ClockChủ Nhật, 21/04/2019 09:54

Lê Ngọc Thái & “hạt”

TTH - Lê Ngọc Thái là gương mặt quen thuộc, nổi bật trong số những người theo đuổi nghệ thuật điêu khắc ở Huế. Anh vừa ra mắt công chúng triển lãm cá nhân đầu tiên với câu chuyện thú vị về vòng đời của “Hạt”.

Kể chuyện hạt mầm bằng nghệ thuật điêu khắc

Tác phẩm “Sức sống”

Kể chuyện

“Hạt” – triển lãm điêu khắc đang được trưng bày tại New Space Arts Foundation (Lại Thế, Phú Thượng, Phú Vang) từ ngày 14/4 đến 14/5 là triển lãm cá nhân đầu tiên của nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái (quê ở Quảng Bình, đang sống ở Huế). Kể chuyện vòng đời, sự chuyển động và sức sống của “hạt” trong lòng vạn vật bằng nghệ thuật điêu khắc, tác phẩm của Lê Ngọc Thái thể hiện những chồi non, hạt mầm với những dáng vẻ khác nhau: hạt được chôn vào lòng đất, hạt sinh mầm, lớn lên và thối vữa, mầm hứng lấy hơi thở của đất trời, vươn ra tìm ánh sáng của sự sống… Với triển lãm này, người xem còn được thấy hạt trò chuyện, hát đồng ca hay cười đùa, được nghe cả hơi thở của hạt.

“Hạt chuyển động” là chủ đề được Lê Ngọc Thái đề cập nhiều nhất. Với mỗi tác phẩm, hạt lại chuyển động theo cách khác nhau. Từ hạt lúa, những mầm non được làm từ vật liệu sắt thể hiện sự vươn mình mãnh liệt để chống chọi trong môi trường khắc nghiệt. Từ một khúc gỗ bỏ đi, Lê Ngọc Thái hình dung sự sống trong đó và tác phẩm “Hạt cô đơn” ra đời. Hạt mọc từ đá lại mang đến cho người xem cảm xúc về một sức sống khác: có bàn tay vun đắp, đất sẽ nở hoa. Một số tác phẩm được Thái thể hiện sự trông ngóng, chờ đợi của con người sau khi gieo hạt...

Cụm tác phẩm về chủ đề “Hạt”

Nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái kể, ý tưởng sáng tác về “hạt” đến với anh thật tình cờ khi anh quan sát sự chuyển động của đứa con đầu lòng lúc còn nằm trong bụng mẹ. Cảm nhận sức sống mãnh liệt của đứa bé, anh liên tưởng đến những hạt mầm và theo đuổi chủ đề này nhiều năm nay. Chiêm nghiệm cuộc đời, anh thấy sự chuyển động, sinh tồn của vạn vật đều như vòng đời của hạt, sinh rồi tử, tử lại nuôi sinh. Từ hạt, anh có thể nói được nhiều điều về cuộc sống nhân sinh.

“Hạt hẳn sẽ căng tràn, trỗi dậy mạnh mẽ khi có đủ sức sống và tình yêu. Hạt sẽ chuyển động yếu ớt nếu bao phủ quanh nó là môi trường ngột ngạt, ô nhiễm. Cuộc đời đã cho bạn, cho tôi những hạt mầm, hãy gieo nó trên từng bước đường ta qua, rồi có ngày hạt sẽ nảy nở tình yêu ngọt ngào và cả những yên vui, hạnh phúc…” là thông điệp Lê Ngọc Thái muốn gửi gắm đến người xem qua các tác phẩm của anh.

Theo nhà điêu khắc Lê Minh Kai, nguyên giảng viên Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, với triển lãm “Hạt”, Lê Ngọc Thái thoát hẳn những gì trước đây anh được hướng dẫn, truyền dạy, nhất là cách tạo hình mới kết hợp giữa hiện đại với chất dân gian. Bố cục, hình tượng được đục đẽo khá mới lạ thể hiện sức sống của mầm, của hạt nhưng vẫn phảng phất cách tư duy, nét đặc trưng của làng quê Việt.

Nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái giới thiệu về triển lãm "Hạt"

Đam mê và sáng tạo

Lê Ngọc Thái sinh năm 1974 ở Quảng Bình. Với anh, nghệ thuật là niềm đam mê từ thuở thiếu thời, gắn liền với những trò chơi đục đẽo của tuổi thơ ở làng quê. Sau khi xuất ngũ, anh thi vào Khoa Điêu khắc, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Ra trường, mưu sinh bằng nghề tay trái nhưng Thái vẫn đam mê và dành nhiều thời gian cho sáng tác nghệ thuật. Tình yêu, tuổi thơ, môi trường và bây giờ là hạt, là những chủ đề được nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái thể hiện nhiều trong tác phẩm.

Theo nhận xét của PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, tác phẩm của Lê Ngọc Thái có hơi thở ngôn ngữ điêu khắc hiện đại tỏa sáng mạnh mẽ, lối biểu đạt của anh rất khác với những nhà điêu khắc khác khi trong mỗi tác phẩm là một vấn đề được nhìn trực diện hơn.

Điều này được thể hiện khá rõ trong tác phẩm “Nỗi đau” (đạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2008). Thể hiện khuôn mặt người mẹ hằn những dấu vết của thời gian, bên trong gương mặt người mẹ phản chiếu chân dung biến dạng của những đứa con bị nhiễm chất độc dioxin, Lê Ngọc Thái lột tả nỗi đau thương đến tột cùng của chiến tranh. Khuôn mặt người mẹ được tạo hình dấu hỏi là câu hỏi lớn: bao giờ nguôi được nỗi đau?

Với nghệ thuật điêu khắc, Lê Ngọc Thái đạt một số thành công nhất định. Năm 2008, tại triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, anh đạt giải tặng thưởng với tác phẩm “Nỗi đau”, đạt giải A năm 2009 với tác phẩm “Hồi sinh”. Năm 2010, tác phẩm “Hiệu ứng kính” của anh đạt giải khuyến khích tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Chọn Huế là quê hương thứ hai, không chỉ bởi Huế là cái nôi của điêu khắc nói riêng và mỹ thuật nói chung, mà với Lê Ngọc Thái, Huế còn là ký ức đẹp của một thời hăm hở đi tìm chính mình, là nơi nuôi dưỡng khát vọng được khẳng định, cống hiến và sáng tạo.

TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top