ClockThứ Tư, 03/09/2014 04:26

Lãng phí công trình chợ nông thôn - bài 1: Nhiều chợ bỏ hoang

TTH - Do không khảo sát kỹ nhu cầu, nhiều ngôi chợ được đầu tư một nguồn kinh phí lớn nhưng xây xong bỏ trống, không phát huy hiệu quả.

Trong khi nhiều công trình dân sinh, công cộng đang khát vốn, thì tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh lại tồn tại nhiều ngôi chợ đầu tư hàng tỷ đồng nhưng sau đó không được sử dụng, dẫn đến hư hỏng và phải đầu tư chuyển mục đích sử dụng.

Chợ Vinh Phú được đầu tư 1,4 tỷ đồng trong tình trạng vắng khách.

 

Nhiều chợ bỏ hoang
Với mục đích đẩy nhanh phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn xã đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân, năm 2003, UBND huyện Phú Vang đầu tư xây dựng chợ Phú Diên 1 tại thôn Thanh Dương (Phú Diên). Với tổng kinh phí trên 230 triệu đồng, chợ có diện tích khoảng 500m2, gồm đình chợ và những lô hàng xung quanh cùng với khoảng sân rộng để người dân dễ dàng vận chuyển hàng hóa, để xe.
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ngôi chợ khang trang, sạch sẽ này trở thành điểm phơi rơm và trú ẩn của trâu bò. “Chợ xây dựng kiên cố, thuận tiện cho việc kinh doanh nhưng bỏ trống mười mấy năm nay, quá lãng phí. Trong khi đó chợ Cầu cách đó khoảng xa, bên một con kênh chật chội, mất vệ sinh và lấn chiếm lòng lề đường gây nguy hiểm cho người dân vẫn cứ nhộn nhịp. Chính quyền địa phương “bó tay” khiến nhiều người bức xúc” - Bác Phạm Trần, trú tại thôn Thanh Dương nói.
Năm 2008, UBND xã Quảng Phước đầu tư xây dựng chợ Quảng Phước với mục đích chuyên kinh doanh gia cầm và các loại hàng hóa nông sản địa phương. Chợ có diện tích 6.000m2, gồm 36 lô và đình chợ, tổng kinh phí xây dựng chiếm 2,2 tỷ đồng, đây là nguồn kinh phí từ chủ trương đổi đất lấy cơ sở hạ tầng của xã. Song, gần 7 năm nay, ngôi chợ này chỉ thu hút trên dưới 10 người đến họp chợ và chợ chỉ diễn ra chưa tới một tiếng đồng hồ!
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: “Chợ Quảng Phước được xây dựng thành chợ chuyên bán gia cầm theo quy hoạch phát triển chợ của huyện, đồng thời giải quyết tình trạng kinh doanh gia cầm tại chợ trung tâm và các khu vực khác gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Song, do vị trí của chợ nằm gần với chợ trung tâm huyện Quảng Điền có quy mô lớn, hàng hóa phong phú nên chợ Quảng Phước luôn trong tình trạng vắng khách, vì vậy tiểu thương cũng không mặn mà đến họp chợ.”
Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (chương trình 135) dành cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, năm 2005, UBND huyện Nam Đông đầu tư xây dựng chợ Thượng Long đóng trên địa bàn xã Thượng Long. Chợ có quy mô gồm đình chợ và 10 lô hàng, sân vườn và bãi giữ xe. Thế nhưng, từ khi đưa vào hoạt động đến năm 2008, chợ chỉ thu hút vài ba người đến họp và từ năm 2008 đến nay, chợ Thượng Long trở thành ngôi nhà hoang không bóng người. “Do địa bàn xã phần đông là người dân tộc thiểu số không có thói quen đến họp chợ để mua bán hàng hóa mà chủ yếu chỉ thích mua bán dọc đường. Nhiều năm nay, chợ luôn vắng khách và không đông”, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Long, ông Trần Đình Vĩnh Lộc giải thích.
Không hợp nhu cầu của dân
Thông qua nguồn vốn bãi ngang hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (nguồn vốn bãi ngang), hàng chục ngôi chợ nông thôn được đầu tư xây dựng không tuân thủ quy hoạch và nhu cầu của dân, dẫn đến không hoạt động hiệu quả. Tại huyện Phú Vang, một trong những địa phương có đến 13 xã, thị trấn được hưởng lợi từ chương trình này đang diễn ra trình trạng “chợ vắng khách” và trở thành công trình hoang phế. Dừng chân tại chợ Vinh Phú (xã Vinh Phú) vào khoảng 8 giờ sáng, vậy nhưng ngôi chợ được xây dựng cách đây 8 năm từ nguồn vốn bãi ngang có tổng mức đầu tư 1,4 tỷ đồng này vắng tanh, không có một bóng người. “Ở đây nhiều chợ lắm, một xã có 3, 4 chợ, trong đó có 6-7 chợ nằm gần nhau và chỉ cách nhau vài cây số nên nhiều người có xe máy đều đi chợ trung tâm Phú Đa hay chợ Vinh Thanh vì ở đó hàng hóa nhiều, giá rẻ chứ chợ ni ít hàng nên chỉ đông khoảng tiếng đồng hồ là đóng cửa”, mệ Nguyễn Thị Tư ở xã Vinh Phú cho hay.
Ông Hồ Viết Quyết, Phó phòng Công thương huyện Phú Vang cho biết: “Nguồn vốn bãi ngang được hỗ trợ để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và chợ. Vì vậy, trước đây nhiều xã, thị trấn tận dụng nguồn vốn này nên đã xây dựng khá nhiều chợ, dẫn đến có nhiều chợ xây xong không hoạt động hoặc vắng khách. Hiện UBND huyện đang triển khai quy hoạch và sẽ chuyển đổi một số chợ bỏ hoang như chợ Phú Diên 1 làm nhà văn hóa cộng đồng nhưng do chưa có kinh phí nên đến nay vẫn chưa triển khai”.
Bài 2: Không tuân thủ quy hoạch
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

TIN MỚI

Return to top