ClockThứ Hai, 16/01/2017 05:51

Làng rèn hơn 500 tuổi có nguy cơ “tắt lửa”

TTH - Từng phát triển thịnh vượng, thế nhưng theo thời gian, cùng với sự phát triển của công nghiệp, sản phẩm rèn thủ công không còn được thông dụng. Nguy cơ “tắt lửa” làng rèn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) có thể thành sự thật.

 Ông Trương Văn Thêm cầm cự với lò rèn tại nhà 

Làng Hiền Lương được thành lập từ  năm 1445, đến nay đã tồn tại được 571 năm. Từ  khi lập làng, ngoài nghề nông, người dân ở đây còn làm nghề rèn. Họ chuyên rèn các sản phẩm từ cuốc, rựa, liềm, dao, búa, kiềm, kéo, cho tới vũ khí như  đao, kiếm, giáo mác. Làng còn được nhiều người biết đến vì có nhiều kỳ tích như đã sản xuất vũ khí cho quân đội Tây Sơn, chế tạo thành công tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam...

Từ nhu của xã hội, với đôi tay khéo léo và đầu óc sáng tạo, người Hiền Lương đã chế tạo nên  nhiều dụng cụ và đồ vật sinh hoạt đạt đến trình độ tinh xảo. Nhiều tên tuổi lớn của làng như Dương Phước Thiệu, người chuyên sửa chữa các loại súng đạn, máy móc hay Trương Quang Sừng là thợ cơ khí bậc cao hiếm có, người thầy dạy nghề tài ba dưới triều vua Thành Thái.

Từ những năm 1990, nghề rèn Hiền Lương bắt đầu đi xuống. Hai năm trở lại đây, lửa lò rèn ở làng Hiền Lương đang đối mặt với thực trạng “lụi tàn” dần. Người dùng không còn mặn mà với sản phẩm rèn thủ công. Hiện ở làng Hiền Lương chỉ còn vài ba người tuổi xế chiều vẫn còn tiếp tục với nghề. Một mai khi thế hệ này nằm xuống, nghề rèn ở làng Hiền Lương nhiều nguy cơ không còn ai tiếp nối.

Thanh niên trẻ trong làng ngày nay đều muốn lên thành phố tìm việc, hoặc đi học xa, hoặc theo những nghề khác. Rất ít người trẻ theo đuổi nghề rèn truyền thống của làng.

Ông Trương Văn Thêm (65 tuổi), người có thâm niên làm nghề rèn hàng chục năm, cho biết. Sở dĩ giới trẻ trong làng không theo nghề rèn nữa vì nghề này vất vả mà thu nhập lại thấp, “Mấy đứa con tôi lớn lên đều xin đi học nghề cả, không đứa nào chịu theo nghề rèn, nghề này làm cực khổ mà thu nhập không bao nhiêu, chủ yếu nhận làm đồ dùng cho bà con quanh đây thôi”, ông Thêm nói.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: “Nghề rèn Hiền Lương đã đi vào Quốc sử, đây cũng là ngôi làng rèn cổ duy nhất của miền Trung  hưng thịnh trong thời gian dài. Nhưng nghề rèn Hiền Lương giờ đang dần mai một. Để vực dậy và phát triển nghề rèn, xã đã lên phương án xây dựng làng Hiền Lương thành điểm du lịch, bởi đây không chỉ là làng rèn cổ duy nhất của miền Trung, được công nhận là di tích quốc gia mà nó còn lợi thế nằm trên trục Quốc lộ 1A, chỉ cách trung tâm TP.Huế khoảng 20 km”.

Quang Huy–Công Khóa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đường trục xã Hiền Lương - Sơn Tùng - Cao Ban xuống cấp

Đường trục xã Hiền Lương - Sơn Tùng - Cao Ban là con đường huyết mạch của xã Phong Hiền (Phong Điền). Sau thời gian dài sử dụng, đến nay, đường đã xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Đường trục xã Hiền Lương - Sơn Tùng - Cao Ban xuống cấp
Return to top