ClockThứ Ba, 02/10/2012 06:18

“Lệch pha” giữa huy động và cho vay vốn

TTH - Lãi suất giảm, huy động tăng nhưng doanh nghiệp vẫn than: "khát vốn". Trong khi đó, dù tín dụng "nghẽn", nhưng có ngân hàng vẫn "lách" trần huy động.

Vì sao?

Theo số liệu từ các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh, tính đến cuối tháng 9-2012, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 19.350 tỷ đồng, tăng 12,5% so với đầu năm; trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 14 tỷ đồng (tăng 0,1%) so với đầu năm. Việc “dư thừa” tiền khiến các NHTM đua nhau đẩy mạnh cho vay. Các NHTM đang “tung” ra một số “gói” cho vay ưu đãi, nhắm vào khách hàng doanh nghiệp (DN) và khách hàng mua nhà để ở... Dù lãi suất cho vay DN hầu hết đã được các NHTM công bố giảm xuống 15%/năm, song theo nhiều DN, đây vẫn là mức lãi suất cao và DN không dễ tiếp cận. Một DN trên địa bàn cho hay, tuy một số lĩnh vực được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các NHTM phải ưu tiên, song do khó khăn về tài sản thế chấp, nên nhiều DN trong các lĩnh vực ưu tiên này còn chần chừ. Dù trên giấy tờ, lãi suất cho vay mà DN phải trả là 15%/năm, song thực tế, lãi suất vay của DN ở mức khoảng 17% do các “khoản phí” gia tăng.
 

Dù đang khó đẩy mạnh dư nợ cho vay nhưng các ngân hàng vẫn tìm cách huy động vốn

 
Một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường là tín dụng tăng chậm, DN khó vay, trong khi huy động vốn tăng cao và các NHTM vẫn đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút tiền gửi, thậm chí “lách” trần lãi suất. Tình trạng huy động vốn với lãi suất 11-12%/năm cho kỳ hạn dưới một năm diễn ra ở khá nhiều NHTM, câu hỏi đặt ra là, “nhà băng” huy động vốn để làm gì? Có chuyên gia nhận định: Khả năng là vì thanh khoản? “Nhà băng” hiện khó cho vay, nhưng trước áp lực vốn đến hạn phải trả của các khoản đã giải ngân trước đó, nhưng chưa thu hồi được, nên ngân hàng phải tăng cường huy động để xử lý. Theo phân tích của vị này, hiện nay, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản đều rủi ro cao, vì vậy, khả năng ngân hàng huy động vốn để rót tiền vào hai lĩnh vực này là không thể. Khả năng đầu tư vào vàng, ngoại tệ cũng không đúng, vì NHNN đã có văn bản yêu cầu các NHTM chấm dứt huy động và cho vay vàng.
 
Ngoài ra, với tỷ giá ổn định hiện nay, việc huy động vốn để găm giữ ngoại tệ rất khó xảy ra. Do đó, lý giải hợp lý nhất cho tình trạng “lách” trần huy động trong bối cảnh giải ngân tín dụng rất chậm hiện nay là thanh khoản ngân hàng. Lãnh đạo một NHTM trên địa bàn khẳng định, thanh khoản của các ngân hàng hiện nay rất an toàn, việc tăng huy động vốn của ngân hàng chỉ là để “đón đầu” tăng trưởng tín dụng có thể “bùng” lên vào quý IV-2012 và đầu năm 2013. Vị này còn giải thích thêm: Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện.
 
Dù nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc, bằng chứng là chỉ số hàng tồn kho đang giảm, DN phá sản ít dần, tổng cầu có dấu hiệu tăng lên…, song với tình trạng “lách” trần huy động của các ngân hàng, khả năng giảm tiếp lãi suất là khó xảy ra và như vậy, tiếp cận vốn vẫn là vấn đề khó đối với DN trong thời gian tới.
Chào mời “thượng đế loại 1”
 
Theo một cán bộ ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện nghiêm túc phân loại nhóm khách hàng để giãn, hoãn và cơ cấu thời hạn nợ, lãi vay cho DN. Qua đó, có NHTM đã hạ lãi vay xuống mức khoảng 12-13%/năm, thậm chí, với DN nhóm A được “chào mời” ở mức 10-11%/năm nhưng rất ít DN mở hồ sơ. Nhiều doanh nghiệp nhóm A, có tình hình tài chính lành mạnh, ngân hàng muốn DN mở hồ sơ vay vốn nhưng DN vẫn ngần ngại. Các DN thuộc diện trên hầu hết đã thoát hàng tồn kho nhưng vì thị trường tiêu thụ chậm, nên phải thu hẹp quy mô sản xuất; DN chỉ vay một lượng vốn lưu động đủ mức duy trì hoạt động cầm chừng. Các hồ sơ vay vốn đầu tư mới, thậm chí với những dự án đã ký hợp đồng trước đó cũng chưa được triển khai. Điều này được một số DN thừa nhận, do có quan hệ truyền thống hàng chục năm với các NHTM trên địa bàn nên các điều kiện vay và lãi suất không phải là rào cản, mức lãi suất vay chỉ vào khoảng 12%/năm nhưng do tình hình thị trường xấu, nên DN chỉ vay trong khả năng xoay xở của mình.
 
Theo định hướng của NHNN, các TCTD đồng loạt đưa lãi vay nợ cũ về 15%. Ước đến cuối tháng 9/2012, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với 14.100 DN và hộ dân, với tổng dư nợ được điều chỉnh 3.500 tỷ đồng, chiếm 60% tổng dư nợ các khoản vay cũ có lãi suất trên 15% trước ngày 15/7/2012.
Trái ngược với tình trạng trên, khá nhiều DN có tình hình tài chính xấu, bảng cân đối tài sản thiếu lành mạnh lại rất muốn vay nhưng bị ngân hàng từ chối. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số NHTM cổ phần, số DN này vay với mục đích “làm sạch” bảng cân đối, “đảo nợ” hoặc vay để thanh toán cho các khoản nợ “tín dụng phi chính thống” mà DN vay để trả nợ ngân hàng trước đó. “Cũng có những DN “kêu” không vay được vốn là do đang có nợ quá hạn ở ngân hàng khác. Việc than “khát vốn” của một số DN và khó tiếp cận tín dụng, lãi vay cao là do chất lượng DN thấp nên bị ngân hàng từ chối hoặc nâng “rào cản” lãi suất để ngăn lại”. Giám đốc một ngân hàng phân bua. 
 
Mặc dù thực trạng trên có sự khác biệt, nhưng đều phản ánh tình trạng bế tắc tín dụng và sự “lệch pha” trong cán cân huy động và cho vay vốn. Vì thế, việc tìm “đáp án” cho câu hỏi: Vì sao tín dụng “lệch pha” và làm thế nào để phá thế “đóng băng” tín dụng, tiếp tục là “bức xúc” không chỉ riêng đối với ngành ngân hàng. Có chuyên gia phân tích, “dư địa” trong chính sách tiền tệ để giảm bớt “lệch pha” giữa huy động và cho vay vốn nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng không còn nhiều. Một nỗi lo đang âm ỉ trong hệ thống, đó là: rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường từ sự mất cân bằng giữa huy động và cho vay vốn; cũng như “bất an” đến từ việc tín dụng tăng thấp nhưng huy động vẫn tăng đang ngày càng hiện hữu...

Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Return to top