ClockThứ Sáu, 07/08/2020 10:47

Lịch sử phải đúng và cần được tôn trọng

TTH - Tình cờ vào trang Youtube, tôi bắt gặp trích đoạn trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú” với cái “tít” khá thu hút: “Sử dụng bốn quyền trợ giúp trả lời vẫn sai”.

Tò mò, tôi vào xem nhưng  không biết chương trình này phát vào khi nào trên VTV3. Người dẫn chương trình, nhà báo Phan Đăng đọc câu hỏi: Ai là vị vua cuối cùng của triều Mạc?  A. Mạc Đăng Doanh, B. Mạc Mậu Hợp, C. Mạc Phúc Hải, D. Mạc Toàn. Người chơi xin sử dụng quyền hỏi ý kiến khán giả trường quay, kết quả 68% chọn Mạc Đăng Doanh. Để chắc ăn, người chơi hỏi tổ tư vấn, cả 3 thành viên đều chọn Mạc Mậu Hợp. Thấy vẫn chưa yên tâm, người chơi sử dụng quyền trợ giúp 50-50, cả 2 phương án này đều bị loại bỏ, chỉ còn Mạc Phúc Hải và Mạc Toàn. Còn quyền trợ  giúp cuối cùng, người chơi hỏi ý kiến bố mình; trong lúc ông đang suy nghĩ thì người chơi vẫn liên tục gợi ý có phải Mạc Phúc Hải không. Hết giờ mà vẫn chưa được trợ giúp, người chơi liền chọn phương án Mạc Phúc Hải. Nhà báo Phan Đăng tỏ ý ngại ngần cho rằng, đây là lần đầu tiên người chơi sử dụng cả bốn quyền trợ giúp, kết quả vẫn không được như ý, đáp án đúng là Mạc Toàn!

Cũng thật tình cờ trên giá sách trước mắt tôi là hai cuốn “Vua chúa Việt Nam”, một của tác giả Bùi Thiết, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội 1996; một của tác giả Trương Đình Tín, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng 2002. Tôi vội mở tra cứu.

Tác giả Bùi Thiết chỉ rõ có 10 đời vua triều Mạc (xếp theo A, B, C) là Mạc Hiến Toàn (tức Mạc Phúc Hải), Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ, Mạc Mậu Hợp, Mạc Thái Tổ (tức Mạc Đăng Dương), Mạc Thái Tông (tức Mạc Đăng Doanh), Mạc Toàn, Mạc Tuyên Tông (tức Mạc Phúc Nguyên).

Tác giả Trương Đình Tín sắp xếp trước sau, cũng 10 đời vua Mạc nhưng phân ra 5 đời thịnh, từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp, 5 đời suy: từ Mạc Toàn đến Mạc Kính Vũ.

Để thật sự thõa mãn, tôi lật giở tiếp cuốn “Các triều đại Việt Nam” của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, Nxb Văn học tái bản 2008 và “Thế thứ các triều vua Việt Nam” của Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục 2008. Các tác giả Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng chỉ ghi có 5 đời vua Việt Nam nhà Mạc là:

- Mạc Đăng Dung (1527-1529)

- Mạc Đăng Doanh (1930-1940)

- Mạc Phúc Hải (1541-1546)

- Mạc Phúc Nguyên (1546-1561)

- Mạc Mậu Hợp (1562-1592).

Tác giả Nguyễn Khắc Thuần, trong phần Tiểu dẫn, đã đánh giá: Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Triều Mạc được dựng lên kể từ đó. Đành thịnh suy mỗi lúc mỗi khác, nhưng xét về danh nghĩa, phải đến 1677, triều Mạc mới bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo đó mà tính thì triều Mạc đã tồn tại 150 năm, và đấy là một khoảng thời gian lịch sử đáng kể. Ông liệt kê thế thứ thời cường thịnh của triều Mạc gồm 5 vị vua là Mạc Thái Tổ (tức Mạc Đăng Dung), Mạc Thái Tông (tức Mạc Đăng Doanh), Mạc Hiếu Tông (tức Mạc Phúc Hải), Mạc Tuyên Tông (tức Mạc Phúc Nguyên), Mạc Mậu Hợp và thế thứ thời suy tàn của nhà Mạc cũng gồm 5 vị vua là Mạc Toàn, Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan và Mạc Kính Vũ.

Đến đây, hẳn mọi người đều biết không chỉ người chơi sai mà cả đội ngũ biên tập chương trình “Ai là triệu phú” cũng không đúng. Một sự nhầm lẫn đáng chê trách vì không thiếu sách vở, chuyên gia để tra cứu, tham vấn; vì chương trình phát vào giờ vàng, được nhiều đối tượng quan tâm. Lịch sử phải đúng và cần được mọi người tôn trọng!

Hà Xuân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân

Nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... trong Phong trào Duy Tân đã được các chuyên gia bàn luận, trao đổi tại hội thảo quốc tế “Quá trình Duy Tân tại Huế và Trung bộ trong thời kỳ Pháp thuộc” diễn ra tại TP. Huế ngày 19/12.

Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân
Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng

Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay” được Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức sáng 13/12.

Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng
Return to top