ClockThứ Năm, 09/02/2017 05:51

Lao động sang Lào: Còn bất cập

TTH - Toàn tỉnh hiện có hàng ngàn lao động đang làm việc tại Lào. Nhiều gia đình phất lên trông thấy, song không ít người sau bao năm bôn ba vẫn trắng tay. Điều đáng nói, lao động sang Lào bất hợp pháp có chiều hướng gia tăng.

Người Huế làm chủ một cửa hàng tạp hóa tại Lào

Lao động không được bảo vệ

Cuối năm, lao động làm việc ở Lào ồ ạt về quê ăn Tết. Thống kê sơ bộ của Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, bình quân hàng tháng, họ gửi về nước cho người thân khoảng 12 tỷ đồng, nâng cao thu nhập, giải quyết tình trạng thiếu việc làm tại địa phương. Phong trào sang Lào làm ăn lan tỏa ở các miền quê từ năm 2003. Đến nay, toàn tỉnh ước tính có khoảng 6.000 lao động đang làm việc tại các tỉnh Pắc-xế, Xa-va-na-khet, Khăm-muộn… Tuy nhiên, số lao động có việc làm ổn định, mang tính lâu dài chỉ chiếm khoảng 30%. Lao động tự do ở Lào chủ yếu làm nghề nông, thợ xây hoặc không có nghề nghiệp ổn định, độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi.

Giấc mơ sang Lào đổi đời quá mãnh liệt khiến hàng ngàn thanh niên cứ đi mà không nghĩ đến những hệ lụy phải gánh. Nhiều lao động trẻ đã bỏ việc ở nhà máy, xí nghiệp để đến xứ sở Triệu Voi với mong muốn sớm có tích lũy, kiếm vốn lập nghiệp. Chị Nguyễn Thị Ly (Vinh Thanh, Phú Vang) cho hay: Ở Lào vẫn dễ buôn bán hơn. Tôi làm nghề thu mua sắt vụn, mỗi tháng kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Tôi gởi các con cho bà ngoại nuôi nên cật lực kiếm tiền, đến tết lại về quê lo cho các con. Ở nơi đất khách quê người, không chồng con cũng chạnh lòng lắm”.

Lao động Thừa Thiên Huế ồ ạt sang Lào, tuy nhiên, đa phần là lao động bất hợp pháp. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào quy định, không cấp giấy phép đối với những lao động đang hành nghề tự do. Thế nên, nhiều người làm hộ chiếu đi du lịch để sang Lào, cứ đúng 29 ngày lại ra cửa khẩu làm lại giấy tờ rồi lại vào làm việc tiếp. Hầu hết, họ không được trang bị bảo hộ an toàn lao động cũng như đóng các loại bảo hiểm thân thể, xã hội và y tế nên chẳng may xảy ra tai nạn thì họ phải gánh chịu hoàn toàn. Anh Nguyễn Văn Nghĩa, một lao động ở huyện Phú Lộc, phân bua: “Sang Lào, chúng tôi làm đủ nghề từ thợ mộc, thợ xây, thợ phụ... miễn có tiền. Mỗi công thợ được trả từ 80.000 kip/ngày đến 100.000 kíp/ngày (khoảng 260.000 đồng). Cuộc sống trên đất khách quê người rất khó khăn, tiếng Lào chưa biết, người quen thì không. Tôi không có tiền để làm thẻ lao động, nên, luôn nơm nớp lo bị cảnh sát bắt”.                        

Đặt lại vấn đề tại sao không đưa lao động sang Lào theo con đường chính thống, ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, cho hay: Người lao động có một việc làm chính thức tại Lào không dễ. Bởi lẽ, mỗi dự án đầu tư nước ngoài chỉ được sử dụng 10% lao động phổ thông và 20% lao động kỹ thuật của quốc gia đó nên lao động Thừa Thiên Huế không có nhiều doanh nghiệp làm việc tại Lào. Chưa kể, mỗi lao động muốn làm việc tại các doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập cá nhân 10%, đóng các khoản tạm trú 300USD/người/năm” khiến lao động không mấy mặn mà.

Hệ lụy

Đời sống người dân cao lên cũng là lúc các làng quê nơi đây không còn bình yên. Nhiều loại tội phạm, nhất là ma túy xuất hiện ngày càng nhiều khiến người dân sống bất an. Khá nhiều thanh niên khi về quê mang theo ma túy để bán, hoặc sa vào rượu chè, cờ bạc. Họ sẽ làm gì ở quê khi trở về mà trong tay không có nghề ổn định? Có quá nhiều bất cập khi họ để con cái lại cho người thân ở  quê chăm sóc. Thiếu sự quan tâm, giáo dục của bố mẹ, nhiều em hư hỏng, trộm cắp. Trẻ em bỏ học sang Lào làm thuê cùng bố mẹ ngày càng gia tăng. Bà Trần Thị Lành, xã Lộc Bổn (Phú Lộc), rầu rĩ: “Con gái tôi theo chồng đi làm thuê ở Lào gần 10 năm nay. Một mình tui nuôi hai đứa cháu ngoại, chuyện ăn uống không nói, sợ là tôi không quản lý được, chúng chơi bời lêu lổng. Tết mô, mạ hắn cũng về vài hôm rồi lại qua ngay”.

Khi người lao động về quê ăn tết, cũng là lúc các địa phương tuyên truyền, vận động lao động tự do làm việc tại Lào tuân thủ nghiêm túc các qui định của nước sở tại. Sở Lao động Thương binh & Xã hội đã thành lập đoàn công tác, khảo sát tình hình lao động đang làm ăn tại Lào để có biện pháp phối hợp cụ thể trong việc hỗ trợ thủ tục cho lao động đang sinh sống tại Lào, như in hàng ngàn tờ rơi phát cho lao động Thừa Thiên Huế đang làm việc ở Lào biết những thủ tục cần thiết cũng như số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ lao động. Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã có nhiều chính sách thu hút lao động ở lại làm việc, tuy nhiên, không nhiều lao động không mặn mà khi cho rằng mức thu nhập ở địa phương thường thấp.

Bài, ảnh: Huế Thu - Hồ Nhôi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Thông tin doanh nghiệp:
Điểm danh 3 không gian làm việc lý tưởng tại The Sentry

Sau 4 năm thành lập, The Sentry hiện nay với 3 cơ sở hướng đến phát triển một cộng đồng dành riêng cho các nhà sáng tạo và doanh nhân công nghệ, đồng thời thu hút các nhân tài thế hệ trẻ của nước nhà.

Điểm danh 3 không gian làm việc lý tưởng tại The Sentry
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn

TIN MỚI

Return to top