ClockThứ Năm, 23/12/2010 16:46

Lắng nghe lời thỉnh cầu của người mẹ 3 con

TTH - Những ngày mưa, quê chị bốn bề mênh mông nước. Căn nhà xiêu vẹo của chị cũng ngập trong nước. Không đi cắt chổi, cắt tranh được, chị đành phải bế bé gái thứ 2 đi xin ăn ở các chợ.

Gầy, đen và khắc khổ, những ai gặp chị Hồ Thị Bông lần đầu đều nghĩ chị đã ngoài 40. Có lẽ, cuộc sống đầy nghiệt ngã đã in hằn lên gương mặt chị dấu vết của muộn phiền và lo toan. Năm nay, chị Hồ Thị Bông tròn 37 tuổi. Thế là, đã 7 năm chị phải một mình nuôi 3 đứa con nhỏ bé và bệnh tật. Câu chuyện về cuộc đời chị là một câu chuyện dài và đầy cảm động. Sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Lợi (Quảng Điền), năm 25 tuổi, chị Bông kết hôn với chàng trai cùng làng Nguyễn Cao Quỳ trong nghèo khó. 2 năm sau, đứa con trai đầu lòng ra đời. Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng anh chị rất hạnh phúc. Một năm sau, anh chị vui mừng đón cô con gái thứ 2 ra đời. Đau đớn thay, cháu mắc căn bệnh liệt não, có lớn mà chẳng có khôn, lại đau ốm quanh năm. Nuôi nấng, lo tiền thuốc men cho con làm anh chị kiệt sức.

Hai vợ chồng chị quyết định dắt nhau vào Nam tìm kế sinh nhai. Đứa con trai thứ 3 ra đời cũng là lúc anh Quỳ mắc chứng bệnh tâm thần. Một ngày, anh đã bỏ mẹ con chị mà ra đi. Chị cất công tìm kiếm nhưng vô vọng. Đứa con trai vừa chào đời cũng không may mắc căn bệnh tim bẩm sinh. Chị đau khổ và tuyệt vọng nhưng vì các con, chị phải sống mạnh mẽ và vững vàng. Chị làm đủ thứ nghề để các con có được bữa cơm, manh áo.

Mẹ chị Bông đang cho các cháu ăn khi chị vắng nhà

 
Mệt mỏi cảnh một mình bươn chải nơi đất khách quê người, không nơi nương tựa, không người sẻ chia, chị bồng bế các con về quê sống chung với người mẹ già năm nay đã 82 tuổi. Không nghề nghiệp, ngày nắng, chị gửi con cho mẹ rồi đi cắt chổi, cắt tranh để bán. Mỗi ngày chị kiếm được từ 20 đến 25 nghìn đồng. Số tiền này không đủ cho gia đình gồm 5 người 2 bữa cơm đạm bạc nên mỗi khi cô con gái thứ 2 lên cơn co giật, chị đành nuốt nước mắt nhìn con đau đớn. Thương con, lòng chị như tan nát nhưng chị biết làm sao đây khi chị đang lâm vào hoàn cảnh khốn cùng. Số tiền vay mượn được của hàng xóm chị chỉ có thể dành cho đứa con trai út đang mắc bệnh tim rất nguy kịch, nếu không uống thuốc đều đặn sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
 
Những ngày mưa, quê chị bốn bề mênh mông nước. Căn nhà xiêu vẹo của chị cũng ngập trong nước. Không đi cắt chổi, cắt tranh được, chị đành phải bế bé gái thứ 2 đi xin ăn ở các chợ. Chị tâm sự: “Mỗi lần đi xin, tui cũng cảm thấy tủi nhục và đau khổ, thế nhưng, tui không còn cách mô khác”. Nói rồi chị oà khóc. Nơi chị thường xuyên ngồi là một góc chợ Bao Vinh ẩm thấp. Cũng may, bà con nơi đây ai cũng thông cảm với hoàn cảnh của chị và quí cái tính hiền lành, thật thà của chị. Hằng ngày, chị đều được các o, các mệ nơi đây san sẻ chút thức ăn. Chính các o, các mệ ở chợ Bao Vinh đã giúp đỡ chị Bông viết lá đơn, gửi các cơ quan báo chí kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ của mọi người. Trong lá đơn, chị khẩn thiết viết: “Trước những đau thương chồng chất mà tôi gặp phải, tôi mong bà con xa gần nhủ lòng thương cảm, dang tay giúp đỡ, cứu vớt các con tôi để chúng được chữa bệnh, được đến trường như các bạn cùng trang lứa”.
 
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ các địa chỉ: Phòng Bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP Huế; chị Hồ Thị Bông, thôn Cổ Tháp, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.
Lý Hạnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top