ClockThứ Tư, 24/09/2014 06:21

Lay lắt sàn giao dịch bất động sản

TTH - Không có giao dịch hoặc chỉ giao dịch sản phẩm của đơn vị mình kinh doanh đang là thực trạng chung tại các sàn giao dịch bất động sản (SGDBĐS) trên địa bàn.

SGDBĐS An Cựu thi thoảng mới có khách viếng thăm

Lay lắt

9 SGDBĐS là con số chung hiện có trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ 2 trong số đó là có giao dịch, song chỉ giao dịch sản phẩm do đơn vị mình kinh doanh. Còn lại, không có sàn nào có giao dịch ký gửi. Sản phẩm ngoài được xem như của hiếm, bởi từ khi các sàn thành lập đến nay, chưa có sàn nào giao dịch thành công dù chỉ một sản phẩm BĐS ngoài thị trường.
SGDBĐS Ân Nam mới đây có khoảng 10 giao dịch thành công sau khi đơn vị hoàn thành phần hạ tầng và triển khai bán đất nền tại Hương An (Hương Trà). Các thông tin về hình ảnh dự án, quá trình triển khai thi công, san lấp mặt bằng, phân lô... đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử của sàn nhưng cũng khó khăn lắm đơn vị mới thực hiện thành công các giao dịch.
SGDBĐS An Cựu City trội hơn với khoảng gần 200 giao dịch từ khi thành lập, khoảng từ 2010 đến nay. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2014 có 14 giao dịch chủ yếu là mua bán sản phẩm nhà liên kề, biệt thự do chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư IMG kinh doanh, với tổng giá trị giao dịch qua sàn khoảng 60 tỷ đồng. Con số này không thấm vào đâu so với tổng số vốn công ty đã và đang đầu tư, song nó cũng đáng mơ ước với nhiều sàn không có giao dịch, như: Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế, Công ty CP Kinh doanh Nhà Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8. Mặc dù hạ tầng hoàn thiện, nhà đã xây xong phần thô, đất đã phân lô như Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam, chủ dự án Đô thị mới Mỹ Thượng hơn một năm trở lại đây vẫn chưa bán được lô đất, ngôi nhà liên kế nào. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc SGDBĐS lập ra chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Hay như SGDBĐS Laguna Lăng Cô hiện vẫn chưa có giao dịch thành công, dù chủ đầu tư đã đầu tư khá hoàn thiện các khu nhà ở hiện đại, tiện nghi.
Hoạt động cầm chừng, là thực trạng tại các SGDBĐS hiện nay. Cơ quan chủ quản là Sở Xây dựng đã thấy được thực tế đó, nên mới đây, khi tiến hành kiểm tra hoạt động các SGDBĐS trên địa bàn, đoàn chỉ kiểm tra ở một số sàn có giao dịch hoặc có triển vọng sẽ có giao dịch. Đối với các sàn không có giao dịch, đoàn chỉ nắm thông tin chung để biết và quản lý. “Tiền lương anh em còn không trả đủ thì biết hoạt động các sàn như thế nào”, một thành viên trong đoàn lắc đầu.
Nên chuyển đổi mô hình hoạt động
Nguyên nhân khiến các SGDBĐS ế ẩm là do: thị trường BĐS trầm lắng, người dân chưa có thói quen giao dịch qua sàn, các sàn lập ra khi doanh nghiệp, chủ đầu tư có dự án... Bán hết đất nền, sản phẩm nhà ở của dự án coi như SGD hết nhiệm vụ. Do đó, có nhiều sàn chỉ hoạt động sôi nổi được một giai đoạn sau đó tắt ngúm, như SGDBĐS Phúc An của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8. Trong giai đoạn khi công ty này đang ăn nên làm ra, bán đất nền và nhà liền kề, sàn này cũng có nhiều giao dịch. Thậm chí có khách hàng ký gửi BĐS. Song, kể từ khi công ty ngưng hoạt động đến nay, SGDBĐS Phúc An cũng “chết” theo. Văn phòng dù vẫn còn nhưng không có người làm việc. Nếu không có bảng quảng cáo thì chẳng ai biết đó là văn phòng của SGDBĐS Phúc An.
Tìm giải pháp cho vấn đề này, chúng tôi gặp Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Trần Kiêm Hòa. Tuy nhiên, ông Trần Kiêm Hòa cũng lắc đầu bởi vấn đề mang tầm vĩ mô, là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Thừa Thiên Huế. “Luật Kinh doanh BĐS thì quy định tất cả các giao dịch BĐS phải thông qua sàn, nhưng khi ban hành thông tư hướng dẫn, lại chỉ nêu khuyến khích giao dịch BĐS qua sàn. Do đó, cơ quan quản lý thiếu cơ sở để kiểm tra, xử phạt. Pháp luật còn chưa chặt chẽ thì khi triển khai thực tế còn hổng hơn. Người dân không giao dịch BĐS qua sàn, cơ quan chức năng cũng bó tay”.
Thực tế khác có thể nhìn thấy là dù trầm lắng, song ở thị trường, hàng ngày vẫn có nhiều giao dịch BĐS. Do đó, để các SGDBĐS có đất sống, theo một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, nên chăng cần gộp các sàn lại làm một và làm dịch vụ công để hợp thức hóa tất cả các giao dịch BĐS. “Chỉ có làm dịch vụ công các sàn mới sống được. Bởi khi đó, tất cả các giao dịch đều có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Việc này cũng tránh được cò mồi đất đai không hợp pháp. Còn nếu cứ kéo dài tình trạng này, không bao lâu nữa, các SGDBĐS khi đã hoàn thành sứ mệnh bán sản phẩm của dự án do chính mình làm chủ đầu tư sẽ chết hoàn toàn chứ không chỉ “chết lâm sàng” hay chết yểu”, vị này nói.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế (QLT), đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị, tích cực thực hiện một số giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

TIN MỚI

Return to top