ClockThứ Tư, 26/08/2020 15:13

Lên đồi làm trang trại

TTH - Rời cuộc sống phố thị, Nguyễn Bá Lộc (SN 1972) lên Hương Bình (Hương Trà) lập trang trại trồng tiêu và cây ăn quả. Trang trại của anh hiện là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

FAO triển khai giai đoạn 2 Chương trình Hỗ trợ trồng rừng và trang trạiNâng cấp kinh doanh sạp thịt bình thường lên sạp thịt sạchTrang trại đang gặp khó

Anh Nguyễn Bá Lộc hiện có hàng trăm gốc cam Xã Đoài sắp đến kỳ thu hoạch

Học kinh tế ra trường, Bá Lộc có gần 20 năm làm việc qua các công ty ở Huế với vị trí quản lý.

Năm 2012, Lộc quyết định “rẽ ngang” làm nông dân. Sau khi tìm hiểu thị trường, vào Nam học hỏi kinh nghiệm trồng tiêu, từ vốn kiến thức kinh tế, anh lập dự án xây dựng trang trại 5ha trồng tiêu, cây ăn quả và thuê đất của xã tại thôn Quang Lộc.

Dự án được địa phương ủng hộ. Trong 3 năm (2014- 2016), anh đầu tư trồng 3,5ha tiêu và 1,5ha cam Xã Đoài và quýt Thanh Bình (giống quýt địa phương được ba anh Lộc đưa từ Hương Xuân lên trồng. Với đặc điểm trái nhiều, vị ngọt thơm ngon, múi có màu đỏ đẹp và đặc biệt cho thu hoạch đến Tết). Nhờ chăm bón, cân đối dinh dưỡng phù hợp, cây tiêu phát triển tốt, lúc đó, trang trại của anh được xem là điển hình của mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở địa phương.

Nhưng “người tính không bằng trời tính”. Cuối 2016, do ảnh hưởng của những trận mưa kéo dài, gần 2ha tiêu bị thối rễ chết toàn bộ. “Bỏ kinh phí gần 5,5 tỷ đồng nhưng cuối cùng phần “lãi” chỉ còn lại 4.500 trụ xi măng (trồng tiêu), gần 1ha tiêu “còi cọt” và mấy trăm gốc cam, quýt”, anh Lộc ngậm ngùi.

Đầu tư bài bản nhưng “thua” vì thời tiết. Số tiêu còn lại, anh “thả tay” vì hết tiền và giá tiêu giảm mạnh. Nếu tiếp tục đầu tư sẽ không đủ trang trải chi phí hái, chưa nói đến công chăm sóc, khấu hao…

Trồng tiêu thất bại, anh quay sang tập trung cho cây ăn quả. “Trồng các giống cây có múi này dễ hơn cây tiêu nhiều, nhưng mất nhiều công”, Lộc kể.

Để cây trồng đạt chất lượng, an toàn, anh hướng sang sản xuất hữu cơ bằng cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh tự chế bằng cách ủ chất phế thải nông nghiệp (rơm rạ, mùn cưa, phân chuồng…) trong thời gian từ 4-8 tháng.

“Nhờ được chuyển giao kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ công ty sản xuất phân ở Thái Bình, mình đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà, máy móc sản xuất phân hữu cơ ngay trong trang trại”. Sau thời gian dùng phân hữu cơ bón cho cây ăn quả, anh Lộc cho biết, cây cho quả nhiều, trái ngon hơn.

Do lượng phân ủ chưa kịp nên chỉ hơn 60% diện tích cây trồng được bón phân hữu cơ, số còn lại vẫn dùng phân chuồng. “Chất lượng trái cây có múi ở đây khi mang đi test đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tương lai sẽ dùng phân hữu cơ vi sinh để bón cho 100% diện tích cây trong trang trại”, anh Lộc vui mừng.

Hiện, Nguyễn Bá Lộc có 2ha cam, quýt đến kỳ thu hoạch và hơn 1ha thanh trà chuẩn bị cho trái. Trong trang trại, ổi, bưởi da xanh, đu đủ cũng cho trái sai quả.

“Sắp tới, mình dự định tiếp tục phát triển 1ha tiêu, 1ha thanh trà và 3ha cam, quýt theo hướng hữu cơ. Đồng thời, sẵn sàng nhân giống cam, quýt hiện có để cung cấp cho người dân có nhu cầu”, anh Lộc cho hay.

Mới đây, lãnh đạo TX. Hương Trà trong lần tiếp dân tại xã Hương Bình đã đến thăm trang trại của anh Lộc và đánh giá cao mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hữu cơ hiệu quả của anh.

Chủ tịch UBND TX. Hương Trà Hà Văn Tuấn thông tin, sắp tới, thị xã sẽ làm việc với 3 xã vùng gò đồi Hương Bình, Bình Tiến, Bình Thành và triển khai mời cán bộ chủ chốt thôn, các hộ dân ở đây tham quan trang trại để nhân rộng mô hình này tại những nơi có điều kiện tương đồng. UBND thị xã sẽ hỗ trợ kỹ thuật, giống cây (từ ngân sách địa phương và các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững), hỗ trợ hệ thống nước tưới theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch còn yếu khâu làm sản phẩm

Sau hàng chục năm phát triển, du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế vẫn còn yếu ở khâu làm sản phẩm. Điểm na ná nhau trong nhiều sản phẩm du lịch giữa các địa phương phần nào cho thấy sự bế tắc, đó được xem như “gót chân Achilles” trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch.

Du lịch còn yếu khâu làm sản phẩm
Về với thiên nhiên

Ánh nắng mặt trời, cảnh sắc sông nước, vườn tược và cả những làn gió tự nhiên… đều là thần dược cho tinh thần của người trẻ sau những học kỳ dài, những ngày làm việc căng thẳng.

Về với thiên nhiên
Cát trắng nở hoa

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy Quảng Điền về phát triển kinh tế trang trại (KTTT), nhiều hộ dân đã tin tưởng và mạnh dạn đầu tư nguồn lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Cát trắng nở hoa
Thu tiền tỷ từ trang trại

Doanh thu bình quân mỗi năm 3 tỷ đồng, trang trại (TT) chăn nuôi của ông Nguyễn Thuận ở xã Quảng Vinh là điển hình sản xuất hiệu quả tại vùng rú cát Quảng Điền.

Thu tiền tỷ từ trang trại
Return to top