ClockThứ Tư, 06/03/2013 22:31

Lao động, nhân lực & đào tạo

TTH - Tâm lý bằng cấp là mong muốn chính đáng của mọi người. Các bậc phụ huynh luôn mong mỏi con em mình học hành đến nơi đến chốn, chí ít cũng kiếm tấm bằng đại học. Áp lực vào đại học là tâm lý đè nặng lên vai học sinh và cả các bậc phụ huynh. Tâm lý ấy xét về góc độ tích cực nó có tác dụng thúc đẩy sự nỗ lực học tập của học sinh và sự động viên, chăm lo của các bậc cha mẹ học sinh. Thế nhưng không phải em nào cũng học hành tiến bộ, giỏi giang để vào ngưỡng đại học.

Thực tế cho thấy, hằng năm số học sinh không đủ điều kiện vào đại học là khá đông. Thế nhưng những năm gần đây, trường đại học mọc lên theo cấp số nhân, đó là chưa kể các loại hình đào tạo tại chức, đào tạo từ xa. Nhiều trường trung cấp, cao đẳng được nâng lên thành đại học. Đáng buồn là có trường vì lợi nhuận trước mắt, chưa coi trọng chất lượng nên đầu tư cơ sở vật chất chưa tương xứng, đội ngũ giảng viên cơ hữu không đáp ứng được với quy mô ngành nghề đào tạo. Trong xã hội, chúng ta thấy rõ hàng nghìn sinh viên ra trường cầm tấm bằng chạy quanh để kiếm một việc làm và xem ra quá khó. Giáo dục đại học nếu như cứ mạnh trường nào trường đó cứ đào tạo thì hệ lụy là sinh viên ra trường ngày càng đông nhưng giải quyết công việc cho số lao động đại học này là điều không đơn giản. Trong lúc đó nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang rất cần những lao động có tay nghề cụ thể. Đặc biệt là ở các khu công nghiệp với nhiều công ty, nhà máy đang mọc lên. Xã hội nói nhiều đến khái niệm thừa thầy thiếu thợ. Thầy ở đây hiểu trong nghĩa sinh viên đại học ra trường nhiều nhưng tìm lao động có tay nghề cụ thể thì đang thiếu trầm trọng. Nhiều công ty, doanh nghiệp tuyển lao động lấy theo bằng cấp xong còn dành một quỹ thời gian để đào tạo nghề cho họ. Nghề may, cơ khí, mộc dân dụng, thợ máy, gò, hàn...

Cho đến lúc này, nhiều bậc phụ huynh mới nhận ra rằng tìm kiếm cho con cái mình một việc làm để sinh nhai không phải chỉ có con đường vào đại học. Hóa ra, nếu được học một nghề tinh thông có khi công việc lại dễ dàng đến với họ. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chuyên ngành ở các khu công nghiệp là một thực tế trả lời cho học sinh và các bậc cha mẹ học sinh.

Ai cũng hiểu rằng, trong phân công lao động xã hội, có lao động trí óc, lao động chân tay, trong môi trường làm việc có người lãnh đạo quản lý, có người làm chuyên môn. Nhiều em học sinh chưa hiểu hết lợi ích của việc học nghề. Xã hội và gia đình cũng chưa định hướng rõ cho con em trước sự lựa chọn con đường vào đời bằng năng lực thực có của cá nhân cụ thể.

Vài năm trở lại đây, chúng ta thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học lại tiếp tục theo học một nghề ở trường trung cấp, cao đẳng nghề. Việc sinh viên đi học lại một nghề cho thấy xã hội, doanh nghiệp đang hướng đến tuyển người dựa vào thực lực của đối tượng xét tuyển. Doanh nghiệp bao giờ cũng coi trọng khả năng nghề của người lao động hơn là bằng cấp. Đơn giản là nó đáp ứng được cụ thể yêu cầu của họ. Phải chăng đó là một thực tế mà các trường đại học nên nhìn lại cách đào tạo của mình và các em học sinh nên nhận thức rõ về sự phát triển của xã hội, nhu cầu của xã hội để định hướng cho mình một con đường vào đời với năng lực, thế mạnh và sở thích của cá nhân mình.

Cuộc sống đang điều chỉnh nhu cầu tuyển dụng lao động theo sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế đang cần ít thầy và nhiều thợ. Từ đó, việc phân luồng vào các trường nghề là một đòi hỏi bức thiết mà ngành giáo dục cần tính đoán kỹ. Thật ra, chúng ta cũng đã có nhiều trường nghề, trung cấp có, cao đẳng có. Vấn đề là cơ sở vật chất, đội ngũ thầy giáo được đầu tư đến đâu. Sau khi các em rời trường nghề liệu đã có bao nhiêu phần trăm học sinh đạt được kết quả “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”?

Hiện nay, để đảm bảo công tác tuyển dụng nhân lực, ngoài tiêu chuẩn bằng cấp, các đơn vị, doanh nghiệp còn kết hợp các hình thức khác để kiểm tra thực lực của ứng viên như phỏng vấn, phản biện, thử việc, trình bày kế hoạch, đề án... Đây là mô hình tuyển dụng đem lại hiệu quả thiết thực. Do vậy, điều quan trọng của người tìm việc làm là năng lực, trình độ thực tế của mình khi tiếp cận với công việc ở bất kỳ cơ quan, đơn vị nào có nhu cầu tuyển dụng.

Từ góc độ quản lý và nhu cầu đào tạo nhân lực, đã đến lúc cần nâng chất lượng của tấm bằng “thật”. Học đi đôi với hành. Trong đào tạo cần xiết chặt đầu vào, nghiêm túc sàng lọc mạnh mẽ trong đào tạo, tăng cường năng lực thực hành cho học sinh, sinh viên, kiên quyết xóa nạn bằng giả hay bằng thật chất lượng giả (năng lực thực hành không như tấm bằng ghi nhận).

Về học sinh nên thay đổi cách nghĩ. Phải xác định rằng sau khi tốt nghiệp phổ thông tự đặt mình trước hai cánh cửa. Một là thi vào đại học, hai là chọn cho mình một nghề để học (lao động kỹ thuật). Nhiều năm qua, chúng ta thấy cánh cửa đại học mở quá rộng và ngược lại cánh cửa trường nghề khiêm tốn hơn. Cho nên, học sinh cứ nhìn vào cánh cửa đại học. Cánh cửa đại học rộng nhưng có nhiều trường đại học được ví là học đại nên nhân lực đào tạo ra trường thầy không ra thầy mà thợ không ra thợ.

Nhiều chuyên gia quản lý giáo dục cho rằng cần khép bớt cánh cửa đại học. Họ cho rằng “khép bớt” là nhằm mục đích lựa chọn những học sinh xứng đáng, có năng lực thực sự để theo đuổi sự học và học lên cao hơn, xem đây là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Một khi vấn đề trò không giỏi không thể vào đại học được đặt ra thì số học sinh năng lực trung bình sẽ lựa chọn đi vào hướng khác.

Đây là vấn đề lớn của ngành giáo dục. Cần có những khảo sát, điều tra cụ thể về nhu cầu nhân lực, trình độ, dự báo thay đổi về nhu cầu nhân lực, việc làm trong một thời gian nhất định để không gây ra sự mất thăng bằng về nhu cầu nhân lực. Thực hiện điều đó đi đôi với cơ chế, định hướng để mở mang cánh cửa hướng nghiệp. Phải đầu tư, nâng cấp các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề ngang tầm.

Nếu sinh viên ở các trường nghề khi ra trường, thật sự là nguồn lực có tay nghề làm hấp dẫn các doanh nghiệp thì sẽ tạo một sức hút mạnh mẽ cả về phía học sinh và các trường nghề.

Giáo dục đại học và chuyện trường nghề là bài toán khó nhưng cần đầu tư trí tuệ để giải quyết. Nhân lực nghề là một nhu cầu đang nóng khi đất nước hội nhập và phát triển. Nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đến xây dựng nhà máy và xí nghiệp với đa dạng ngành nghề đang phát triển mạnh mẽ trên đất nước ta. Nhu cầu người thợ là một thực tế nóng. Đã là một thực tế nóng, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách đào tạo nguồn nhân lực phải trăn trở, trách nhiệm cùng sự phát triển của đất nước. Nếu không chúng ta sẽ đào tạo một đường mà nhu cầu nhân lực thì đi theo hướng khác. Sự khập khiễng hiện hữu cần được xem xét kỹ cho định hướng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Chiến Hữu-Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top