ClockThứ Năm, 27/04/2017 05:41

Làng nghề khoe sắc

TTH - Festival Nghề truyền thống Huế ngày càng thu hút các làng nghề trong nước và quốc tế tham gia. Các làng nghề đến Huế không chỉ để quảng bá mà còn phục vụ công chúng, giúp du khách có những giây phút trải nghiệm...

Trình diễn nghề làm nón tại Festival nghề truyền thống Huế 2015. Ảnh: Hiền An

“Sân chơi” của làng nghề

Theo Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017, so với kỳ festival gần nhất, số lượng làng nghề tham gia đã tăng hơn 1/3. Năm nay có 58 đơn vị của 40 làng nghề hội tụ tại không gian tôn vinh làng nghề. Số lượng làng nghề tăng, Ban tổ chức phải lắp đặt thêm 10 ngôi nhà rường so với năm 2015 (thành 30 nhà). Khác với mọi năm, khi các làng nghề đến sẽ được lo kinh phí, riêng năm nay, Ban tổ chức chỉ lo phần ăn và nghỉ. Đáng chú ý, đã có 10 làng nghề chủ động tham gia bằng kinh phí tự túc.

Năm nay, không gian tôn vinh nghề tiếp tục được hình thành tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, kết hợp với các không gian tại công viên Tứ Tượng, Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng thêu XQ… Điểm khác biệt hơn và cũng là điểm nhấn chính tại không gian tôn vinh là các làng nghề khi tham gia không chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm mà sẽ tăng cường công đoạn thao diễn nghề để người dân và du khách cùng trải nghiệm.

Thao diễn đan lát Bao La

Ông Nguyễn Duy Khánh, đại diện cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão (lụa Vạn Phúc, Hà Nội) cho hay, khi được Ban tổ chức đặt vấn đề tổ chức thao diễn, cơ sở đồng ý ngay. Khung dệt và các dụng cụ kèm theo để làm ra một tấm lụa Vạn Phúc khá cồng kềnh và phức tạp, việc di chuyển rất khó khăn, dễ hư hỏng. Thế nhưng, cơ sở xác định nếu không thao diễn mọi người sẽ không biết những khó khăn để làm ra một tấm lụa đẹp. Nhiều người cho rằng giá thành của sản phẩm khá đắt, nhưng đó là những giá trị về mặt truyền thống, tốn nhiều công sức mới tạo thành, nếu định lượng bằng tiền không biết bao nhiêu cho đủ. Với việc thao diễn, lụa Vạn Phúc mong muốn người dân và du khách thấy được sự những công phu, vất vả để làm ra sản phẩm.

Còn nhớ Festival Nghề truyền thống Huế 2015, những làng nghề có thao diễn luôn thu hút đông người xem. Tại gian của làng lụa Hội An, đông đúc người đến xem việc nuôi tằm, đóng kén, ươm tơ, xe sợi... Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Phó Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho hay, năm nay Ban tổ chức chủ ý sắp xếp các làng nghề tương đồng nằm sát nhau để các làng nghề có cơ hội so sánh, giao thoa. Du khách cũng có thể so sánh các sản phẩm và hiểu hơn sự đa dạng các làng nghề truyền thống trong cả nước.

Một không gian khác hứa hẹn thu hút đông đảo du khách và người dân Huế đến tham quan là không gian đo may áo dài truyền thống tại công viên Lý Tự Trọng. Nơi đây sẽ có sự chung sức thực hiện của các nghệ nhân dệt may Huế, các nhà thiết kế ở TP. Hồ Chí Minh và nghệ nhân đến từ Hà Giang. Mọi người có thể đặt may những bộ áo dài đẹp, từ hiện đại đến truyền thống với giá thành đa dạng, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Để tạo thuận lợi cho khách, thời gian may áo dài chỉ kéo dài trong vòng 2 - 3 tiếng đồng hồ. Du khách có thể một vòng cùng festival và khi quay lại đã có một bộ áo dài ưng ý mang về nhà.

Ngoài không gian của làng nghề trong nước, một không gian trưng bày dành riêng cho sản phẩm nghề truyền thống của các làng nghề quốc tế được hình thành tại Bảo tàng Văn hóa Huế. Tại đây, 34 nghệ nhân và người thợ lành nghề đến từ TP. Takayama, TP. Saijo, TP. Shizuoka, Công ty Shuei (Nhật Bản) có cơ hội giới thiệu đến công chúng các sản phẩm thủ công làm từ tre, gỗ… Du khách được thưởng lãm trang phục Kimono, Yakata, hai loại trang phục truyền thống của Nhật Bản và cùng trải nghiệm mặc các trang phục này. TP. Busan (Hàn Quốc) góp mặt với các sản phẩm mặt nạ Dongnae Yaryu và mặt nạ Hahoe, vòng cổ, búp bê truyền thống, diều truyền thống…; tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) cũng hội ngộ với các ấm trà tử sa, loại gốm đặc sắc bậc nhất ở thành phố này.

Tôn vinh tài, sắc

Theo bà Phạm Thị Quỳnh Dao, về tham dự festival là những đại diện ưu tú nhất của các làng nghề, nhiều nghệ nhân được Nhà nước phong tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân bàn tay vàng. Riêng Huế, tất cả những nghệ nhân được công nhận sẽ được mời tham dự. Đây là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu, thêm động lực truyền lại những “bí kíp” cho thế hệ sau.

Trong nhiều làng nghề về tham dự Festival Nghề thống Huế 2017, có một làng nghề khá đặc biệt, đó là làng nghề gốm Mỹ Thiện (Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngãi). Nhiều tư liệu để lại cho thấy, vào thời Chúa Nguyễn, làng nghề đã sản xuất các đồ gốm tinh xảo để Chúa Nguyễn sử dụng và làm tặng phẩm. Sang thời nhà Nguyễn, gốm Mỹ Thiện tiếp tục được sử dụng nhiều trong cung đình. Nhưng qua thời gian, làng nghề này đứng trước nguy cơ thất truyền, hiện chỉ còn hai vợ chồng nghệ nhân Ngô Đào Giang gìn giữ. “Đây chính là cơ hội để nghề gốm chúng tôi quảng bá đến mọi nơi biết được giá trị của làng nghề. Qua đây cũng để chứng minh rằng, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, song những giá trị truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại”, nghệ  nhân Ngô Đào Giang cho hay.

Ở Huế nhiều năm qua, gốm Phước Tích cũng đang đứng trước những khó khăn, sản phẩm khá đơn điệu. Chính festival nghề đã tạo động lực vực dậy làng nghề. Trước khi diễn ra festival, trong tháng 3/2017 các nhà thiết kế từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã về Phước Tích, phối hợp với người dân làm ra những sản phẩm mới, có mẫu mã bắt mắt và sẽ giới thiệu đến công chúng ngay trong thời gian diễn ra festival. Để thêm một lần tôn vinh các nghệ nhân tài hoa, sẽ có chương trình nghệ thuật tôn vinh “Tinh hoa Nghề Việt” nhằm giới thiệu Huế, các ngành nghề đặc trưng và tinh hoa thủ công truyền thống, cũng như tiếp tục diễn ra lễ tế Tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghề.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xúc tiến, quảng bá du lịch Huế tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

Tại ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2024 với chủ đề “20 năm hành trình sống động” gắn với thông điệp chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” (từ ngày 4-7/4), Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tham gia với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Xúc tiến, quảng bá du lịch Huế tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Thu hút du khách, quảng bá hình ảnh du lịch vào dịp tết

Tết Nguyên đán là đợt cao điểm của du lịch, cũng là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu cho năm mới. Hiện, ngành du lịch tỉnh cùng các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiều dịch vụ để phục vụ du khách, đảm bảo cho du khách các trải nghiệm thú vị và an toàn.

Thu hút du khách, quảng bá hình ảnh du lịch vào dịp tết
Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

Thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh chiều 2/1 cho biết, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai sẽ diễn ra đến hết ngày 20/3/2024.

Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

TIN MỚI

Return to top