ClockThứ Sáu, 18/09/2015 07:19

Lễ vật miền núi

TTH - Theo phong tục của đồng bào miền núi A Lưới, những món đồ cổ thường được dùng làm lễ vật trong lễ cưới hỏi. Vì thế, đã hình thành nên những “lái buôn” chuyên mang đồ cổ từ bên kia biên giới qua mua bán hoặc trao đổi sản vật với đồng bào...

Theo những cuốc xe

Những món đồ cổ có giá chỉ vài trăm đến vài triệu kíp (tiền Lào) đã đi cùng những chuyến xe nông sản “giao thương” giữa đồng bào miền núi sát biên giới. Bởi, theo quan niệm của đồng bào nơi đây, “định giá” giàu sang không phải là tiền bạc mà từ những món cổ vật.
Bà Kăn Thơm giới thiệu những cổ vật gắn bó trong gia đình mình
Vừa trở về sau chuyến buôn nông sản cùng một ít đồ cổ là bát, đĩa, anh Lê Thanh Hồ (44 tuổi, thôn Đụt, xã Hồng Trung), đánh chiếc xe Drema đỗ xịch trước nhà, ngồi bệt xuống sân thở dốc. Chuyến này anh Hồ chỉ mua được hai cái bát cùng một cái đĩa tráng men kiểu cổ từ bản Trau (huyện Tà Ổi, tỉnh Salavan, Lào).
Hỏi về công việc, anh Hồ giải thích: “Nói buôn bán thì dữ quá, đây là trao đổi thôi. Ở các bản làng bên đó cũng là người Pa Cô cả, nên rất dễ nói chuyện. Họ có đồ cổ, mình có nông sản trao đổi với nhau. Có khi mình cũng mua lâm sản bên kia qua bên mình bán, có tiền cùng kiếm ít đồ chén sứ về bán lại cho bà con nơi đây.”
Anh Lê Thanh Hồ giới thiệu một món đồ cổ truyền thống của gia đình
Trước đây anh Hồ làm việc nương rẫy, từ khi tập tục cưới của đồng bào thời nay không còn bị “thách cưới” cao, phải có vàng, bạc nén nữa thì những đồ cổ cũng hiếm dần, anh gác việc nương rẫy, sắm xe đi buôn “xuyên” biên giới. Anh Hồ cùng em trai là Lê Văn Hiếu (30 tuổi) làm hộ chiếu “xuất ngoại” mang hàng lâm, thổ sản qua cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) để bán.
Chục năm buôn bán, anh Hồ có hàng trăm chuyến hàng như thế, mang những món đồ cổ về. Đồng bào các xã Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Vân khi sắp cưới hỏi đều tìm đến anh.
Anh Hồ tâm sự: “Từ xã Hồng Trung qua các bản Ka Lêng, Ra Và, A Túc (huyện Tù Muồi), Trau (huyện Tà Ổi) từ 100-200km, mỗi chuyến đi chi phí khoảng 200 nghìn kíp (chừng 500 nghìn tiền Việt), do đó ngoài mua nông sản mình phải thêm ít đồ cổ, hàng tươi sống về mới đủ chi phí xăng, có lãi được.”
Bạc nén giờ còn lại rất hiếm trong gia đình của đồng bào miền núi A Lưới
Gần đây nhất anh qua bản Ka Lêng mua cho một người bạn là ông A Lăng Tin (xã Sông Côn, huyện Tây Giang, Quảng Nam) 2 cái tô cổ tráng men để ông này chuẩn bị làm lễ vật cưới vợ cho con trai.
“Qua thời gian, chiến tranh, số đồ cổ truyền thống của đồng bào còn lưu giữ lại bây giờ rất hiếm. Chỉ còn lại trong những gia đình có người già, của các già làng, trưởng bản, nằm ở những bản làng xa xôi mà thôi. Hiện nay, các tục cưới hỏi của đồng bào đã thực hiện nếp sống văn minh, đơn giản, tiết kiệm đi rất nhiều. Trong lễ vật của cưới hỏi có cổ vật là một nét văn hóa của đồng bào, thể hiện tình cảm, gắn bó của hai gia đình”.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VHTT huyện A Lưới
Cả chục năm buôn đồ cổ, dù lời lãi không nhiều do chủ yếu đồng bào nơi đây mang sản vật đổi chác, nhưng anh Hồ có mấy lần “vấp” phải đồ cổ giả, lỗ cả mấy chục triệu đồng. Anh kể: “Năm 2005-2006, mình mua một chiếc chum giá 22 triệu kíp (thời đó khoảng 44 triệu tiền Việt - NV) về không bán được. Đem đi mấy người sành đồ cổ dưới thị trấn mới biết là đồ giả. Năm 2007 mình mua một cái chén hơn 1 triệu kíp, do khi mua họ bỏ trên sàn bếp, màu tro bám đầy không xem kỹ nên về vấp phải đồ giả đành vứt xó.”
Em trai anh Hồ là Lê Văn Hiếu cũng vừa qua bản Trau mua được 3 chiếc nồi đồng giá mười mấy triệu kíp về bỏ trên gác bếp. “Mình mua để mai này cho con trai lấy vợ. Đồng này đồng cũ nên rất tốt, bên bản đó họ giữ đã lâu, mình người quen mới mua được đó.”- anh Hiếu giải thích.
 
Một truyền thống đẹp
Câu chuyện thách cưới trâu, bò, vàng, bạc nén lên tới cả trăm triệu đồng với đồng bào A Lưới giờ đây đã không còn nữa. Nói như cụ Quỳnh Hồ (75 tuổi, thôn Đụt, xã Hồng Trung), chính quyền đã tuyên truyền, cái gì hủ tục thì mình bỏ đi, còn phong tục đẹp, có từ ngàn đời thì mình nên giữ lại.
Cụ Quỳnh Hô có con trai út là anh Lê Văn Hang (23 tuổi), sắp lấy vợ. Lễ vật nhà gái đòi chỉ là một cái thanh la và một chiêng bằng đồng. Cụ Quỳnh Hồ phải nhờ “lái buôn” mua hai món đồ cổ ở huyện Tù Muồi với giá 5,5 triệu đồng. Cụ bảo: “Truyền thống người Pa Cô mình thế, hồi xưa thách cưới to, giờ nhà trai bỏ đồ cổ làm lễ vật chỉ có thế, nhà gái thì cho vải zèng, chiếu. Bây giờ đơn giản hơn nhiều, miễn sao về sống với nhau hạnh phúc, sinh con cái đầy đủ là được.”
Ngược lên A Roàng, địa phương cuối cùng huyện A Lưới giáp với vùng đất Quảng Nam- nơi theo những lái buôn đồ cổ, dân bản thường có những chuyến xe “xuyên xã” để sắm những đồ cổ dùng làm lễ cưới.
Trải chiếu đon đả mời khách, ông A Viết Nùng (65 tuổi, thôn A Roàng 2, xã A Roàng) gọi vọng lui sau nhà để vợ lên “cùng nói chuyện cho vui”. Ông A Viết Nùng vừa cưới vợ cho con trai là anh A Viết Thế nên nhắc đến chuyện tập tục cưới hỏi của đồng bào, ông say sưa: “Con trai lấy vợ bắt đầu bằng lễ đám hỏi gọi là póoc-se-căm-pảy, nhà trai mang sang nhà gái một con heo, 1 con gà. Xong đến lễ cưới (người Tà Ôi gọi là eo-lăn-đi), nhà gái mang qua xôi nếp, áo choàng (gọi là a nóp), chiếu, thổ cẩm, do mẹ cô dâu dày công đan trước đó. Sau đó, nhà trai tổ chức tiệc với bà con và cùng trao những lễ vật như chum ché, chiêng đã “đính ước” trước đó cho nhà gái.”
Gia đình ông A Viết Nùng cũng có con gái gả chồng nên cũng được nhà trai cho lại đồ cổ. Hỏi chuyện cưới sinh, bà Kăn Thơm, vợ ông A Viết Nùng tất tả chạy vào nhà, mang cho xem bộ cồng chiêng, một vòng bạc cùng nhiều thứ thổ cẩm là đồ cổ từ xưa của gia đình. Bưng bộ cồng chiêng đã phong hóa thời gian cùng vòng bạc được chạm khắc tinh xảo, bà Kăn Thơm bảo: “Mấy cổ vật này là lễ cưới của nhà chồng con gái A Viết Thị Thảo tặng đây. Dù giá trị không nhiều nhưng đây là truyền thống của đồng bào trên này. Lễ vật sẽ trở thành kỷ niệm được truyền lại cho con cháu giữ gìn, như giữ gìn hạnh phúc gia đình ấy.”
Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top