ClockThứ Năm, 22/09/2016 05:51

Lịch sử địa phương, gần mà xa

TTH - Huế là vùng đất giàu truyền thống lịch sử. Những cái tên dễ nhớ dễ thuộc trong các bài học, như: danh tướng Nguyễn Tri Phương (Phong Điền), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Quảng Điền), 11 cô gái Sông Hương (Hương Thủy),… Quá gần gũi nhưng chẳng mấy học sinh nắm rõ.

Không biết

Về khu Ba (Phú Lộc), vùng đất gắn liền nhiều hoạt động cách mạng. Di tích trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời (ở xã Vinh Giang) – nơi đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên chủ trì nhiều cuộc họp chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh; đồng thời là cơ sở chuẩn bị các điều kiện phục vụ hội nghị đầm Cầu Hai chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Thế nhưng, tổ chức cuộc khảo sát nhỏ với học sinh về các thông tin liên quan đến sự kiện, địa danh lịch sử nơi đây, hầu hết không biết vì nhà trường chưa cho đi tham quan.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trả lời thắc mắc của học sinh về các vấn đề liên quan đến lịch sử

Tiếp tục làm cuộc khảo sát bỏ túi ở Thủy Thanh (Hương Thủy), nơi có 3 di tích cấp Quốc gia (cầu ngói Thanh Toàn, phủ thờ Tôn Thất Thuyết, đình làng Vân Thê) và di tích cấp tỉnh đình làng Thanh Thủy Chánh. Khi đặt câu hỏi về lịch sử những địa điểm này nhiều em nói quanh co, mơ hồ và chẳng nhớ được thông tin chính. Cũng tại đây, không ít lần tôi bắt gặp khách du lịch dừng lại hỏi học sinh thông tin về điểm di tích, các em chỉ trả lời ngắn gọn: “Em không biết”(!)

Lỗi không chỉ ở học sinh

Những năm qua, ngành giáo dục có chủ trương đưa giáo dục địa phương vào chương trình giảng dạy. Đọc tài liệu lịch sử địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn, mới nhất là tài liệu năm 2014, điều khiến tôi thắc mắc là cách trình bày chung chung, mang tính định hướng những điểm cần liên hệ với lịch sử địa phương trong các bài lịch sử dân tộc. Với cách soạn tài liệu như vậy, những giáo viên (đặc biệt là giáo viên trẻ) ít tìm tòi, nghiên cứu tài liệu bên ngoài rất khó có thể sinh động hóa kiến thức lịch sử. Thông tin chuyển tải từ đó thiếu hấp dẫn.

Thời gian qua, dư luận nói nhiều về yếu tố giáo viên giảng dạy lịch sử. PGS. TS Nguyễn Văn Đăng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Huế cho rằng, đó là mấu chốt của vấn đề. Theo ông Đăng, có người sợ mất công nhưng cũng không ít trường hợp giáo viên từ nơi khác đến, không am hiểu lịch sử địa phương nơi mình dạy học.

Một thầy giáo có mấy chục năm dạy lịch sử bậc trung học cơ sở ngậm ngùi. Ông bảo, chương trình hiện nay còn nặng lý thuyết lịch sử dân tộc và thế giới trong khi đó lại dành quá ít thời lượng giảng dạy lịch sử địa phương. Nhiều giáo viên cho đây là nguyên nhân khiến học sinh thiếu thông tin về lịch sử địa phương. Dưới góc độ quản lý, một cán bộ phụ trách môn lịch sử Sở GD&ĐT thừa nhận: “Lịch sử địa phương phụ thuộc vào người dạy. Người tâm huyết cho học sinh đi tham quan nhiều, tìm tòi những mẩu chuyện hay, nhưng cũng có giáo viên chưa làm tốt được việc này”.

Trong bối cảnh tài liệu giảng dạy còn hạn chế, vấn đề ngoại khóa có ý nghĩa quan trọng. Thời gian qua, nhiều trường chưa chú trọng hoạt động này vì nhiều lý do. Ngoài kinh phí thì vấn đề an toàn cho học sinh là nguyên nhân khiến giáo viên lo ngại. “Một mình khó quản lý được các em. Khi gặp rủi ro, giáo viên là người đầu tiên chịu trách nhiệm”, một thầy giáo dạy lịch sử thổ lộ.

Ở những trường đã tổ chức hoạt động ngoại khóa, tính hiệu quả chưa cao do thiếu người am tường kiến thức ở điểm tham quan. Giáo viên hướng dẫn sơ sài, học sinh lại tự đọc thông tin tại các điểm tham quan, do đó bỏ qua những kiến thức lịch sử sinh động.

Ngoài vai trò ngành giáo dục, địa phương cũng có một phần trách nhiệm. Ông Hoàng Đức, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh luyến tiếc: “Nhiều nơi chưa tận dụng hệ thống loa truyền thanh để chuyển tới thế hệ trẻ những bài học, câu chuyện lịch sử. Thông tin hay về các di tích liên quan đến lịch sử địa phương mãi nằm trong cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương như thông tin… mật”.

Cần sự chung tay

Lâu nay, có người cho rằng học sinh chưa am hiểu lịch sử địa phương là do khan hiếm tài liệu. Thực tế, tỉnh nhà đang có “mỏ quý” tư liệu với rất nhiều công trình biên soạn về lịch sử, như bộ địa chí Thừa Thiên Huế, lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử các ngành, thậm chí lịch sử Đảng bộ địa phương hiện tại đã “phủ sóng” rộng rãi. Đây là nguồn tư liệu phong phú để ngành giáo dục và địa phương áp dụng trong công tác giảng dạy và tuyên truyền. Ngoài ra, tỉnh còn có Hội Khoa học Lịch sử (KHLS), vấn đề còn lại chỉ là cách phối hợp (giữa Sở GD&ĐT, Hội KHLS cùng các địa phương).

PGS. TS Trương Công Huỳnh Kỳ, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Huế cho rằng, nên thay đổi phương pháp giảng dạy để kích thích lòng say mê của học sinh. Ngoài việc lồng ghép, liên hệ kiến thức lịch sử dân tộc và địa phương, cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa. Để làm tốt điều này, vai trò của Hội Cựu chiến binh – những nhân chứng lịch sử là không hề nhỏ.

Tôi từng đồng tình với quan điểm học sinh thiếu kiến thức lịch sử là do bản thân không chịu tìm hiểu. Song, một lần chứng kiến các học sinh chăm chú nghe nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thuyết trình “Giá trị văn hóa tiềm ẩn trên đồ sứ ký kiểu từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX” và sau đó vây quanh ông thắc mắc những kiến thức lịch sử địa phương khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Phải chăng, lịch sử địa phương không khó vào lòng các em, vấn đề là ở cách truyền đạt (?)!.

Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Khai mạc Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương

Ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, đề ra nhiệm vụ công tác tháng 4 và quý 2/2024; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chinh phủ; kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, và nhiều nội dung quan trọng khác.

Khai mạc Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương
Return to top