ClockThứ Ba, 06/03/2012 04:30

Lấp lánh Hiền Lương...

TTH - Từ trung tâm thành phố Huế theo QL IA ngược ra Bắc chừng hai chục cây số, qua khỏi cầu An Lỗ, lại theo Tỉnh lộ 11A xuôi về hướng Đông chỉ một quãng đường, bạn sẽ đến với Hiền Lương-một trong những ngôi làng Việt cổ xưa nhất miền Trung...

Nét riêng làng cổ...

Làng Hiền Lương (Phong Hiền- Phong Điền) được lập từ khoảng giữa thế kỷ thứ XVI, khi một bộ phận dân Việt theo chân chúa Tiên Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn vào Đàng Trong khởi nghiệp. Trước, làng có tên là Hoa Lang, sau do kỵ húy bà Hồ Thị Hoa- mẹ vua Thiệu Trị - nên khoảng đầu năm 1841, triều đình cho cải tên là Hiền Lương.

Nghề rèn tái hiện tại Festival Huế gây sự thú vị với không ít du khách.

Thuở khai sơn phá thạch, cũng như bao miền quê khác, dân Hiền Lương phải “dĩ nông vi bổn”, cày cấy để ăn. Đến đầu thế kỷ thứ XVII, làng tiếp nhận một nhóm dân cư mới, gọi là “hậu tập”. Trong nhóm “hậu tập” ấy có một vị thạo nghề Rèn, chuyên rèn các nông cụ phục vụ cho sản xuất. Do nhu cầu khai khẩn, mở làng, chống chọi với thú dữ, đẩy đuổi sơn lam chướng khí lúc bấy giờ, nghề Rèn dần dần phát triển. “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”, thấy được lợi ích của nghề Rèn nên cứ vào độ nông nhàn, người trong làng kéo đến theo học rất đông. Hiền Lương bắt đầu được biết tiếng như là một ngôi làng có nghề Rèn nổi tiếng của xứ Thuận Hóa. Nghề Rèn đã giúp cho Hiền Lương từ một làng quê nông nghiệp trở nên trù phú. Theo thời gian, nghề Rèn- một nghề được xem là “đứng đầu bách nghệ”, góp phần quan trọng hình thành, phát triển nên ngành cơ khí nước nhà - đã lan tỏa khắp nơi, góp phần đắc lực cho công cuộc xây dựng, mở mang và bảo vệ bờ cõi. Chính vậy mà làng Hiền Lương còn được nhiều người gọi bằng cái tên thân thương: Làng Rèn.

Không chỉ có nghề Rèn, làng Hiền Lương còn nổi tiếng là một miền quê văn hiến, hiếu học, thời nào cũng có người đỗ đạt và giữ những chức vị quan trọng trong xã hội. Phong tục, lễ nghi của làng chỉn chu và được các thế hệ không ngừng bồi đắp. Những cái cổ hủ, nhiêu khê bị gạt bỏ, thay vào những lẽ đẹp, điều hay. Đơn cử như chuyện tang ma, tập tục xưa của Hiền Lương vốn rườm rà, phải “cơm hiếu”, rồi cỗ bàn “đưa xóm” tạ ơn rất phiền toái. Đến triều Khải Định, hương ước của làng đã sửa: “Việc đám, trừ nội thân đến trợ tang, ngoài ra nhất thiết cấm ăn uống, từ xóm làng đến quan khách chỉ dùng trầu rượu để tiếp đãi...”.

Chùa cổ Giác Lương của làng Hiền Lương đã được công nhận là Di tích LSVH cấp Quốc gia.

Hoặc như tục không ăn măng, cấm chặt tre vào tháng 3 của làng cũng là một nét đẹp văn hoá đáng ghi trong sách vàng mỹ tục thuần phong của dân tộc. Chuyện rằng, dưới triều Minh Mạng, làng đã dâng sớ lên vua tâu về việc măng, tre của làng bị chặt phá vô tội vạ, làm cho ngày một trụi dần. Sớ của làng tâu vua phê chuẩn cho một việc, rằng “cứ tháng 3, tháng 4 hàng năm, bất cứ nhà nào trong làng hoặc giả các làng, xã khác quanh tổng Hiền Lương đều cấm ăn măng tươi, cấm chặt tre già.” Vua ngạc nhiên hỏi tại sao? Làng luận: Những cây măng mọc vào tháng 3, tháng 4 đều to khoẻ, gặp thời tiết tốt sẽ phát triển thành những cây tre già rắn chắc, rất ích lợi. Nếu chặt tre vào những tháng này cũng sẽ làm cho măng bị hư hại. Còn từ tháng 7 âm lịch cho đến hết năm, thường hay xảy ra bão lụt, măng khó sống qua khỏi cơn tàn phá của trời đất, tre thì cũng đã già lão nên thời điểm này có thể cho phép ăn măng, chặt tre. Nếu ai vi phạm thì đều phải bị trị tội tuỳ theo mức độ. Người nào phát hiện được những kẻ vi phạm thì sẽ được trọng thưởng, cũng tuỳ theo mức độ. Vua Minh Mạng ngợi khen và đã chuẩn tấu. Vậy nên bây giờ Hiền Lương vẫn còn lưu truyền câu “Tháng bảy vua tha, tháng ba làng bắt tội”...

Hiển hách nghề Rèn

Quay lại với nghề Rèn truyền thống, sử từng ghi tên tuổi Lương Sơn hầu Hoàng Văn Lịch, người làng Hiền Lương, là người Việt Nam đầu tiên chế tạo thành công tàu thuỷ chạy bằng hơi nước. Hoàng Văn Lịch sinh năm Giáp Ngọ (1774). Đầu triều Gia Long được sung vào ngạch quân võ, thăng dần lên Cai đội rồi Lãnh binh. Theo chính sử triều Nguyễn, vào năm Minh Mạng thứ 19 (tức năm 1838), vua sai Võ khố dựa vào mẫu của tàu Tây dương đóng thành tàu chạy bằng hơi nước cho Đại Nam. Trước khi bắt tay vào việc, vua đã ban thưởng, khích lệ tinh thần cho đội ngũ quan quân thợ thuyền của Sở Đốc công Võ khố. Một năm sau, mùa Xuân 1839, Bộ Công trình vua cho chạy thử tàu. Vua sai chọn ngày lành tháng tốt cho hạ thuỷ và đích thân ngự xem. Không ngờ thử nghiệm thất bại do nồi hơi bị vỡ. Vua tức giận cách chức quan Bộ Công, tống ngục ban đốc công chờ ngày luận tội. Việc được tiếp tục giao cho tân Giám đốc Hoàng Văn Lịch. Ông đã cùng các cộng sự của mình ngày đêm nghiên cứu, chỉnh sửa... và chỉ một tháng sau đã cho tàu chạy thử thành công trên sông An Cựu trước sự chứng kiến của đức vua và triều thần. Sự kiện trên đánh một dấu mốc lịch sử quan trọng trong việc coi trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nói chung cũng như của ngành đóng tàu Việt Nam nói riêng. Vua Minh Mạng đã rất hài lòng, ban thưởng và truyền: “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể hao phí ”. Sau lần thử nghiệm thành công ấy, đã có thêm 3 chiếc nữa được đóng và được vua đặt tên là Yên Phi, Vân Phi và Vụ Phi. Một vị quan triều Nguyễn đã cảm tác bài thơ “Ngồi tàu thủy qua biển” khi mục kích cảnh băng băng rẽ nước của tàu mà “không cần buồm, chẳng cần chèo”: 

Đầu rồng lướt sóng phun bông bạc

Chơn vịt quay chèo trổ cánh sen...

Cùng với Lương Sơn hầu Hoàng Văn Lịch, sử sách còn ghi nhận tên tuổi của các vị Nguyễn Lương Nhĩ, Nguyễn Lương Xa, Trần Văn Đắc... Việc không xuất thân từ khoa bảng nhưng được triều đình phong đến tước Hầu như trường hợp Lương Sơn hầu Hoàng Văn Lịch là điều được xem hết sức hiếm thấy trong lịch sử, điều đó chứng tỏ nghề Rèn Hiền Lương tinh xảo và được xã hội tôn quý đến nhường nào.

Tại Hiền Lương, nhiều mỹ tục, lễ nghi truyền thống vẫn đang được lưu giữ.

Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu (DPT), ở nhà thờ họ Hoàng Văn tại xóm Phước Tự của Hiền Lương hiện vẫn còn lưu giữ được bản sắc của vua Thiệu Trị phong vào năm thứ 6 (1846) ban khen thêm cho Hoàng Văn Lịch rằng: “...Hoàng Văn Lịch là Võ Khố Đốc công, khua kiếm oai phong, việc binh khí trang bị cho thuộc hạ sắc bén, dạy vẽ nghiêm túc, có tác phong hùng dũng... Nay đặc biệt phong Minh Nghĩa Đô úy, Võ Khố Giám đốc...”. Cũng theo khảo cứu của DPT, Hương phổ của làng Hiền Lương còn ghi, ngoài việc có công chế tạo tàu thủy, Hoàng Văn Lịch còn rèn được một loại gươm rất sắc bén, cây to một ôm cũng có thể chỉ chém một nhát là đứt ngay. Ngoài ra ông còn chế ra các loại súng bắn hơi chứ không phải bằng thuốc. Lương Sơn hầu Hoàng Văn Lịch mất ngày 12 tháng 8 năm Kỷ Dậu (1850), thọ 77 tuổi. Lăng mộ táng tại xứ Động Chiến, làng Hiền Lương. Năm 2005, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định lấy tên ông để đặt tên cho một con đường ở vùng Bãi Dâu (phường Phú Bình, Tp Huế).

Kế tục truyền thống quê hương, thời cận đại Hiền Lương cũng xuất hiện những tên tuổi nổi tiếng như Dương Phước Thiệu - người rất giỏi về kỹ thuật rèn, tiện, nguội... chuyên sửa chữa các loại súng đạn, máy móc của Pháp chế tạo; Trương Quang Sừng, người được xem là thợ cơ khí bậc cao hiếm có, một thầy giáo dạy nghề rất mực được quý trọng ở trường Bá công lập từ thời vua Thành Thái, và đã góp công đào tạo một thế hệ người tài trong lĩnh vực cơ khí, gò rèn... Trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, theo tiếng gọi của non sông, rất đông con dân Hiền Lương đã hăng hái tham gia cách mạng, từ người thợ đa số họ sau này đã trở thành những Anh hùng lực lượng vũ trang, những cán bộ cao cấp của Đảng, những kỹ sư, những công nhân kỹ thuật nổi tiếng trong việc chế tạo vũ khí, phục vụ trong ngành quân giới, pháo binh, không quân, xe lửa, tàu thủy, nhiệt luyện... tiêu biểu như các vị Hoàng Ngọc Trình (tham gia cách mạng từ 1938, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê), Trương Công Cẩn (Trung tướng QĐNDVN), Hoàng Ngọc Diêu (Trung tướng QĐNDVN), Dương Phước Phùng, Hoàng Thúc Bảo (Anh hùng LLVT)... góp phần cùng con dân cả nước làm nên khúc hoan ca Thống nhất, Độc lập.

Chuyện về ngôi Tổ đình nghề Rèn

Nhớ ơn vị Tổ sư đã dày công truyền dạy nghề Rèn cho dân làng, vào cuối thế kỷ 18, dân làng đã thiết lập một ngôi nhà tranh nằm về phía bắc xóm Phước Tự, rước thần chủ vị Tổ Sư nghề Rèn vào thờ, sau này ngôi nhà tranh ấy đã trở thành Tổ Đình nghề Rèn Hiền Lương. Trải qua năm tháng, nhà thờ Tổ nghề Rèn nhiều lần được dân làng xây dựng lại, từ nhà tranh thành nhà ngói. Kiến trúc theo kiểu truyền thống, một gian hai chái, chung quanh xây la thành bao bọc, trước dựng trụ biểu tạc câu đối tôn vinh, xây bình phong chắn chướng khí, đào hồ chữ nhật để thả cá, vừa trồng sen... Nội điện chính giữa thờ vị Tổ Sư Nghề Rèn, văn tế hàng năm linh bái Ngài Tây Nhạc Kim Thiên Thuận Đế, đến cuối thế kỷ 19 triều Nguyễn lại gia phong Thái Lợi Tôn Thần. Chánh giỗ nhằm ngày 18 tháng hai âm lịch hàng năm. Tả hữu nội điện thờ tiên hiền, hậu hiền trong làng và những người có công với nghề Rèn truyền thống, trong đó có phối thờ liệt vị đã rèn gươm giáo cho nghĩa quân Tây Sơn (Tương truyền một trong số ấy có ngài đã được tuyển chọn để rèn thanh gươm cho chủ soái Nguyễn Huệ); liệt vị có chân trong ngạch quân võ, Võ khố nha và Bách công Dạ Tượng cuộc ở cuối thế kỷ 19. Lương Sơn hầu Hoàng Văn Lịch cũng được phối thờ tại đây.

Khởi công tháng 1/2007, cơ bản hoàn tất năm 2009, ngôi Tổ Đình nghề Rèn Hiền Lương được dựng trên khuôn viên chừng 2000m2 tại xóm Phước Tự, về phía sau chùa cổ Giác Lương-Di tích LSVH Quốc gia.

Lễ khánh thành sẽ được trọng thể tổ chức vào 2 ngày 9 và 10/3/2012, tức 17 và 18 tháng 2 Nhâm Thìn, đúng dịp giỗ Tổ truyền thống nghề Rèn.

Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, con dân của làng từ khắp nơi đã chung tay với người dân sở tại cùng nhau xây dựng lại quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hạ tầng giao thông, trường học, điện, nước; các thiết chế văn hoá như đình, chùa, nhà thờ họ tộc... lần lượt được đầu tư xây dựng khiến bộ mặt Hiền Lương không ngừng đổi thay từng ngày. Riêng ngôi Tổ Đình nghề Rèn, nhiều năm trước đây do thiên tai bão lũ, binh lửa chiến tranh, làng đã buộc phải tháo dỡ di dời qua thờ tạm tại xóm An Hội. Hoà bình lập lại, con dân Hiền Lương ai cũng đau đáu muốn chuyển về dựng lại tôn nghiêm trên nền đất thiêng xưa ở xóm Phước Tự để sớm hôm hương khói, tri ân. Song, nhu cầu thì nhiều mà nguồn lực có hạn, cuộc sống lại bừa bộn lắm thứ lo toan, lực bất tòng tâm, không phải hễ muốn thì làm ngay được. Cứ thế canh cánh bên lòng, cho đến năm 2006, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, làng đã hiệp tâm thành lập Ban Vận động xây dựng Tổ Đình nghề Rèn. Con dân, môn đệ nghề Rèn của làng từ khắp nơi nghe tin đã nhiệt thành hưởng ứng, ủng hộ.

Tháng 1/2007, làng đã mạnh dạn khởi công xây dựng lại ngôi Tổ Đình ngay ở nền đất thiêng xưa. Sau 3 năm vừa vận động vừa thi công, đến năm 2009, công trình đã cơ bản hoàn tất, nghiêm trang, rạng rỡ, tương xứng với tầm vóc đáng có và thỏa được ước nguyện của con dân trong làng cũng như chư môn đệ gần xa. Với ngôi Tổ Đình nghề Rèn, con dân Hiền Lương có thêm một chốn đi- về nơi quê cha đất tổ. Du khách và các nhà nghiên cứu có thêm một địa chỉ thú vị để tới lui, để hiểu thêm nét văn hoá đặc sắc của một làng quê bên dòng Bồ Giang hiền hòa, yên ả.

Trong những ngày đầu xuân Nhâm Thìn này, khi những đóa mai vàng vẫn còn rạng rỡ tỏa hương, khi mà cả tỉnh đang rộn ràng chuẩn bị cho ngày khai hội Festival Huế và Năm Du lịch Quốc gia 2012, thì bên dòng Bồ giang xanh trong, người Hiền Lương cùng môn đệ khắp chốn cũng đang tựu về, hân hoan cử hành lễ khánh thành ngôi Tổ Đình nghề Rèn. Và trong niềm vui vô bờ ấy, ai cũng hy vọng, với bề dày truyền thống, với những đóng góp to lớn của nghề Rèn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nước nhà, trong một ngày không xa nữa, Tổ Đình nghề Rèn Hiền Lương sẽ được vinh danh là một địa chỉ Lịch sử Văn hóa. Đó là một niềm vinh dự, một sự động viên, khích lệ lớn lao để con dân Hiền Lương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, dự phần xứng đáng vào sự nghiệp chung xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Ngày 5/4, Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp (Đảng ủy Khối) tổ chức hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 16 (khóa VII) nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 182 của Đảng bộ Khối về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Văn kiện Đảng Toàn tập (1924 - 2020) sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng

Chiều 4/4, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Xuất bản Văn kiện Đảng Toàn tập (1924 - 2020) Trương Thị Mai chủ trì buổi làm việc của Hội đồng Xuất bản và Ban Chỉ đạo xây dựng bản thảo về các nội dung liên quan đến việc xuất bản bộ sách.

Văn kiện Đảng Toàn tập 1924 - 2020 sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng
Return to top