ClockThứ Hai, 05/08/2019 08:48

Lấy rừng nuôi rừng

TTH - Xã Sơn Thủy (A Lưới) hiện có 11 nhóm hộ và 5 hộ gia đình được giao bảo vệ rừng tự nhiên với diện tích hơn 524 ha, chiếm khoảng 50% diện tích rừng toàn xã. Từ khi nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), các hộ phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng.

“Canh lửa” giữ rừngThành lập 4 tổ hợp tác bảo vệ rừng

Anh Trần Thiện chuẩn bị hành trang cho chuyến tuần tra rừng

Tạo sinh kế

Dao, rựa, võng, thực phẩm và áo quần chuyên dụng… là những vật dụng cần thiết được anh Trần Thiện (thôn Quảng Vinh) chuẩn bị cho mỗi chuyến tuần tra rừng. Đều đặn mỗi tháng, anh và 2 anh em khác trong gia đình đều tổ chức từ 1 -2 chuyến đi; con số này có thể lên đến 4 hoặc 5 chuyến vào mùa cao điểm nắng nóng. Nhóm hộ của anh Thiện hiện đảm nhận bảo vệ khoảng 46 ha rừng, số tiền chi trả DVMTR được hưởng mỗi năm hơn 14 triệu đồng.

“Cơ duyên” đến với công tác bảo vệ rừng, anh Thiện cho biết, trước đây bản thân từng có khoảng thời gian làm việc tại Tây Nguyên và nhận thấy công việc này cho nguồn thu nhập ổn định đối với người dân bản địa. Khi trở về địa phương sinh sống, được chính quyền vận động, anh mạnh dạn cùng người thân trong gia đình đăng ký tham gia.

Theo anh Thiện, công tác tuần tra, bảo vệ rừng tự nhiên khá vất vả; lúc trước không ít trường hợp người dân phát cây lấn rừng nên anh phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời báo cáo chính quyền để xử lý. Những năm gần đây, sau nhiều lần tuyên truyền vận động và áp dụng biện pháp xử phạt, răn đe các trường hợp vi phạm nên việc lấn rừng đã giảm hẳn.

“Khoản tiền chính quyền chi trả cho gia đình, chúng tôi chủ yếu sử dụng để mua sắm vật dụng phục vụ các chuyến đi tuần tra, số còn lại là ngày công để chia cho mọi người. Chúng tôi luôn mong muốn được nhà nước hỗ trợ thêm các dự án phát triển sinh kế dựa vào rừng để cải thiện thêm thu nhập, thêm động lực để gắn bó với công tác bảo vệ rừng”, anh Thiện chia sẻ.

Nâng cao hiệu quả

Ông Lê Phước Anh, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy đánh giá, không chỉ riêng nhóm hộ của anh Trần Thiện, các nhóm hộ được giao bảo vệ rừng tự nhiên tại địa phương nhìn chung đều thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều nhóm hộ đã gắn bó với công việc này lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong việc phối hợp với chính quyền xử lý các vụ việc vi phạm. Điển hình như nhóm hộ ông Đào Viết Thắng (thôn Quảng Thọ), bản thân ông Thắng là cán bộ kiểm lâm nên có khá nhiều kinh nghiệm chuyên môn, luôn dẫn dắt các thành viên thực hiện tốt nhiệm vụ cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho các nhóm hộ khác.

Theo ông Lê Phước Anh, với khoản tiền chi trả DVMTR, việc vận động người dân tham gia bảo vệ rừng không còn gặp khó khăn như trước kia; nhiều gia đình còn tự nguyện đăng ký tham gia vì nhận thấy lợi ích về sinh kế. Nhờ đó, diện tích rừng tự nhiên tại Sơn Thủy những năm qua đều được bảo vệ khá tốt, hầu như không xảy ra các trường hợp phá, lấn chiếm rừng nhờ kịp thời ngăn chặn thông qua nguồn tin từ các nhóm hộ.

Bên cạnh đó, UBND xã cũng thường xuyên theo sát các nhóm hộ này để kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót, tồn tại; đồng thời tổ chức tuyên truyền, nâng cao nghiệp vụ thông qua các buổi họp định kỳ và các đợt tập huấn.

“Hiện nay, UBND xã tiếp nhận một số đề xuất từ các nhóm hộ như: chia khoản tiền chi trả DVMTR thành 2 lần/năm để có kinh phí mua sắm dụng cụ, mong muốn chính quyền hỗ trợ thêm các dự án phát triển sinh kế dưới tán rừng (trồng mây, cây dược liệu)… Các ý kiến này đều được tập hợp và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để sớm giải quyết, tạo điều kiện để người dân gắn bó lâu dài với công tác bảo vệ rừng, là cánh tay nối dài hiệu quả của chính quyền địa phương”, ông Phước Anh cho biết.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đánh dấu cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng
COP28 thúc đẩy tài chính và đoàn kết toàn cầu vì rừng và Đại dương

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), Chủ tịch COP28 và các đối tác đã trình bày một loạt sáng kiến mới và đầy tham vọng với khoản tài chính cam kết ban đầu trị giá 1,7 tỷ USD để cùng lúc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học.

COP28 thúc đẩy tài chính và đoàn kết toàn cầu vì rừng và Đại dương
5,609 triệu USD cho giảm phát thải từ rừng

Mới đây, 10,3 triệu tấn carbon dioxide giảm phát thải từ rừng, tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng đầu tiên của Việt Nam đã nhận được chi trả 80% tổng kinh phí, tương đương hơn 41 triệu đô la Mỹ.

5,609 triệu USD cho giảm phát thải từ rừng
Return to top