ClockThứ Bảy, 18/06/2016 06:01

Làng nghề khó cả đầu ra lẫn vùng nguyên liệu

TTH - Để làm phong phú hơn cho sản phẩm, một số làng nghề, làng nghề truyền thống (LN, LNTT) ngoài duy trì sản phẩm của mình, còn nhập thêm các sản phẩm từ nơi khác về gia công, “học” cách làm sản phẩm mới…

Sản phẩm đơn điệu

Hiện trên địa bàn thị xã Hương Thủy có khoảng 600 hộ dân theo nghề chổi đót tập trung ở các phường Thủy Phương, Thủy Lương, Phú Bài, giải quyết cho cả nghìn lao động với thu nhập từ 70-100 nghìn đồng/ngày. Tại LN chổi đót Thanh Lam (Thủy Phương), mùa này các hộ gia đình đang tất bật vào vụ làm chổi. Cơ sở sản xuất chổi đót của DNTN Dũng Huệ (của ông Nguyễn Đình Dũng và bà Nguyễn Thị Huệ, tổ 8, phường Thủy Phương) thường trực 30 lao động tại xưởng. Cơ sở này còn “giao khoán” nguyên liệu đót thô cho hàng chục hộ gia đình để gia công từng công đoạn của sản phẩm.

Các nhân công gia công đót thô ở cơ sở DNTN Dũng Huệ

Bà Nguyễn Thị Huệ, cho biết: “Bình quân một năm, cơ sở chúng tôi thu mua trên 200 tấn nguyên liệu đót khô, bán ra thị trường nội và ngoại tỉnh khoảng 50 tấn chổi thành phẩm và 150 tấn ché đót thô sau khi đã gia công. Đầu ra tương đối ổn định nhưng mặt hàng của chúng tôi chủ yếu làm truyền thống, thủ công, tiêu thụ nội tỉnh. Trong khi đó, các làng nghề một số tỉnh khác sản phẩm phong phú hơn nhiều do các khâu làm bằng máy, người thợ có tay nghề cao hơn”.

Hàng ngày, có vài chục nhân công ở xưởng sản xuất của DNTN Dũng Huệ chủ yếu làm công việc bó các ché đót lại (từ 3-5 lạng/ché) để xuất bán đi các tỉnh phía Nam, số nhân công còn lại hoàn thành các khâu tiếp theo để tạo thành sản phẩm chổi cán tre, cán đót, chổi tay...

Bà Nguyễn Thị Vui, một nhân công cho biết: “Tôi làm đây nhiều năm rồi, chỉ tranh thủ lúc nông nhàn nên thu nhập 100 nghìn đồng/ngày cũng đủ sống. Công đoạn làm ché đót thô dễ dàng hơn, bình quân mỗi nhân công làm được từ 50-70 bó ché/ngày. Còn sản xuất chổi thành phẩm đòi hỏi các nhân công phải có tay nghề mới ra sản phẩm chổi đẹp, bền được”.

Vốn nghề truyền thống của gia đình từ thời Pháp thuộc, nghề làm chổi đót gia đình ông Nguyễn Đình Dũng (Giám đốc DNTN Dũng Huệ) trải qua nhiều thăng trầm. Ông Nguyễn Đình Dũng cho biết: “Hồi xưa vùng nguyên liệu phong phú, mặt hàng chổi ít nên tính cạnh tranh không cao. Hiện nay, nguyên liệu cơ sở của tôi phải mua tận vùng cao Quảng Trị, thậm chí qua Lào, chứ vùng Nam Đông, A Lưới cũng hiếm rồi. Ngoài xuất thô ché đót cho các vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, hàng năm, cơ sở chúng tôi cũng nhập vài chục nghìn cái các loại chổi hộp, chổi dừa, chổi réng (giá từ 6-20 nghìn/cái, tùy loại), từ các làng nghề trong Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ra bán. Chỉ cần điện thoại là họ mang xe chở hàng ra. Mặt hàng này bán rất chạy vì mẫu mã đẹp, tay nghề các thợ cao nên khá bền. Nhiều cơ sở đều nhập bán như tôi nên có lẽ đây là lý do LN chổi đót Thanh Lam chưa được công nhận là LNTT”.

Theo ông Dũng, trước đây, khi đưa các sản phẩm này ra cơ sở mình, ông cũng nghiên cứu và yêu cầu các nhân công thử làm các loại chổi nhưng đều thất bại do sản phẩm không bền, thiếu thẩm mỹ nên đưa ra thị trường không bán được.

Chồng chất khó khăn

LN Đan lưới Vân Trình (xã Phong Bình, huyện Phong Điền), đến nay có trên 350 hộ dân tham gia, hàng ngày trực tiếp gia công một số công đoạn cho các cơ sở kinh doanh lưới, thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Anh Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho hay: “Vừa qua, LN đan lưới Vân Trình được UBND tỉnh trao bằng công nhận danh hiệu LNTT, là tín hiệu vui. Hiện nay, đầu ra sản phẩm LN tương đối ổn, mang lại thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, sản phẩm lưới được bà con đan chủ yếu là gia công lại (công đoạn đính chì, phao) từ các sản phẩm làm máy mua từ TP. Huế và một số địa phương khác vào. Còn sản xuất lưới theo phương thức truyền thống giờ còn rất ít hộ dân làm do khó khăn nguyên liệu, tay nghề và đầu ra sản phẩm”.

Nhân công là lao động nông thôn nên khả năng thích nghi, làm các sản phẩm chổi công nghiệp chưa quen

Ông Trần Dực, Chi cục phó Chi cục PTNT tỉnh cho rằng: “Với các LN hiện nay, vẫn khuyến khích cơ giới hóa máy móc bởi sản xuất theo mô hình truyền thống, thủ công tuy cho sản phẩm bền hơn nhưng không đều, đẹp. Làm thủ công năng suất lao động thấp nhưng giá thành cao, khó bán dẫn đến sản phẩm khó cạnh tranh”.

Thực trạng các LN, LNTT hiện nay, theo ông Dực, ngoài một số cơ sở sản xuất chết theo quy luật thị trường, cái khó nhất của các LN nói chung trên địa bàn tỉnh là yếu tố đầu ra và vùng nguyên liệu, nhất là các nghề liên quan đến lâm sản, lâm sản phụ. Ông Dực lấy ví dụ như LN chổi đót Thanh Lam, đệm bàng Phò Trạch, trước đây vùng nguyên liệu phong phú, bây giờ các vùng đồi chuyển sang trồng rừng, trồng lúa nên nguyên liệu ngày một khan hiếm dần. Sản phẩm của các làng nghề này thiếu đổi mới, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

Có tình trạng các làng LN, LNTT, tuy “mang tiếng” là của địa phương trong tỉnh nhưng một số nơi lại nhập sản phẩm của vùng khác về để bán. “Như làng nón Thanh Tân (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền), sản phẩm ruốc Huế bày bán ở chợ Đông Ba, ngoài các địa phương sản xuất ra, đa phần lấy từ Quảng Trị đưa vào. LN đúc đồng Phường Đúc nhiều cơ sở cũng đặt bán sản phẩm đồng Đài Loan, có khuôn, làm bằng máy rất đẹp, giá thành rẻ nhưng chất lượng không bằng sản phẩm gốc của những người thợ truyền thống. Cái này chúng tôi đã nhiều lần phản đối”, ông Dực khẳng định.

Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 10 làng nghề, 16 làng nghề truyền thống và 18 nghề truyền thống trên địa bàn. Đây là sự vinh danh xứng đáng cho những đóng góp của các tổ chức nghề, làng nghề trong quá trình phát triển kinh tế tại địa phương.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

Thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh chiều 2/1 cho biết, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai sẽ diễn ra đến hết ngày 20/3/2024.

Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội
Sản phẩm cho du lịch làng nghề?

Nhiều làng nghề đã bước qua ranh giới “tự cung tự cấp”, tiến đến thương mại hóa thành công sản phẩm. Điều đặc biệt hơn, những làng nghề nổi tiếng của Thừa Thiên Huế còn có thể phát triển về du lịch.

Sản phẩm cho du lịch làng nghề
“Giữ lửa” làng nghề đệm bàng Phò Trạch

Nghề đan lát đệm bàng đã gắn liền với bà con Phò Trạch, đi vào tên tuổi của làng - Phò Trạch đệm. Dẫu cái vẻ nhộn nhịp, vui tươi thời xưa nơi làng nghề dần mai một, nhưng những người bà, người mẹ nơi đây vẫn từng ngày nhẫn nại giữ nếp nhà, nếp làng.

“Giữ lửa” làng nghề đệm bàng Phò Trạch

TIN MỚI

Return to top