Thế giới

Lao động tay nghề thấp và các nước đang phát triển đối mặt nhiều nguy cơ do COVID-19

ClockThứ Năm, 02/04/2020 16:08
TTH.VN - Nền kinh tế toàn cầu có thể giảm tới 1% trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 và thậm chí có thể giảm sâu hơn nữa nếu các hạn chế đối với các hoạt động kinh tế được mở rộng mà không có phản ứng tài chính phù hợp, theo phân tích vừa được công bố hôm nay của Vụ các vấn đề Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp quốc (DESA).

Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở Mỹ tăng cao do đại dịch COVID-19. Ảnh: Yahoo News/Vietnammoi

Báo cáo của DESA cho thấy, hàng triệu công nhân có nguy cơ mất việc khi gần 100 quốc gia hiện đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Điều này có thể chuyển thành sự sụt giảm kinh tế toàn cầu 0,9% vào cuối năm nay, hoặc thậm chí cao hơn nếu các chính phủ không cung cấp các khoản hỗ trợ thu nhập và giúp tăng chi tiêu của người tiêu dùng.

Ngành công nghiệp dịch vụ gặp khó

Theo dự báo, lệnh đóng cửa ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ đang tác động mạnh đến lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là các ngành liên quan đến tương tác vật lý như thương mại bán lẻ, giải trí và khách sạn, dịch vụ và vận tải... Nhìn chung, những ngành công nghiệp này chiếm hơn 1/4 tổng số việc làm trong các nền kinh tế này.

Khi các doanh nghiệp mất doanh thu, thất nghiệp có thể sẽ tăng mạnh, chuyển cú sốc từ cung sang cầu cho nền kinh tế. Mức độ nghiêm trọng của những tác động này sẽ phụ thuộc phần lớn vào thời gian kéo dài của các hạn chế đi lại đối với người dân và các hoạt động kinh tế, cũng như phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả của các phản ứng từ kho bạc quốc gia các nước.

Trong bối cảnh đó, cùng với LHQ, DESA cũng kêu gọi các gói kích thích tài khóa được thiết kế tốt, trong đó ưu tiên cho các khoản chi tiêu y tế và hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch.

Ông Liu Zhenmin - Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội cho rằng, cần có các biện pháp chính sách khẩn cấp và táo bạo, không chỉ để ngăn chặn đại dịch và cứu mạng người dân, mà còn để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội khỏi sự hủy hoại kinh tế, song song với việc duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính.

Tác động lan đến các nước đang phát triển

Phân tích của DESA cũng cảnh báo rằng, tác động bất lợi của những hạn chế kinh tế kéo dài ở các nền kinh tế phát triển sẽ sớm lan sang các nước đang phát triển, thông qua các kênh thương mại và đầu tư. Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh ở Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ làm giảm lượng nhập khẩu hàng tiêu dùng từ các nước đang phát triển.

Do đó, các nước đang phát triển - nhất là những nước phụ thuộc vào du lịch và xuất khẩu hàng hóa, phải đối mặt với rủi ro kinh tế tăng cao. Sản lượng sản xuất toàn cầu có thể sụt giảm đáng kể, và số lượng khách du lịch giảm mạnh có thể sẽ làm tổn thương ngành du lịch tại các quốc gia nhỏ đang phát triển, nơi sử dụng hàng triệu lao động có tay nghề thấp.

Cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ có hỗ trợ tài chính để bảo vệ ngành du lịch thế giới, nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi toàn cầu trong những tháng tới.

Trong khi đó, sự sụt giảm của các khoản thu liên quan đến hàng hóa và sự đảo chiều của dòng vốn đang làm ảnh hướng đến chính sách của nhiều quốc gia. Các chính phủ có thể buộc phải cắt giảm chi tiêu công trong thời điểm cần tăng cường chi tiêu để ngăn chặn đại dịch, hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư.

“Các báo động do DESA đưa ra càng nhấn mạnh thêm những cảnh báo từng được phát hành trước đó, trong đó các chuyên gia của LHQ đưa ra lời kêu gọi rộng rãi đối với một phản ứng đa phương quy mô lớn, phối hợp và toàn diện, chiếm tới ít nhất 10% GDP toàn cầu, nhà kinh tế trưởng của LHQ kiêm trợ lý của Tổng thư ký LHQ về phát triển kinh tế Elliot Harris cho biết.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN News)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top