỉm cười gật đầu, thế là cu cậu tót ngay lên cây:

- A lô, a lô! Xin mời mọi người theo dõi buổi tường thuật trực tiếp trận giao hữu bóng đá giữa hai đội "U già " và "U trẻ". Đội "U già" mặc áo may ô trắng, ở bên phải màn hình, à không, bên phải làng mình. Còn đội "U trẻ" cởi trần, ai cũng to khoẻ, ở bên trái làng mình. Đội "U già" có thủ môn mang áo không số là bác Vui. Các tiền đạo là bố Tâm và chú Trúc. Hai đội thi đấu rất quyết liệt. Đội trẻ đang lấn lướt đội già. Sút! Va... ào! Một không cho đội trẻ! Mặc dù thủ môn bác Vui đã bay như vượn, lượn như diều hâu nhưng không thể cản phá được cú sút như hoả tiễn của chú... chú gì nhỉ?

Cứ thế nó tường thuật ngon lành như một bình luận viên thực thụ. Bên dưới các bà đứng ngỏng cổ lên cây nhìn nó, còn tai thì vểnh lên nghe tiếng reo hò dậy trời đất từ bên kia tường vọng qua.

- Ái chà chà! Thủ môn bác Vui đã nổi nóng, đòi lên đá tiền đạo nhé. Bác Vui dẫn bóng qua một, hai, ba, bốn hậu vệ cởi trần. Sút, sút đi! Sút vào? Không vào! Bóng đi thẳng lên trời rồi bay ra một vườn rau cải rất xanh...

Sẩm tối thì bác Vui về. Yến đón hỏi từ ngõ:

- Đội già bác Vui đá thế nào mà lại để thua thế?

Bác Vui trợn mắt sừng sộ:

- Ai bảo, ai bảo?

- Cần gì ai bảo. Em còn biết bác sút bóng ra vườn rau cải cơ.

Bác Vui lắc đầu chép miệng chèm chẹp:

- Chết chết! Thế này thì lộ hết bí mật rồi.

Chị Thu lại nói với sang:

- Gớm, dễ thường chị em tôi đi báo cho địch đấy!

Chỉ có bà Xinh không nói gì, bình thản đón gói giấy báo từ tay chồng. Cái gì thế nhỉ? Cứ thỉnh thoảng bác Vui lại mang về một gói như thế. Chắc là quà cáp ai kính biếu chứ gì. Trung đoàn trưởng thiếu gì người chạy chọt. Yến đoán chắc cái gói ấy là quà bởi hôm mùng 8-3, bác Vui cũng mang về một gói y thế, bảo: "Tặng em ngày phụ nữ". Bà Xinh tỏ vẻ mừng lắm. Hôm đó Trúc cũng mua tặng Yến một cái áo dài màu thiên thanh kèm theo một bông hồng tuyệt đẹp. Chị Thu thấy láng giềng có quà cả, liền vòi vĩnh. Anh Tâm gãi đầu gãi tai: "Anh quên... Mà... anh đã tặng em cả cuộc đời rồi còn gì!".

*

Rồi một tuần. Hai tuần. Không thấy ai về.

Chiều nào thằng Thái cũng trèo lên cây bắc "ống nhòm" nhìn sang đơn vị, để rồi lại thẫn thờ tụt xuống nhấp nhếu khóc: "Đi đâu hết rồi. Vắng lắm!".

Ba tuần. Bốn tuần. Vẫn không thấy ai về.

Không chịu nổi nữa, chị Thu rủ Yến sang hỏi bà Xinh. Yến ngại. Từ hôm xích mích với nhau, chẳng bao giờ Yến sang, cũng chẳng bao giờ hỏi han. Hai thằng Sửu - Ngọ mỗi lúc gặp Yến cũng chỉ chào nhanh "cô ạ"  nghe cứ như "quạ, quạ". Bây giờ tự dưng sang nhà biết mở đầu thế nào?

Chiều đó có người đơn vị về, đi từng nhà thông báo: "Đơn vị đi làm nhiệm vụ khẩn cấp. Mong các chị bình tĩnh, yên tâm". Đến nhà bà Xinh, anh này đưa một gói giấy báo to rồi tất tả đi ngay. Chiếc xe U-oát cắm đầy lá ngụy trang lao vút đi để lại Làng Mới một quầng bụi ba-zan đỏ quạch. Các bà các cô đều đứng trước ngõ nhìn hút theo bồn chồn, ngơ ngác. Rồi họ bảo nhau kéo đến nhà bà Xinh.

Bà Xinh vẫn không ngừng tay cuốc xới, nói kẻ cả:

- Các cô cứ làm ồn lên thế, chồng nóng ruột chết!

- Chị nói buồn cười! Đi cả tháng mà không thèm nói với vợ con một câu, ai mà chả sốt ruột.

- Chắc bà này biết đơn vị đi đâu. Vợ thủ trưởng mà. Thế nên mới bình chân như vại.

- Tôi thề với các cô là tôi không biết gì sất.

- Ai mà tin được. Thế ông Vui gởi cái gói gì về cho bà?

Bà Xinh lúng túng:

- Đấy là... là...

Nói rồi bà Xinh đỏ mặt vứt cuốc chạy vào trong nhà. Các bà các chị bĩu môi xầm xì một hồi với nhau rồi ai về nhà nấy.

*

Thằng Thái tụt nhanh xuống khỏi cây trứng cá hét toáng lên, líu cả lưỡi:

- Về... về rồi! Mẹ ơi, cô Yến ơi, bác Xinh ơi... về... về rồi!

Chỉ kịp nói vậy rồi nó lại như con sóc leo tót lên cây, miệng tía lia liên hồi:

- Rất nhiều xe ôtô nhé. Một, hai ba... mười lăm, hai mươi... Không đếm hết được. Đang tập trung ở sân bóng nhé. Bác Vui kìa! Bác Vui đang đứng trước hàng quân. Bố Tâm đâu rồi? A, kia kìa! Sao bố đen thế? áo quần lại bẩn nữa...

- Thái có nhìn thấy chú Trúc không? - Yến hỏi với lên cây. Hỏi xong mới thấy nóng bừng mặt nhìn quanh, thấy mấy bà láng giềng đang làm bộ bình thản cuốc cuốc xới xới.

- Chú Trúc hả? Để cháu xem nhé. Không thấy. Chắc chú về sau.

- Thái nhìn kỹ xem nào - Yến hơi chột dạ.

- Dạ dạ, để cháu xem nào. Ây dà! Đông quá. Ai cũng đeo ngụy trang nên rất khó thấy. Rồi! Kia rồi. Giải tán rồi. Chú Trúc đang dẫn quân về đơn vị kìa!

Chỉ chờ nghe được câu ấy, các bà các cô chẳng ai bảo ai đều lẳng cuốc, vào nhà. Yến vội vàng sửa sang lại nhà cửa, giường chiếu, làm cái nọ xọ cái kia. Mãi mới nhớ ra phải đi chợ. Yến tin chắc rằng tối nay Trúc sẽ về.

Chợ chiều tấp nập kẻ bán người mua. Yến định ghé vào hàng thịt thì đã thấy bà Xinh đang ở đó. Yến quay sang hàng gà lại thấy chị Thu đang tất bật. Yến quay sang hàng cá. Chẳng thèm mặc cả, Yến chọn con to nhất, mua thêm bó hành và ít gia vị rồi quày quả đạp xe về. Đến cầu treo thì gặp chị Thu và bà Xinh đang đạp song song. Ai cũng cố làm ra vẻ nhởn nhơ như bình thường, chẳng có gì phải vội. Mặc dù rất nôn nóng muốn về nhanh nhưng thấy thế Yến cũng phải đạp chậm lại. Ba cái xe cứ dùng dắng "tạch xè xè" mãi mới về đến làng.

Ba ông chồng đã đứng đón ở đầu ngõ. Bác Vui cười toá lên:

- Thế nào, chị em ở nhà vui vẻ chứ hả? Xem nào, để tôi kiểm tra xem các bà mua những gì. Ái chà, chân giò, giá đỗ! Chu cha, gà hầm hạt sen hả? Còn cô này, chặc chặc, cá lóc luộc hành! Toàn những thứ chết người cả. Trách nhiệm nặng nề đây. Ha ha...

Cả ba bà mặt thoắt nóng bừng, chưa kịp nói gì thì bác Vui đã tiếp:

- Bây giờ thế này. Tôi đề nghị ba nhà tập trung lại làm một, tổ chức một bữa liên hoan, được không?

Yến chưng hửng. Thực bụng Yến chỉ muốn vợ chồng hú hí nấu ăn với nhau thôi. Liếc sang bà Xinh thấy nét mặt cũng chẳng đồng tình. Liếc sang chị Thu coi bộ cũng... rứa! Thế nhưng cả ba lại gượng cười đồng ý.

Tiệc tổ chức tại nhà Yến. Tíu tít như tết. Ba "hoàng tử" Ngọ, Sửu, Thái sau khi ăn xong bị điều về học bài ngay. "Vui nhưng không được quên nhiệm vụ" - bác Vui quán triệt thế. Còn lại ba cặp vợ chồng, bác Vui tuyên bố:

- Nhắc lại nhé. Theo kế hoạch, trung đoàn giải quyết cho tất cả sĩ quan có gia đình về nhà nghỉ đêm nay, nhưng chín rưỡi phải đảo qua đơn vị xem anh em ngủ nghê thế nào nhé. Còn các bà, ở nhà có nhớ gắt không?

Cả ba đồng thanh:

- Bình thường!

Yến mủm mỉm cười:

- Chỉ có người đêm nào cũng mang thớt không ra để băm thôi.

Chị Thu trả đũa:

- Làm sao bằng được người đêm nào cũng chong đèn đến sáng, viết gì không biết!

Yến lên gân:

- Thế đã ăn thua gì so với người có mỗi bộ quần áo đêm nào cũng giặt đi giặt lại!

Chị Xinh bị bất ngờ, mặt đỏ lựng lên, mắt lóng la lóng lánh.

ĐỖ TIẾN THỤY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Return to top