Thế giới

Liên hiệp Châu Âu và 6 nước Liên Xô cũ tránh căng thẳng với Nga

ClockThứ Sáu, 22/05/2015 09:30
TTH.VN - Thượng đỉnh Đối tác giữa Liên hiệp Châu Âu với sáu nước láng giềng phía đông, thuộc Liên Xô cũ, khai mạc hôm 21/05/2015, tại Riga, Estonia.  

Thượng đỉnh Đối tác giữa Liên hiệp Châu Âu với sáu nước láng giềng phía đông, thuộc Liên Xô cũ, khai mạc hôm 21/05/2015, tại Riga, Estonia. Được khởi sự năm 2009, theo đề nghị của Ba Lan, sáng kiến này có mục tiêu thắt chặt quan hệ giữa khối 28 nước với Ukraine, Bielorussia hay Gruzia, vốn nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga, RFI đưa tin.

Thượng đỉnh Riga là cơ hội cho Liên Hiệp Châu Âu xích lại gần nhóm sáu nước Liên Xô cũ - Reuters


Tuy nhiên, sau biến cố Tổng thống Ukraine thời đó Yanukovitch từ chối ký hiệp định liên kết với Liên Hiệp Châu Âu tại thượng đỉnh lần trước tại Vilnius năm 2013, xung đột bùng nổ tại Ukraine và sự can thiệp của Nga đã khiến tình hình hoàn toàn thay đổi.

Theo tường thuật của RFI từ Vilnius, Latvia, thượng đỉnh này không liên quan trực tiếp đến Nga, nhưng Moscow vẫn có những ảnh hưởng quan trọng tại đây, tác động mạnh đến lập trường của mỗi bên. Đổ vỡ bất ngờ tại thượng đỉnh 2013 là khởi điểm của cuộc khủng hoảng Ukraine, đánh dấu bằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée và Phương Tây trừng phạt Moscow. Điều này không khiến Nga từ bỏ quyết tâm duy trì bằng được ảnh hưởng tại khu vực này.

Làm thế nào Brussels có thể điều hòa được chính sách láng giềng xích lại gần nhau giữa Liên Hiệp Châu Âu với sáu nước nói trên, và các quan hệ với Moscow? Đây là toàn bộ vấn đề của hội nghị này.

Nhóm các nước như Estonia - quốc gia chủ nhà - và các láng giềng vùng Baltich muốn theo đuổi một chính sách quyết liệt hơn với Nga, do kinh nghiệm lịch sử, các liên hệ kinh tế sống còn của họ và một truyền thống đoàn kết lâu đời với sáu quốc gia Liên Xô cũ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác lại không muốn va chạm với Nga.

Như vậy là, tại Riga sẽ diễn ra một hội nghị tối thiểu, chỉ bao gồm một buổi ăn tối và một cuộc thảo luận trong buổi sáng. Vấn đề giảm nhẹ qui định đối với visa của các công dân Gruzia và Ukraine đã bị hoãn lại. Gruzia đã rất nỗ lực và đặt nhiều hy vọng vào việc này. Tương lai của ‘‘Đối tác phía đông'' trở thành vấn đề tại Riga.

Về chủ đề này, báo Le Monde hôm 21/5 có bài phân tích đáng chú ý, mang tựa đề "Đối tác phía đông bước đi rón rén", mở đầu với nhận xét: "Đừng đối đầu với Nga: đó là quan điểm không chính thức của thượng đỉnh".

Hòa dịu với Nga là chủ trương của nhiều quốc gia chủ chốt của Châu Âu. Pháp nghiêng về quan điểm "Chính sách lân bang của Liên Âu không thể được xây dựng trong thế đối đầu với Nga".

Mặc dù có ít nhất 25 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ Châu Âu tuyên bố có mặt tại hội nghị được coi là rất quan trọng này, nhưng khả năng hội nhập Liên Âu của sáu nước Liên Xô cũ (Ukraine, Bielorussia, Gruzia, Azerbaijan, Armenia và Moldavia) trở nên xa vời, khác hẳn so với cách đây sáu năm.

Theo AFP, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tỏ thái độ rõ ràng: trong vòng năm năm tới, sẽ không có bất cứ một đơn đề nghị gia nhập nào được cứu xét. Người đứng đầu ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini thì nhấn mạnh đến "mối quan hệ xây dựng với Nga".

Trên thực tế, quan hệ giữa Châu Âu với sáu nước láng giềng phía đông đang được điều chỉnh lại một cách mềm mại hơn (theo một nguồn tin ngoại giao Pháp được Le Monde dẫn lại), tùy theo tình hình của mỗi nước, và mong muốn của từng quốc gia.

Cho đến nay, mới chỉ có ba quốc gia trong số sáu nước này ký kết hiệp ước liên kết với Brussels: Moldavia, Gruzia và mới đây là Ukraine (tháng 6/2014). Armenia và Bielorussia đã chấp nhận tham gia vào khối kinh tế Á-Âu, do Nga lãnh đạo.
Theo báo Le Monde, để dung hòa các quyền lợi đối kháng giữa Châu Âu và Nga, Pháp có chủ trương Châu Âu ký kết hiệp ước liên kết với các nước này, nhưng không bao gồm thỏa thuận tự do mậu dịch. Tuy nhiên, quan điểm này chưa được khối 28 nước chính thức chấp nhận.

Dù sao, về phía Nga, Moscow - trong bối cảnh kinh tế suy thoái - cũng không muốn duy trì căng thẳng với Châu Âu. Hôm thứ Ba 19/5, tại Brussels, liên quan đến Đối tác phía đông của Châu Âu, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố "Chúng tôi chỉ hy vọng một điều (…) là những quan hệ này không được gây tổn hại cho các lợi ích hợp pháp của Liên bang Nga".

Theo AFP, ban tổ chức hội nghị Riga - Liên Hiệp Châu Âu và chủ nhà Estonia – thừa nhận rằng tại hội nghị thượng đỉnh này sẽ không có một quyết định nào lớn được đưa ra.

Dù sao, tiến trình gia tăng quan hệ đối tác giữa Liên Hiệp Châu Âu với nhóm sáu nước Liên Xô cũ vẫn tiếp tục.

 

Theo BizLIVE
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Return to top