ClockThứ Năm, 04/09/2014 02:17

Lãng phí công trình chợ nông thôn - Bài 2: Không tuân thủ quy hoạch

TTH - Trong khi nhiều công trình chợ nông thôn đầu tư hàng tỷ đồng không đưa vào hoạt động đành bỏ trống, trên địa bàn tỉnh nhiều ngôi chợ vẫn tiếp tục được xúc tiến đầu tư gây ra tình trạng "chợ chồng chợ", nhiều ngôi chợ chỉ cách nhau trên dưới 1 km và nhiều xã có đến 3- 4 chợ.

Do mỗi xã có từ 3-4 chợ và nằm gần nhau nên mới 8 giờ sáng, chợ Phú Diên 2 đã trở thành "sân phơi sắn" của người dân

 

Xây ồ ạt

Hiện các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Nam Đông…, đang có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng và đầu tư thêm dịch vụ nhằm phát huy hiệu quả đối với các ngôi chợ này. Cụ thể, UBND huyện Quảng Điền sẽ phối hợp với các DN và siêu thị ở Huế đưa hàng hóa về phục vụ khách và thu hút người dân đến kinh doanh mua bán tại chợ Quảng Phước; chợ Phú Diên I sẽ đầu tư nâng cấp trở thành trung tâm học tập cộng đồng phục vụ người dân địa phương; chợ Thượng Long sẽ đầu tư để sử dụng làm nhà mẫu giáo phục vụ con em trên địa bàn xã và các vùng lân cận...

Theo thống kê từ Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 159 chợ, trong đó có 3 chợ loại I, 15 chợ loại II và 141 chợ loại III; trong đó có 52 chợ đóng trên địa bàn TP Huế và 107 chợ tại các huyện, thị xã. Việc đầu tư xây dựng hệ thống chợ nông thôn góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tiêu thụ các loại nông sản địa phương và đẩy nhanh tiến trình phát triển thương mại nông thôn nhằm tạo bộ mặt cho các vùng quê. Tuy nhiên, trong qúa trình đầu tư, nhiều địa phương không khảo sát kỹ về nhu cầu cũng như địa điểm đầu tư, dẫn đến hàng chục ngôi chợ do nằm gần nhau và nhiều xã có từ 3-4 chợ nên không có người họp chợ hoặc chỉ họp chợ từ 1-2 tiếng đồng hồ/ngày gây lãng phí. Mặt khác, có nhiều xã tận dụng các nguồn vốn như đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, vốn bãi ngang, chương trình 135… nên cứ thế đầu tư ồ ạt và hệ lụy là chợ chồng lên chợ.
Là một huyện ven biển có 13 xã, thị trấn được thụ hưởng nguồn vốn bãi ngang, vậy nên từ năm 2005 đến nay, UBND huyện Phú Vang đầu tư xây dựng hàng chục ngôi chợ với kinh phí từ 250-700 triệu đồng/chợ. Đến thời điểm này, toàn huyện có 40 chợ đóng tại 19 xã, thị trấn, trong đó có nhiều xã có từ 3-4 chợ như Phú Diên, thị trấn Phú Đa, thị trấn Thuận An (4 chợ); các xã Vinh Xuân, Vinh Hà, Phú Mỹ (3 chợ)… Trong khi đó, những xã có 3-4 chợ thì chỉ có từ 1-2 chợ hoạt động hiệu quả, còn lại đều rơi vào tình trạng bỏ hoang hoặc vắng khách.        
Năm 2003, chợ Phú Diên 1 được xây dựng nhưng không hoạt động dẫn đến bỏ hoang, thế nhưng đến năm 2005, từ nguồn vốn bãi ngang, UBND xã Phú Diên tiếp tục đầu tư 580 triệu đồng xây dựng 2 ngôi chợ là chợ Phú Diên 2 ở thôn Mỹ Khánh và Phú Diên 3 ở thôn Kế Sung. Điều đáng nói, hai ngôi chợ được xây dựng cùng thời điểm và chỉ cách nhau khoảng 2km nên người dân trong thôn chỉ đến họp chợ từ 1-2 tiếng đồng hồ và số người đến kinh doanh buôn bán chiếm vài chục người. “Chợ ni hàng hóa ít nên người dân ít đi. Chợ chỉ đông hơn 1 tiếng là xong, mà có bán thì cũng chẳng ai mua. Ở xã này có đến 4 chợ, một chợ bỏ hoang và 3 chợ khác chỉ buôn bán lèo tèo”, bà Nguyễn Thị Tám ở thôn Mỹ Khánh tâm sự.
Giải thích vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Phú Diên - ông Phạm Tăng Đoàn cho rằng, nguồn vốn bãi ngang phân bổ xây dựng chợ phục vụ người dân nông thôn, nên nếu không xây chợ thì cấp trên phân bổ cho địa phương khác, người dân của xã thiệt thòi. Hơn nữa, chợ không đông là do người dân không chịu đi chợ mà chỉ thích mua bán dọc đường nên chính quyền cũng không làm gì hơn.

Thông tin liên quan:

<< Lãng phí công trình chợ nông thôn - bài 1: Nhiều chợ bỏ hoang

 
 
Chưa khảo sát kỹ
Ông Võ Phi Hùng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Lâu nay, các chợ nông thôn xây dựng tràn lan, không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng chợ xây xong bỏ trống hoặc không hiệu quả. Trong đó, các xã, thị trấn cứ có tiền là tập trung xây chợ chứ không quan tâm đến việc khảo sát nhu cầu, địa điểm dẫn đến lãng phí. Mặt khác, việc phát triển chợ ồ ạt khiến công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ nông thôn gặp khó, gây thất thoát tiền nhà nước và lãng phí nguồn thu ngân sách từ khâu thu thuế ở các chợ”.
Lâu nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang tận dụng các nguồn vốn và đầu tư xây dựng chợ sai mục đích. Chợ phải được đầu tư khi người dân cần chợ chứ không phải tận dụng các nguồn vốn trên cấp. Mặt khác, với tư duy xã này có nhiều chợ thì xã kia cũng phải xây thêm, vậy nên nhiều ngôi chợ có quy mô nhỏ, không trang bị các thiết bị PCCC, tổ thu gom rác thải và không có bộ phận chuyên trách quản lý dẫn đến tình trạng gây mất trật tự, không đảm bảo vệ sinh và dễ xảy ra tình trạng cháy nổ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Qua thống kê, trên 90% các ngôi chợ nông thôn không có ban quản lý mà chỉ có cán bộ của các xã, thị trấn kiêm luôn khâu quản lý chợ nên không tham gia quản lý thường xuyên. Mặt khác, do chợ vắng khách nên chính quyền địa phương phải vận động người dân đến tham gia mua bán, việc thu thuế chợ vì thế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thất thoát nguồn thu.
Theo Quy hoạch phát triển chợ - siêu thị - trung tâm thương mại tỉnh năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, đảm bảo khu vực thành phố và 6 huyện đồng bằng có ít nhất 1 chợ/xã, phường; các huyện đồng bằng có ít nhất 1 siêu thị/huyện và 1 trung tâm thương mại/huyện. Mặt khác, sẽ hình thành và phát triển các khu phố đêm, phố chuyên doanh, phố du lịch, cụm dịch vụ thương mại - du lịch, trung tâm giới thiệu sản phẩm tại các thị trấn, thị tứ và khu công nghiệp. Như vậy, nếu xét theo quy hoạch thì việc các xã có từ 3-4 chợ là không hợp lý. Thay vì xây dựng nhiều chợ, các thị trấn, thị tứ và khu vực đông dân cư có thể đầu tư thành chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, đồng thời đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở các vùng nông thôn và hướng đến phục vụ khách du lịch.
Để hệ thống chợ nông thôn phát huy hiệu quả và thực sự là nơi giao thương mua bán của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển, chính quyền địa phương cần tuân thủ quy tắc xây dựng chợ theo quy hoạch và phân bố đồng đều ở các địa phương. Mặt khác, phải hạn chế việc xây dựng chợ ở các địa phương ít dân hoặc các vùng dân tộc thiểu số chưa quen với việc họp chợ. Trong quá trình phê duyệt các nguồn vốn, các ban ngành nên khảo sát kỹ địa hình, nhu cầu người dân cũng như vị trí xây dựng chợ trước khi cấp vốn nhằm tránh tình trạng chợ xây xong bỏ hoang.
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

TIN MỚI

Return to top