ClockThứ Năm, 25/12/2014 13:18

Lê Thị Hải & duyên nghiệp tranh lụa

TTH - Yêu tranh lụa tới mức đam mê, nữ họa sĩ trẻ Lê Thị Hải là một trong số rất ít hoạ sĩ ở Huế còn theo đuổi dòng tranh truyền thống vốn đòi hỏi nhiều công sức và thời gian sáng tác.

Lê Thị Hải bên tác phẩm Dừng chân ven đường

Kỳ công

Hoạ sĩ Hà Văn Chước, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế cho biết: “Hiện ở Huế còn rất ít hoạ sĩ tiếp tục bám và sáng tác trên chất liệu lụa vì điều kiện khí hậu ở Huế quá ẩm, khó bảo quản tranh lụa; riêng Lê Thị Hải vẫn đam mê và tiếp tục theo đuổi dòng tranh lụa là điều đáng trân trọng. Hải là hoạ sĩ trẻ đang từng bước tiến đến thành công trong nghệ thuật”. Theo hoạ sĩ Hà Văn Chước, từ năm 1986 - 1987 trở về trước, các hoạ sĩ châu Âu rất mê tranh lụa Việt Nam nên số lượng hoạ sĩ Việt Nam theo tranh lụa nhiều nhưng giờ đã bão hoà, nhiều hoạ sĩ sáng tác tranh lụa trước đây giờ đã chuyển sang chất liệu khác.

Tác phẩm Hoà âm

Lê Thị Hải quê ở Đông Hà, Quảng Trị. Mê vẽ và tranh lụa từ nhỏ, Hải quyết định vào Huế ở trọ để có thể học vẽ và thi vào Trường đại học Nghệ thuật Huế. Ngành mà cô chọn là ngành lụa, Khoa Hội hoạ vì theo Hải, chỉ có tranh lụa mới hợp với lối vẽ vờn và tính cách của cô. “Một phụ nữ vẽ lụa như chăm một đứa con, phải yêu thương nó mới đặt bút vẽ được. Vẽ tranh lụa cần tính tỉ mỉ và kiên trì, vẽ một lớp phải đợi khô mới vẽ tiếp lớp khác chồng lên. Một bức tranh lụa tới độ “no” phải vẽ 40 - 50 lớp như vậy. Người nào tính tình nóng nảy thì không thể vẽ tranh lụa, vì phải hết sức giữ gìn, nâng niu và luôn cẩn thận. Tranh lụa quý vì vẽ mất công và thời gian hơn so với các loại tranh khác, một bức có khi 1-2 tháng, có những bức lớn phải làm tới 4 tháng. Tranh lụa khó sáng tác, khó “ăn” thị trường, mất nhiều thời gian và một bức lụa không vẽ lại được lần thứ hai”, Hải cho hay.

Tác phẩm Hoàng hôn trên kinh đô

“Nhiều người đã có những phá cách trong kỹ thuật vẽ tranh lụa thì Hải vẫn bám dòng tranh lụa với kỹ thuật vẽ truyền thống. Với lối vẽ này, người hoạ sĩ phải nhuộm từng lớp màu, phải lên nhiều lớp thì độ bám, độ chuyển màu, độ sâu màu mới có được và ngay độ trong của màu cũng phải bảo đảm. Điều này đòi hỏi hoạ sĩ phải kỳ công, mất nhiều thời gian. Đây chính là ưu điểm và điều tôi ấn tượng ở Hải”, hoạ sĩ Hà Văn Chước nói.

Tác phẩm Hương sen

Giữ lửa đam mê

Họa sĩ Lê Thị Hải sinh năm 1985 tại Quảng Trị. Hải tốt nghiệp ngành Hội họa chuyên khoa Lụa, Trường đại học Nghệ thuật Huế. Cô là hội viên Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế.
 
Từ năm 2006 đến nay, Hải tham gia nhiều triển lãm tranh tại Huế và TP.Hồ Chí Minh; gần đây nhất là triển lãm mừng Xuân Quý Tỵ 2013 của Hội Mỹ thuật Huế; Triển lãm Nữ tác giả Thừa Thiên Huế lần thứ XVII và triển lãm Nữ tác giả Thừa Thiên Huế lần thứ XVIII do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường đại học Nghệ thuật Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Sau khi tốt nghiệp ngành lụa, Khoa Hội hoạ, Trường đại học Nghệ thuật Huế, Hải quyết định ở lại Huế để theo đuổi con đường nghệ thuật. Hai chủ đề thường gặp nhất trong tranh lụa của Hải là phụ nữ và sen bởi với cô, “phụ nữ và sen đem lại cho mình nhiều cảm xúc nhất”. Xem tranh Hải, người xem dễ dàng cảm được vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng và tràn đầy sức sống của người phụ nữ hiện lên qua từng nét vẽ mềm mại mà tinh tế, đó là những bức Nét đẹp xuân thì, Nét kiêu sa, Tuổi xuân, Thiếu nữ, Tình yêu của giấc mơ, Hương sen... Vẻ đẹp đời thường của cuộc sống cũng được Hải chắt lọc đưa vào tranh rất đỗi tự nhiên mà gần gũi qua những bức tranh Nghỉ chân, Dừng chân ven đường, Làng quê,... Trong khi đó, Cố đô Huế, nơi từ lâu trở thành quê hương thứ hai của Hải, lại hiện lên lãng đãng mơ màng, đầy trầm mặc và cũng đầy chất thơ qua bức Hoàng hôn trên kinh đô hay Cửu đỉnh Huế... Hải bảo: “Tranh lụa đẹp nhưng tiếc là ít người biết đến. Một lần em tham gia triển lãm ở TP.Hồ Chí Minh, có không ít người đến xem tranh không hề biết và hỏi nhiều về dòng tranh này. Họ chỉ nghĩ đó là tranh lụa kiểu như tranh lụa in bán ở chợ! Trong các cuộc triển lãm, số lượng tranh lụa tham gia cũng khá khiêm tốn, chưa tới 1/10”.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vợ chồng đang ở nhà trọ, nhưng Lê Thị Hải vẫn luôn giữ ngọn lửa đam mê với tranh lụa. Để nuôi tình yêu với tranh lụa, Hải nhận vẽ trên áo dài để có thêm thu nhập. “Làm kinh tế mới nuôi tranh được vì tranh không đem lại được kinh tế; nếu tranh đem lại kinh tế thì quá hạnh phúc nhưng người biết để chơi tranh lụa thì rất ít. Mong nhiều người Việt Nam biết đến tranh lụa nhiều hơn và mong đưa tranh lụa ra thế giới. Mong lắm nhưng không biết có được không!”, Hải nói.

Hải may mắn có người chồng cùng học nghệ thuật (chồng Hải - hoạ sĩ Dương Văn Kính học ngành hội hoạ, Trường đại học Nghệ thuật Huế) và cũng có chung niềm đam mê với tranh lụa. Đôi vợ chồng này dự định sang năm mới 2015 sẽ làm một triển lãm đầu tay về tranh lụa. Tất cả mới là dự định nhưng có một điều chắc chắn là nữ hoạ sĩ trẻ này sẽ mãi thuỷ chung với tranh lụa như một duyên nghiệp...

Thanh Vân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ
Ngắm di sản từ “Vọng Huế”

Hơn 20 tác phẩm hội họa vẽ về đề tài di sản Huế vừa được họa sĩ Lê Hữu Long giới thiệu đến công chúng tại triển lãm có tên “Vọng Huế”, khai mạc chiều 10/1 tại Tạp chí Sông Hương (9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế).

Ngắm di sản từ “Vọng Huế”
Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên

Sáng 9/1, Hội sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp với Đoàn thanh niên trường tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2024 chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2024).

Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên

TIN MỚI

Return to top