ClockThứ Tư, 06/02/2019 14:44

Lập kế hoạch để phát triển

TTH.VN - Mọi sự phát triển đều dựa trên một kế hoạch phát triển tốt – có mục tiêu, có giải pháp, có tổ chức thực hiện, có phân kỳ đánh giá.

Nó gợi ý cho tôi nghĩ về điều này là vì hôm qua, ngày đầu năm Tết Kỷ Hợi, đứa em đến thăm và kể chuyện kiểm soát chi tiêu của gia đình. Xuất phát điểm của nó là làm bảo vệ cho một cơ sở du lịch ở Lăng Cô. Lần hồi nó được lên làm nhân viên văn phòng của công ty ở Huế cho đến bây giờ, tổng thảy 19 năm. Chuyện này xin được kể sau.

Tôi đã được đọc một bài viết, của chính một người làm việc trong một công ty đa quốc gia kể lại chuyện quản lý ngân sách của công ty mà thấy hay quá. Nó giúp ích rất nhiều cho sự phát triển. Họ quản lý ngân sách hết sức chặt chẽ. Thường vào tháng tư hàng năm, các công ty, bộ phận trực thuộc phải căn cứ nhiệm vụ của mình để lập kế hoạch chi tiêu ngân sách. Đại ý năm nay bộ phận này dự tính sẽ làm những việc gì, vì sao phải làm những việc như vậy, dự đoán hiệu quả đưa lại ra sao, chi tiêu ngân sách như thế nào… Kế hoạch này phải được cấp trên duyệt.

Để có con số tiệm cận thực tế nhất, họ có đến bốn phiên bản của ngân sách. Bản đầu tiên là sơ khởi nhưng sẽ được sử dụng để làm căn cứ, sau đó các bộ phận điều chỉnh, bổ sung dần. Nếu phải đề nghị, bổ sung dữ liệu đã báo cáo ban đầu, phải giải trình một cách rất tỉ mỉ, chi li với những luận cứ logic. Phiên bản cuối sẽ được công ty mẹ ở nước ngoài làm căn cứ, trích, phân bổ tiền cho hoạt động của năm sau. Thường các yếu tố khách quan, lý do quên hoặc nhầm lẫn chưa bao giờ được dễ dàng chấp nhận…

Trong giai đoạn thực hiện ngân sách, đầu mỗi tháng, họ phải báo cáo giải trình kết quả “tiêu tiền” của mình tháng trước. Nếu con số thực tế trùng khớp với kế hoạch được xem như việc đương nhiên, còn cao hoặc thấp hơn 5%, người đứng đầu phải điều tra nguyên nhân, bằng chứng và thiết lập đối sách để không xảy ra tình trạng tương tự về sau nữa…

Với một nền quản trị doanh nghiệp tiên tiến, lập kế hoạch phát triển, hay nói cách khác là kế hoạch chi tiêu ngân sách đã quan trọng như vậy thì những nơi có nền quản trị kém phát triển hơn, lập kế hoạch chi tiêu ngân sách lại còn quan trọng hơn nữa. Quan trọng là vì kế hoạch ngân sách nó liên quan đến mọi yếu tố: từ nhân sự, đầu công việc, cách thức vận hành, cách thức kiểm soát chi tiêu…Nói nôm na là không thể làm việc một cách “tùy hứng” mà có sự phát triển được.

Trở lại câu chuyện thực tế của đứa em mà tôi đã kể ở đầu bài viết. Em bảo hai vợ chồng thu nhập một tháng khoảng 9 triệu đồng. Em phải lên một kế hoạch chi tiêu hết sức chi ly: tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền xăng xe, tiền ga, tiền học cho con, tiền ăn sáng cho con, cho chính mình, tiền trả ngân hàng (do vay để làm nhà), tiền đóng bảo hiểm phi nhân thọ cho con… và thậm chí là dự tính tiền dự tiệc cưới của tháng tới. Ưu tiên số một là tiền học cho con. Mỗi kỳ nhận lương nó chia “từng cục” cho các khoản chi. Tính hết các khoản chi khác, “tiền chợ” chỉ còn được 60.000đ một ngày, cho 4 người ăn.

Em kể rằng, giả sử như tháng này dự tính 1 tiệc cưới (trong kế họach), nếu phát sinh thêm một tiệc cưới hoặc một việc gì đó, thì ngay lập tức phải điều chỉnh tiền chợ xuống còn 50.000 đồng một ngày. 50.000 đồng, nếu biết đi chợ gói gém vẫn đảm bảo các bữa ăn ngon cho gia đình.

Và kết quả là, tôi quan sát thấy cuộc sống của gia đình nó rất ổn.

Kể lại câu chuyện này là vì tôi thấy nó hết sức bổ ích đối với mọi gia đình. Và nói rộng hơn là nó bổ ích cho mọi công ty, đơn vị, địa phương…

Đã từng có các dự án nước ngoài mang tiền đến tài trợ cho chúng ta, hướng dẫn cho chúng ta biết cách lập kế hoạch chi tiêu tài chính; lập kế hoạch phát triển địa phương… Nhưng học rồi, đôi khi chúng ta kiểm soát không tốt. Tôi đã có dịp đọc nhiều báo cáo tổng kết của một số đơn vị, địa phương… thấy cũng có mục tiêu (kế hoạch), giải pháp (biện pháp tổ chức thực hiện)… nhưng hết sức chung chung. Đã chung chung thì khó đánh giá chuyện “được mất” và cũng khó tìm thấy được nguyên nhân, trách nhiệm. Ở đâu đó còn chậm phát triển, phải chăng chúng ta lập kế hoạch phát triển chưa tốt và thiếu biện pháp kiểm soát kế hoạch đã đề ra.

Bài học của đứa em kể trên cho tôi rút ra được mấy điều:

- Muốn làm một điều gì cũng cần có kế hoạch;

- Kế hoạch phải được thiết lập một cách chi li đến từng chi tiết;

- Luôn luôn phải được soát xét và điều chỉnh các mục tiêu nhỏ cho phù hợp nhưng không được thay đổi mục tiêu tổng thể;

- Và điều cuối cùng, phải cương quyết theo điểu mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội
Return to top