ClockThứ Sáu, 21/06/2019 08:58

Lặng thầm sau mỗi tác phẩm

TTH - Giữa trưa hè nắng nóng đỉnh điểm, khi nhiều đồng nghiệp ở Đài Phát thanh–Truyền hình tỉnh (TRT) vội vã rời cơ quan thì bên trong phòng dựng phim, tiếng bàn phím vẫn lóc cóc. Người dựng phim chăm chú vào màn hình theo từng thước phim mà phóng viên vừa gửi về từ hiện trường...

Dấn thân theo từng thước phim

Phóng viên Tường Vy – Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Huế tác nghiệp cùng các đồng nghiệp. Ảnh: PHAN THÀNH

“Anh chị phóng viên vất vả, mình ở nhà nhằm nhò chi”, kỹ thuật viên dựng phim Trần Khánh Mỹ, phòng dựng phim Đài TRT khiêm tốn.

Lặng lẽ theo từng thước phim

Sau tốt nghiệp đại học, Khánh Mỹ về “đầu quân” cho Đài TRT với vai trò kỹ thuật viên dựng phim, đến thời điểm này được 3 năm. Tưởng chừng công việc có vẻ khô khan và nhiều áp lực này thường dành cho nam giới không ngờ lại gắn bó với cô gái trẻ vừa bước qua tuổi 26 ấy như một cơ duyên, để rồi đam mê.

Đôi tay thoăn thoắt, vừa nhấn nhá bàn phím, vừa kích chuột, ánh mắt Mỹ cứ thế chú tâm vào màn hình máy tính để kết nối những thước phim khớp lại với lời bình vừa nhận từ biên tập viên gửi về quá giờ trưa.

Kỹ thuật viên dựng phim của Đài TRT Trần Khánh Mỹ hỗ trợ phóng viên dựng phim

Vốn ngày thường phải chạy đua dựng phim để phát cho kịp chương trình thời sự được ấn định theo khung giờ nhất định thì những ngày cao điểm như lễ, tết, công việc dựng phim cứ thế dồn dập. Áp lực của người quay phim, biên tập viên lớn chừng nào thì người dựng phim như Khánh Mỹ ở nhà cũng không thua kém. Không có phim thì ngồi chờ, có phim rồi phải dựng làm sao nhanh nhất, đẹp nhất để kịp phát sóng. Việc đi sớm về muộn vì thế cũng là chuyện thường với người dựng phim.

Giữa khoảng nghỉ sau khi dựng bản tin, Mỹ tâm sự, ngày mới bắt tay làm công việc này hơi ngỡ ngàng, không chỉ áp lực thời gian mà đòi hỏi nằm lòng được nhiều kỹ thuật, sự nhanh nhẹn. Nhưng đổi lại, được sống trong không khí báo chí năng động, những đồng nghiệp giỏi nên tình yêu công việc ăn sâu vào Mỹ khi nào không hay.

Từng thước phim của người quay được Mỹ nâng niu, chăm chút cắt, dựng trước khi hoàn chỉnh với một tác phẩm toàn vẹn. Có những thước phim dựng rất nhanh, nhưng cũng có những phân đoạn thay đổi, chuyển đoạn, kết hợp gọt giũa, hoàn thiện từng hình ảnh, âm thanh sao cho hợp lý.

Và khi tác phẩm lên sóng, với Mỹ đó là niềm vui, động lực để tiếp tục gắn bó với công việc âm thầm phía sau những tác phẩm báo chí. Vui hơn, khi chồng Mỹ cũng là cán bộ của Đài TRT. Họ hiểu nhau, chia sẻ nhau những cảm xúc của nghề nghiệp, những vui buồn cuộc sống. Cũng chính ở mái nhà này, Mỹ cùng chồng chuẩn bị đón chào đứa con đầu lòng...

Để có những tác phẩm báo chí hoàn chỉnh nhất

Cách phòng dựng phim của Mỹ không xa, cũng vào giữa trưa, hai phát thanh viên đang chăm chú đọc bản tin qua sóng radio ở phòng thu. Qua màn kính phía đối diện, kỹ thuật viên Phạm Thị Hoài Ngọc (29 tuổi) vừa điều chỉnh âm lượng, vừa ra ký hiệu để phát thanh viên chỉnh lại giọng đọc. Lúc này, điện thoại của bạn nghe đài tương tác điện về, ngay lập tức Ngọc bắt máy, và vội lật cuốn sổ để ghi chép thông tin phản ánh. Đó có khi là một chia sẻ của bạn nghe đài, hoặc đơn thuần chỉ yêu cầu… “phát cho tôi một bài nhạc để gửi tặng người yêu”.

Thoạt đầu, công việc có vẻ đơn giản nhưng một hồi lâu, chúng tôi nhận ra rằng, bên cạnh các kỹ năng cần có của một người kỹ thuật viên phụ trách phòng phát thanh đòi hỏi thêm sự tập trung cao. Hết thu chương trình thời sự phải chuẩn bị thu chương trình chuyên đề, chưa kể có những sự kiện phải thu và phát trực tiếp... Xoay vòng liên tục.

Không phải chương trình nào cũng thành công- Ngọc nhớ lại- có những lúc đang thu trực tiếp thì đường truyền mất tín hiệu hoặc mất điện, cả ê kíp rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười. “Đó là lúc mà mình cần phải tỉnh táo nhất. Bên cạnh các phương án dự phòng, sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp cũng được huy động, vì thế dù bị gián đoạn, bạn nghe đài cũng không hề phàn nàn” – Ngọc nói.

Hỏi về sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình báo chí có làm nản lòng, Ngọc thật thà chia sẻ, dù có cạnh tranh tới đâu thì loại hình báo phát thanh vẫn đóng vai trò nhất định trong đời sống xã hội, và vẫn có một lượng thính giả nhất định. Tất nhiên, trước khi nói đến khán giả, nội dung chương trình luôn được những người thực hiện làm mới, thay đổi, phù hợp với xu hướng người nghe thì với kỹ thuật viên như Ngọc, việc cập nhật các phần mềm phục vụ cho công việc thu thanh, xử lý tiếng động vô cùng quan trọng. Việc cắt gọt, chỉnh sửa, lồng âm nhạc…vào các chương trình cũng đòi hỏi sự tinh ý, kinh nghiệm.

Thi thoảng, cuộc trò chuyện với chúng tôi lại đứt đoạn, khi Ngọc yêu cầu phát thanh viên bên trong phòng thu phải đọc lại với lý do lần đọc trước “bể giọng”, không được chuẩn. Sau cái gật đầu từ Ngọc, người phát thanh viên nở nụ cười như hiểu ý để làm lại. Nhiều phát thanh viên nói đùa nhưng mà thật, Ngọc chẳng khác gì… chuyên gia thẩm định âm thanh. “Không chỉ ở vị trí kỹ thuật viên, mình còn đặt vai trò của mình là thính giả đầu tiên được nghe các phát thanh viên đọc. Vì thế, đoạn nào chưa chuẩn mình sẽ ra ký hiệu yêu cầu làm lại. Nhiều lần, các phát thanh viên bực mình…”, Ngọc nhớ lại và kể thêm sau những lần như thế, các đồng nghiệp không chỉ hiểu công việc mà thầm cảm ơn Ngọc vì sự khó tính để có một chương trình tốt.

Thấm thoắt 5 năm vào đài, Ngọc vẫn lặng lẽ ở căn phòng kỹ thuật luôn “kín cổng cao tường” chỉ rộng chừng 20m2 với bề bộn máy móc để hỗ trợ đồng nghiệp. Tình yêu công việc cứ thế vun vén, như ngày đầu xác định đến với nghề báo.

Trân quý và yêu nghề

Cũng như công việc dựng phim, cân chỉnh âm thanh, với thể loại phát thanh – truyền hình, họa sĩ trình bày được xem là “linh hồn” của thể loại báo in gần như không bao giờ xuất hiện trước công chúng.

Họa sĩ Đoàn Thị Hương Trà

Có thâm niên gần 15 năm gắn bó với công việc ở tòa soạn Báo Thừa Thiên Huế, họa sĩ trình bày Đoàn Thị Hương Trà kể, ngày mới bắt tay thực hiện, công việc họa sĩ trình bày tưởng chừng đơn điệu, tẻ nhạt nhưng thực tế khác xa, đòi hỏi sự năng động, công phu… Ngoài việc dàn trang, trình bày sao cho phù hợp với nội dung, hình ảnh mà phóng viên gửi về, Trà còn kiêm thêm các khâu vẽ minh họa, xử lý hình ảnh…

Công việc này không chỉ áp lực về mặt kỹ thuật mà còn đối mặt về áp lực thời gian. Có những ngày sự kiện diễn ra muộn, tin tức trễ, ê kíp tòa soạn phải làm việc đến tận khuya, nên người trình bày cũng không còn cách nào khác, phải kết thúc ca trực muộn. Về đến nhà, đôi khi chồng, con đã ngủ khi nào không hay. “Niềm vui công việc không riêng gì mình, mà với các anh em ở tòa soạn là khi bản thảo được phê duyệt, chuyển về nhà in. Để rồi, mỗi sáng sớm, cầm tờ báo còn thơm mùi mực trên tay lại trân quý, và yêu nghề hơn” - Trà tâm sự.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấn thân vào những việc mới, việc khó

Trong khuôn khổ Tháng Thanh niên năm 2024, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua tình nguyện, tham gia đảm nhận nhiều công trình, phần việc thanh niên, góp sức trẻ cùng hệ thống chính trị thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Dấn thân vào những việc mới, việc khó
Hương Thủy luôn cởi mở, tiếp thu ý kiến từ báo chí

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy đã bày tỏ tại buổi gặp mặt, cung cấp thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội năm 2023 của thị xã vào chiều 26/1. Hơn 100 phóng viên, đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đã đến dự.

Hương Thủy luôn cởi mở, tiếp thu ý kiến từ báo chí
Gặp mặt phóng viên tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa

Sáng 3/1, tại TP.Cam Ranh (Khánh Hòa), Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức gặp mặt, quán triệt cho phóng viên, diễn viên đội nghệ thuật xung kích Hải quân và các lực lượng đi thăm chúc tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đang làm việc, sinh sống trên Quần đảo Trường Sa nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Đại tá Nguyễn Hữu Minh chủ trì buổi gặp mặt.

Gặp mặt phóng viên tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa
Hướng đến một nền báo ảnh đa dạng

Ngày 25/8, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức khóa tập huấn với nội dung “Hướng đến một nền báo ảnh đa dạng” tại Sơn La, cho gần 30 phóng viên và biên tập viên ảnh đến từ cơ quan báo chí khu vực miền bắc.

Hướng đến một nền báo ảnh đa dạng
Tác nghiệp nơi biển, đảo

Trên đảo Cồn Cỏ, tôi chỉ có thể tranh thủ thời gian ít ỏi lúc đoàn công tác ăn trưa để “gõ” laptop hết tốc độ. Khi biên đội tàu hụ còi rời đảo, tiếp tục rẽ sóng tuần tra, cũng là lúc thông tin từ chuyến tác nghiệp nơi biển, đảo đã “lên sóng” đến với bạn đọc, nóng hổi. Đối với người làm báo, đó là niềm hạnh phúc lớn. Cái bụng đói cồn cào hay đôi mắt thiếu ngủ chỉ là “chuyện nhỏ”.

Tác nghiệp nơi biển, đảo
Return to top