ClockChủ Nhật, 21/07/2019 06:39

Lấy chợ nuôi chợ

TTH - Trước những bất cập trong hoạt động của chợ truyền thống, chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ (gọi tắt là CĐC) theo hướng xã hội hoá sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, từng bước đưa chợ truyền thống phát triển phù hợp với xu thế chung. Ông Nguyễn Thanh, TUV, Giám đốc Sở Công thương cho biết:

Sức sống chợ truyền thống

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương

CĐC về bản chất giống như chuyển đổi từ DN Nhà nước, từ đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần. Khác nhau ở chỗ là về hình thức. Hiện nay, không như công ty Nhà nước hay đơn vị sự nghiệp có chế định và bộ máy hoạt động rõ ràng, mà bộ máy của chợ rất phức tạp. Có nơi giao cho xã, phường quản lý, có nơi giao cho huyện quản lý, hoặc giao cho tổ của một làng quản lý dưới sự thành lập ban quản lý hoặc tổ quản lý để quản lý hoạt động tại chợ. Có nghĩa mô hình của chợ trên địa bàn tỉnh rất phong phú, hình thành theo phong tục tập quán và chỉ hoạt động phục vụ nhu cầu theo giờ, theo buổi, mà chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của chợ, cũng như chưa có sự vận hành, hạ tầng thương mại đồng bộ do năng lực của các ban quản lý có hạn, không kham nổi.

Tính đến thời điểm này, trong tổng số 154 chợ toàn tỉnh, có 19 chợ của 5 địa phương đã CĐC, trong đó 17 chợ giao HTX quản lý, 2 chợ giao DN đầu tư xây dựng quản lý. Trong số này, TX. Hương Thủy 12 chợ, Phú Lộc 4 chợ; còn lại TP. Huế, TX. Hương Trà và Nam Đông mỗi địa phương chuyển đổi 1 chợ.

Có sự đầu tư, quản lý, khai thác sau khi CĐC của DN, hoạt động thương mại tại các chợ sẽ đi vào nề nếp

Từ khi thực hiện chủ trương CĐC, TX. Hương Thủy vẫn là địa phương dẫn đầu, còn lại hầu như ì ạch, trong khi cùng xuất phát điểm và cùng hạng chợ, ông có thể lý giải nguyên nhân?

Đúng là công tác CĐC tại TX. Hương Thủy có kết quả tốt hơn các địa phương khác do sự quyết liệt của lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo sâu sát, kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện các kế hoạch của tỉnh. Các HTX trên địa bàn thị xã hoạt động có hiệu quả nên đã mạnh dạn tiếp nhận các chợ để quản lý.

Còn các địa phương khác, việc CĐC chậm là vì khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, chính sách ưu đãi, quy mô nhỏ nên khả năng sinh lợi thấp, chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Hay một số chợ mới đầu tư nên giá trị tài sản còn lại khá cao và tiền thuê điểm kinh doanh của tiểu thương đã được thu trước với thời gian dài nên khó thu hút được các DN, HTX tiếp nhận quản lý.

Tuy cùng hạng chợ, nhưng số hộ kinh doanh tại chợ dao động khác nhau, thời gian họp chợ, nguồn thu tại chợ khác nhau; vướng mắc về đất đai, tiền thuê đất, định giá tài sản và bộ máy quản lý mỗi chợ mỗi khác, dẫn đến việc CĐC chậm so với kế hoạch ban hành.

Theo ông, bằng cách nào để chủ trương CĐC thực sự thành công?

Chúng ta không chuyển đổi bằng mọi giá, mà chuyển đổi có lộ trình, cuốn chiếu, chuyển cái nào chắc cái đó, để tránh khiếu kiện, khiếu nại, tránh bị cho chuyển đổi vội vàng dẫn đến giữa nhà đầu tư, DN với tiểu thương xảy ra mâu thuẫn, xung đột.

Vì đây không phải là chỉ tiêu đặt ra, nhưng yêu cầu của tỉnh phải xây dựng kế hoạch, chọn những chợ hội đủ các yếu tố thuận lợi để làm trước và chuyển đổi thành công. Thành công ở đây không phải hoàn thành kế hoạch mà thành công về mô hình hoạt động quản lý mới vẫn đem lại hiệu quả và phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn, đồng thời kết hợp du lịch.

Đưa "du lịch" vào "chợ" là sự kết hợp khá triển vọng, ông có thể nói rõ hơn về định hướng này?

Đã đến lúc chợ truyền thống không chỉ hoạt động thuần tuý mà thực sự phải "lấy chợ nuôi chợ". Hiện nay, đa số khách du lịch khi đến tham quan ở thành thị hay về vùng nông thôn đều rất thích ghé thăm và mua sắm ở các chợ truyền thống. Chức năng của chợ trong thời gian tới vừa làm nơi kinh doanh nhưng vừa kết hợp phục vụ du lịch. Quan điểm của tỉnh khi CĐC phải hoàn thiện bộ máy quản lý, đầu tư, khai thác để chợ thêm văn minh cũng như cấp phép cho DN quản lý.

Trở lại vấn đề kêu gọi đầu tư để chuyển đổi, cải tổ, vậy đâu sẽ là những nhà đầu tư tiềm lực vào lĩnh vực này, thưa ông?

Hiện, ưu tiên số một của tỉnh chính là bản thân nội tại của các tiểu thương đứng lên góp vốn và thành lập công ty cổ phần. Ngoài ra, tỉnh vẫn kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư có chuyên môn nghiệp vụ về khai thác quản lý chợ đến tiếp quản CĐC và kết hợp đưa tiểu thương thành cổ đông của DN mới.

Qua thăm dò, hầu như tiểu thương rất lo ngại khi chợ được "sang tay" cho DN quản lý, khai thác, ông nghĩ sao về tâm lý chung này?

Như đã phân tích, định hướng chung của tỉnh trong thực hiện CĐC vẫn ưu tiên số một cho tiểu thương. Tuy nhiên, khi xây dựng DN mới, hạn chế của tiểu thương là ít vốn, nghèo (ngoại trừ tiểu thương một số chợ lớn ở TP. Huế), nên không đủ khả năng góp vốn. Và khi đã CĐC sang DN quản lý, việc xây dựng hạ tầng khang trang, sạch đẹp, an toàn hơn kéo theo đơn giá thuê sẽ cao hơn, dẫn đến tiểu thương lo ngại sẽ không đáp ứng nổi chi phí trong hạch toán kinh doanh. Đây là tâm lý chung, nhưng quan trọng đòi hỏi cần sự giám sát, can thiệp, hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị chức năng để tạo được sự ăn nhịp, cộng hưởng giữa tiểu thương và nhà đầu tư mới.

Vậy những chợ được chuyển đổi đã có được sự cộng hưởng nhịp nhàng giữa DN và tiểu thương như ông nói?

Tất nhiên những chợ đã chuyển đổi đang hoạt động rất ổn. Hiện, CĐC trên địa bàn đang thực hiện theo 2 mô hình: DN và HTX. Mô hình DN có 2 chợ: đầu mối Phú Hậu (TP. Huế) và Phú Bài (TX. Hương Thủy) hiện cơ bản được quản lý và khai thác tốt, tạo được sự đồng thuận phối hợp nhịp nhàng giữa nhà đầu tư, nhà khai thác chợ với tiểu thương. Sự thành công của mô hình quản lý này sẽ là định hướng chuyển đổi chính của các chợ trong thời gian tới.

Đối với mô hình CĐC sang HTX chỉ là hình thức ban đầu để chuyển sở hữu từ Nhà nước quản lý sang mô hình HTX. Vì HTX hoạt động theo luật, dạng như DN, nên đây chỉ là mô hình tạm chuyển, một mặt tạo cơ hội để HTX đứng ra tổ chức cổ phần hoá dễ hơn và hơn BQL chợ hay mô hình do địa phương quản lý về mặt tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, dù chưa phát triển lớn, còn thuần tuý là HTX nông nghiệp.

Việc CĐC liệu có chịu sự tác động của xu hướng phát triển các loại hình thương mại hiện đại không, thưa ông?

Bên cạnh siêu thị và các cửa hàng tiện ích phát triển theo xu thế hiện đại, phải khẳng định rằng, chợ truyền thống cũng cần phát triển song song. Chưa có một lập luận, quan điểm nào nói rằng phát triển hệ thống thương mại tiên tiến mà đẩy lùi hoặc chấm dứt thương mại thuần tuý. Tuy nhiên, nếu xã hội hóa mô hình quản lý, khai thác chợ sang công ty hay HTX thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn so với mô hình Nhà nước quản lý. Vì một khi DN tiếp nhận quản lý và khai thác họ sẽ đầu tư giao thông nội bộ, điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhà để xe, nhà vệ sinh và các dịch vụ kèm theo một cách đồng bộ để không chỉ trở thành nơi mua sắm thuần tuý mà còn phát triển du lịch, sinh kế của người dân.

Xin cảm ơn ông!

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi chợ Đông Ba có cả tên đường

Chợ Đông Ba đã có một bước tiến chưa từng có trong lịch sử hơn 120 năm của mình với việc lần đầu tiên có tên đường.

Khi chợ Đông Ba có cả tên đường
Ngăn ngừa cháy chợ

Chợ truyền thống luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, chập điện nên công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) luôn được các ban ngành, địa phương chú trọng, đặc biệt là địa bàn TP. Huế với số lượng chợ nhiều, tiểu thương đông.

Ngăn ngừa cháy chợ
Chợ hoa tết:
Hoa nhiều, nhưng khách chưa đông

Đó là nhận định của một số hộ kinh doanh hoa và cây cảnh phục vụ thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn TP. Huế.

Hoa nhiều, nhưng khách chưa đông
Hỗ trợ hơn 370 triệu đồng cho tiểu thương ảnh hưởng vụ cháy chợ Khe Tre

Thực hiện Công văn số 1200 ngày 7/12 của Thành ủy Huế về việc kêu gọi bà con tiểu thương tại các chợ trên địa bàn thành phố chung tay hỗ trợ tiểu thương chợ Khe Tre (Nam Đông), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Huế phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố triển khai chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 36 phường, xã phối hợp với UBND cùng cấp và Ban Quản lý các chợ tổ chức chương trình “Ngày đồng hành và sẻ chia”.

Hỗ trợ hơn 370 triệu đồng cho tiểu thương ảnh hưởng vụ cháy chợ Khe Tre
Return to top