ClockThứ Hai, 02/05/2016 11:53

Làng vỡ

TTH - Tôi lớn lên đã thấy đất làng nâu sậm, đồng Cỏ bên đầm Vạc mênh mông. Dãy núi Tam Điệp im lìm mặc mây bay gió thổi từ ngàn năm. Cây gạo gai đầu làng già khụ khị bung hoa đỏ cháy trời tháng ba. Sáng sáng, dê từng đàn đeo lục lạc đinh đinh, đang đang... leo qua eo Bát vào thung Dâu ăn cỏ. Chiều chiều, khi mặt trời gác núi, thợ sơn tràng ra khỏi cửa rừng, đàn bà trên đồng Cỏ rủ nhau lũ lượt quẩy quang gánh lên đường về nhà. Người đi sau, trâu đi trước rồi í ới gọi nhau sà xuống đầm Vạc tắm. Làng tôi bình an, trong trẻo đến vô cùng. Vậy mà đột nhiên, xới tung, lộn nhào tất cả...

Một đám đông đứng ngồi lố nhố ở cống Bến Võ. Thì ra là những người làm thuê đang tụ tập tán phét, nói tục và hút thuốc lào vặt, chờ việc. Tôi nhận ra chú Dõng và chào. Chú hổn hển thở cả ra hai lỗ tai:

- Anh Tâm về bao giờ vậy? Chú đi bắt xe hon đa ôm lên bệnh viện huyện. Con Đào nhà chú gay lắm.

- Cháu vừa xuống xe. Em Đào bệnh gì, chú?

- Cả làng, người ta đang đồn ầm lên. Nó chửa với cái thằng quản lý nhà nghỉ ở đầm Vạc. Cái đó thì có thật. Nó hứa hẹn, nay nó cho tấm vải mai nó cho thỏi son. Con Đào nhà này làm tiếp viên ở đó, ham tiền tối mắt lại, mắc bẫy. Tiên sư cái thằng sở khanh ấy, làm con người ta ễnh bụng lên rồi chạy làng. Vậy mà con Đào giấu. Giờ đang làm cô vắc, cho đẻ non. Thất đức quá. Nhà chú thất đức quá!...

Chú Dõng đấm ngực bình bịch, cứ như tại chú mà nên nông nỗi này. “Con dại cái mang”, đứa con hư hỏng có khi tại hoàn cảnh, nhưng lỗi bố mẹ là không dạy dỗ đến nơi đến chốn. Con gái càng phải dạy, càng phải lo lắng giữ gìn. Thời buổi này thả con gái ra khỏi nhà mà chưa có sự chuẩn bị trước hành trang vào “trường đời”, rất gay. Toàn những chuyện động làng. Bắt đầu bằng sự kiện người ta làm đường từ thị xã qua làng, men theo bờ đầm Vạc đến núi Ngọc, núi Vàng, vào hang Dơi. Đường lớn mở về, người thành thị đổ đến. Ban ngày, người nước ngoài khoác ba lô đi lông nhông ở đường làng, ban đêm họ mắc võng nằm ngủ ngay trên bờ đầm Vạc... Làn gió kinh tế thị trường cứ tưởng chỉ tung hoành ở chốn thị thành, nay cũng đã thổi tới làng tôi...

Chị gái tôi lấy chồng ở cuối làng. Nhà chị mở quán karaoke, bây giờ đã sang tên cho anh Ké “lặc”. Bên kia đường, trước đây là cửa hàng mậu dịch quốc doanh, chuyên bán tạp hoá, khăn mặt, dầu hoả, kim chỉ, mắm muối... Nhiều khi hàng hoá hết, chẳng ma nào dòm đến, mấy cô mậu dịch viên suốt ngày ngồi ngáp ngủ với mấy thứ hàng mẫu không bán. Bây giờ, thêm quầy bưu điện, nhiều ki ốt bán phân bón, xi măng, sắt thép. Chiều tối người ta đem rau cỏ, thịt lợn ra bán... trông có vẻ vừa giống thị tứ vừa giống phố chợ. 

Tiếng loa thùng xập xình và tiếng hát ỉ eo từ trong ngôi nhà mái ngói vảy cá bay ra càng thêm sốt ruột:

Trăm năm vật đổi sao dời

Biển sâu nên bãi, bời bời dâu xanh...

Bỗng có tiếng léo xéo, tiếng quát mắng, co kéo ở trong nhà. Một người đàn bà đầu tóc rũ rượi kéo xềnh xệch gã đàn ông ra hè. Thì ra là chú thím Hào. Thím Hào ở cuối làng, người lùn một mẩu, được cái mắn đẻ nhưng lại đẻ toàn thị mẹt. Tôi nghe nói chú Hào buồn, chán đi uống rượu quanh năm ngày tháng, nhà nghèo rớt mồng tơi.

- Cháy nhà ra mặt chuột, cả làng cả nước đến mà xem này. - Thím Hào nắm cổ áo chú chắc quá. - Hĩm! Cắt trụi đầu con tóc vàng ấy cho tao.

- Bà không được phép làm thế. 

- A. Cái thằng Ké “lặc” thọt chân. Tao thì tao báo công an.

Hai tiếng công an rất có sức nặng, tự nhiên anh Ké “lặc” nhũn nhặn:

- Bà Hào cứ bình tĩnh, chuyện đâu có đó.

- Vì mày mà cót thóc nhà tao hết. Con Hĩm đâu, xông vào.

- Thôi... thôi. Tôi xin... tôi xin mẹ cái Hĩm. - Chú Hào van vỉ.

Có tiếng kêu trong nhà: “Bật nhạc to lên”. Lập tức lời hát váng tai: Người ơi người ở đừng về. Người về em chẳng í ì i cho về...

Tôi bước vào hẳn trong nhà. Các cô gái ngồi im thin thít hết.

Tôi chường cái mặt ra:

- Thím Hào bình tĩnh đã nào. Làm ầm lên phỏng có lợi gì? 

- Tao đếch bình tĩnh đấy... Ơ, thằng cu Tâm. Mới về à? Đấy mày thấy chú mày có dơ không?

Chú Hào gãi gãi tai:

- Kìa, anh Tâm nói với thím hộ tôi.

Được thể, thím Hào lu loa, kể lể. Hoá ra chú Hào đi hát karaoke. Trước mang tiền mua rượu đi hát, sau tiền mua rượu hết thì xúc trộm thóc trong nhà. Thím Hào sinh nghi. Quái thật! Chuột bọ bẫy bả hết rồi, nhà thì ăn tiêu tùng tiệm, có dám bán đâu mà cót thóc cứ vơi dần, lại đúng lúc con Hĩm giặt quần áo bố thấy vết son đỏ in rõ hình đôi môi trên vai áo. Thế là nghi lại càng nghi, hai mẹ con thím bàn nhau chui hàng rào đi lối vườn sau rình bắt đúng lúc con bé tóc vàng đang quàng tay lên vai chú hát...

Tôi phải trổ hết tài “vào Nam ra Bắc”, ăn cơm thiên hạ ra để “tháo ngòi nổ”. Mãi, thím Hào mới chịu thôi. Thím ghé vào tai tôi thì thào: “Tao cũng lên gân dọa chú mày với chúng nó thế thôi. Làm quá chú mày bỏ mấy mẹ con vịt giời nhà tao. Khổ”. “Thím nghĩ thế là phải”. Lúc về, thím còn giật cái kéo từ tay con Hĩm dứ vào mặt con bé tóc vàng, rồi vênh mặt nguýt anh Ké “lặc”. Đàn bà ghê gớm thật, họ đã làm cái gì là làm được hết, đàn ông có chạy đằng trời. Khiếp thật!

Anh Ké “lặc” chán ngán:

- Tự nhiên rước nợ vào thân. Tôi cứ tưởng làm quán Karaoke phát tài. Ai ngờ... 

Tôi bảo:

- Em thấy nó bất ổn thế nào ấy. Không hợp với làng quê mình.

- Thật thế. Cứ vài bận thế này là đóng quán.

Gần trưa, tôi đành quay trở lại nhà mình. Chị tôi cũng đi thị xã vừa về, đi ô tô tải hẳn hoi. Mấy đứa bé vẫn đi học, nhà vắng quá. Vừa thấy tôi chị đã sướt mướt, kể lể:

- Con bé ấy có đẹp tốt gì cho cam. Người thì lùn tịt một mẩu. Tóc nhuộm nâu đỏ như râu ngô. Mặt phèn phẹt bằng cái thớt. Chỉ được cái trẻ kéo lại. Chả hiểu anh Thà cậu phải lòng nó cái nỗi gì?

Tôi thì thầm:

- Chị đừng nói với bu nhé. Chẳng giải quyết được gì mà bu thương chị, lại buồn.

Sau chuyện ấy, tưởng chị gái tôi gục ngã, nhưng chị đứng dậy được. Chị vay nửa đàn dê của bu tôi, bán lấy tiền xoay sang buôn chuyến, thu gom ốc nhồi, cá quả, ba ba, gà ri và dê, chó... đưa lên các quán đặc sản trên thị xã.

Chị phàn nàn chê chồng, giọng ân hận:

- Cậu không biết chứ, tôi phải mông má cho anh rể cậu hơn người. Trông hắn kẻng trai hẳn lên. Hơn đứt mấy ông thợ cày, thợ sơn tràng.

- Vậy nên cốc mò cò xơi. Khổ thân chị.

- Chị còn lên thị xã mua thuốc về nhuộm tóc bạc cho hắn nữa. Chị sắm cho hắn mấy bộ quần bò, áo phông, cái áo có dòng chữ khỉ gió kia kìa.

Chị chỉ cái áo treo trên mắc. Giời ạ! Dòng chữ tiếng Anh: “Forget me not” (Xin đừng quên tôi). Mặt chị hơn hớn nói tiếp:

- Trông hắn chả khác trai lơ. Ấy là chị nghĩ: “Quán phải ra quán, người phải ra hồn người, khách hàng mới nể. Có tiền hắn đi đánh bạc rồi theo gái, cậu ạ. Ngẫm lại hoá ra mình dại. Dại quá!” 

Bây giờ, làng bỗng dưng thành phố làng. Hàng hoá, đồ ăn... cái gì cũng có. Quán thịt chó nhà Long “béo”, quán lòng lợn tiết canh nhà Vỡn “gù” cũng mắc điện thoại. Người thành phố coi ốc, lươn, ba ba là đặc sản chứ làng Sơn Hạ tuần nào chả ăn. Đầm Vạc đấy tha hồ xuống mò. 

Vãn chiều.

Núi con Rùa đổ bóng xuống một góc đầm Vạc. Dân làng Sơn Hạ đi làm ở thung Dâu, đồng Cỏ trên đường về nhà tạt xuống đầm tắm. Mấy ông bà Tây du lịch ba lô xì là xì lồ, chỉ chỏ vào đoàn người quần áo ướt lướt thướt. Người làng vừa tắm dưới đầm Vạc lên bờ cũng chỉ và trêu  họ, rồi cười ré lên...

Mấy đêm liền, tôi nằm ở chõng tre bên cửa sổ không ngủ nhìn ra đầm Vạc. Vạc vẫn mò mẫm từng đàn dưới hồ. Thỉnh thoảng le le, vịt trời giật mình kêu váng một góc đầm. Đèn pha ô tô mỗi khi cua khúc ngoặt quét sáng bừng. Tiếng còi toe toe. Tiếng người đi buôn sớm đón xe láo xáo. Tiếng dê trong chuồng lục cục... Hoang sơ và hiện đại, bao âm thanh lẫn lộn ở làng lúc đêm chưa hết sáng sắp về.

Lại một đêm tôi không ngủ, đây là đêm cuối tuần. Bu tôi chốc chốc lại ho khục khặc. Chị tôi gọi con lớn dậy, hai mẹ con ra bến đỗ ô tô xem công việc tập kết và đóng hàng để chở lên thị xã. Bu tôi ngồi dậy nhẩn nha vấn tóc.

- Dân làng mình học theo cái mới cũng nhanh thật, bu nhỉ.

- Dạo thầy anh còn sống, ông ấy giải lời sấm, bảo năm nay động làng.

- Bu ạ. Dưới làng Quỳnh người ta làm du lịch Thác Xanh, mạn Yên Khánh người ta làm du lịch động Tam Cốc có nhốn nháo, vỡ làng như làng mình đâu?
 Nhưng rồi tôi lại nghĩ: Không phải vỡ làng! Làng tôi đang trong cơn trở dạ sinh thành. Cơn trở dạ sinh thành nào mà chẳng đau đớn, vật vã?

Một tuần sau tôi lại đi xa làng.

Nhà ga ồn ào và nhốn nháo, người đi người tiễn, người về, người đón. Những khuôn mặt tươi tỉnh rạng rỡ, những khuôn mặt mệt mỏi chờ đợi, những khuôn mặt lo lắng, bồn chồn... ở sân ga. Có bao nhiêu khuôn mặt ấy từ làng ra đi và bao nhiêu sẽ trở về? 

Tàu từ từ vào ga. Người trên tàu chợ từ trong Nam ra lục tục xuống bến. Ô kìa! Ai như anh rể tôi. Anh Thà! Tóc tai bù xù, râu ria không cạo lởm chởm. Hai má tóp lại và mắt trũng sâu. Trông anh còm nhom như ngày tôi còn ở nhà ăn sắn lát, khoai độn. Chỉ khác là cái mũ bê rê sờn trên đầu, cái quần bò xám cũ kỹ, cái áo phông có dòng chữ: “Forget me not” trước ngực, mồ hôi muối đọng trắng loang lổ từng đám. Anh rể xuống tàu chỉ có người không, tay cầm thuốc lá, tay đút túi quần...
“Cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Anh rể tôi lại về làng.

THANH XUÂN NAM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top