ClockThứ Tư, 24/10/2018 06:00

Lãng phí suất đầu tư nước sạch vì thói quen cố hữu

TTH - Thật trớ trêu, trong khi nhiều vùng không có nước sạch để dùng thì tại một số nơi, dù hệ thống nước sạch đã về đến tận nhà nhưng người dân vẫn không sử dụng.

Sơn Thọ “khát” nước sạchĐưa nước sạch về vùng khóGần 1/2 trường học trên thế giới thiếu nước sạch, nhà vệ sinh

Triển khai dự án cấp nước về nông thôn

Thói quen?

 Đồng loạt triển khai nhiều dự án (DA) cấp nước lớn, đến nay, Công ty CP Cấp nước (HueWACO) đã cung cấp nước sạch cho 81% dân số toàn tỉnh (đô thị 95%, riêng TP. Huế đạt gần 100%); khu vực nông thôn đạt trên 70%. Hiện vẫn còn khoảng 220.000 người (19%) thuộc các vùng đặc biệt khó khăn chưa được tiếp cận nước sạch; nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Với lộ trình hiện nay, dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 91,5% dân số được sử dụng nước sạch, an toàn và ngon. Tuy nhiên, đằng sau con số đáng ghi nhận này, còn mối lo khiến đơn vị cấp nước không khỏi đau đầu.

Theo số liệu thống kê từ Phòng dịch vụ khách hàng, HueWACO, trong tổng số 255.489 đấu nối toàn tỉnh thì 9 tháng đầu năm 2018 có 9.940 đấu nối chỉ số sử dụng nước bằng 0, chiếm tỷ lệ 3,9%, trong khi, HueWACO phải thường xuyên thực hiện duy tu, bảo trì đường ống, duy trì dịch vụ. Số đấu nối này tập trung ở các vùng nông thôn.

Xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) là một trong những địa phương có số hộ lắp đặt hệ thống nước nhưng không sử dụng nước khá cao. Ông Hoàng Trọng Ẩn, thôn Hiền Vân 1 là hộ có hệ thống cấp nước sạch được lắp đặt gần với khu vực giếng nước của gia đình. Ông Ẩn nói: “Lắp đặt vậy thôi chứ gia đình không mấy khi sử dùng đến vì đã có nước giếng, từ ăn uống giặt giũ”. Hỏi vì sao không có nhu cầu nhưng gia đình ông vẫn làm các thủ tục lắp đặt, ông Ẩn chia sẻ: “Tôi thấy người dân trong thôn lắp đặt nước sạch nên gia đình cũng lắp, dùng hay không còn tùy vào nhu cầu. Với lại, chúng tôi quen dùng nước giếng rồi, nước sạch có mùi (clo-PV) và không ngọt nên chưa sử dụng”.

Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, ông Nguyễn Văn Lợi thông tin: Toàn xã có 2.400 hộ nhưng có ½ hộ đi làm ăn xa chỉ đến tết mới về quê nên khoảng thời gian này nhu cầu sử dụng nước sạch thấp. Với lại, người dân kinh tế còn khó khăn nên lúc nào cũng nghĩ đến việc tiết kiệm chi tiêu, kể cả dùng nước máy. Dùng nước sạch phải tốn tiền nên người dân chỉ sử dụng trong ăn uống, các sinh hoạt còn lại đều sử dụng nước giếng. Tuy nhiên, hầu hết nước giếng trong vùng đều bị nhiễm phèn, chúng tôi lo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nên thường phối hợp cùng thôn và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong sử dụng nước sạch.

Người dân Hiền Vân 1 sử dụng nước giếng

Lãng phí

Số liệu thu thập từ các giếng bơm và giếng đào tại nhà dân các địa bàn TP. Huế, Cầu Tuần, Vinh Mỹ, Phú Thuận... các năm gần đây của Phòng Quản lý chất lượng nước, HueWACO cho thấy, nguồn nước giếng đều bị nhiễm vi sinh vượt quy định; độ  pH thấp. Hầu hết các giếng bơm có hàm lượng amoni, clorua, sắt và mangan cao, khiến nước có mùi tanh và bị đóng cặn vàng sau khi khai thác.

Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWACO trăn trở: Quy mô và suất đầu tư trong cấp nước nông thôn rất lớn, thường gấp 3 lần so với đô thị; vùng núi có nơi cao gấp 20 lần.

Tuy nhiên, theo ông Nam không chỉ suất đầu tư cao mà khó khăn lớn nhất là tỷ lệ dùng nước sạch ở nông thôn hiện rất thấp. Việc tiêu thụ nước ở khu vực nông thôn trung bình chỉ bằng khoảng 1/5 so với khu vực thành thị. Trung bình mỗi hộ vùng nông thôn sử dụng mỗi tháng khoảng từ 5-9m3 nước, trong khi thành thị từ 25-60m3; giá nước nông thôn cũng thấp hơn khoảng 2.000 đồng, ở mức 7.920 đồng/m3, trong khi con số này ở khu vực thành thị là 10.155 đồng/m3, trong khi dịch vụ cung cấp nước tương đương giữa thành thị và nông thôn. Chưa kể tại nhiều địa phương đã đấu nối hệ thống nước đến từng hộ gia đình nhưng người dân không sử dụng.

Theo tính toán, để đầu tư cho 1 đấu nối trung bình phải mất chi phí gần 10 triệu đồng, riêng khu vực nông thôn con số này lên đến 30 triệu đồng, vùng núi còn cao hơn. Như vậy, chúng ta đang lãng phí hơn 238 tỷ đồng suất đầu tư cho những hộ không có nhu cầu, trong khi vẫn có rất nhiều hộ cần nước sạch nhưng chưa được đầu tư.

Ông Trương Công Nam chia sẻ, công ty sẽ triển khai thỏa thuận cấp nước, kiến nghị áp dụng chính sách giá nước và phí dịch vụ cấp nước như phí thuê bao của các đơn vị viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, khách hàng, các đơn vị muốn lắp đặt hệ thống cấp nước phải cam kết sử dụng nước trong một định mức nhất định, tránh tình trạng đầu tư nhưng không sử dụng như hiện nay. Cùng với nỗ lực cấp nước của công ty, chính quyền địa phương cần đồng hành tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức trong sử dụng nước sạch.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp

Theo tin từ Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Michael Regan vừa công bố 8 tổ chức sẽ giám sát việc đầu tư 20 tỷ USD để tài trợ cho hàng chục nghìn dự án năng lượng sạch và giao thông vận tải tại các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Mỹ.

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp

TIN MỚI

Return to top