ClockThứ Bảy, 29/04/2017 05:56
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HUẾ:

Liên kết đào tạo hướng đến hội nhập

TTH - Sau hơn 10 năm triển khai, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Trường đại học Sư phạm Huế đạt được những thành quả đáng khích lệ, góp phần khẳng định uy tín và thương hiệu của Trường đại học Sư phạm Huế trong nước và khu vực.

Sinh viên Chương trình Vật lý tiên tiến chụp ảnh cùng các giáo sư nước ngoài đến thỉnh giảng tại Trường đại học Sư phạm Huế

Trường đại học Sư phạm Huế đã và đang triển khai 3 chương trình liên kết trình độ cử nhân: đào tạo ngành vật lý theo chương trình tiên tiến (CT VLTT) của Trường đại học Virginia, Hoa Kỳ; đào tạo chương trình kỹ sư (liên kết với Trung tâm INSA Val De Loire và INSA Toulouse, Pháp) theo phương thức 2 + 3; liên kết với Trường Winona State, Hoa Kỳ, đào tạo ngành công nghệ thông tin theo phương thức 2 + 2.

Thành quả

Theo PGS.TS.Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Đại học Huế, CT VLTT có tác động rất tốt đối với Trường đại học Sư phạm Huế, đó là đào tạo được một lứa sinh viên có chất lượng và một lứa cán bộ, đặc biệt là giảng viên tiếp cận tri thức mới và phương pháp dạy học mới, tạo sự biến đổi lớn trong nhà trường. Chương trình cũng nâng cao vị trí và khẳng định Trường đại học Sư phạm Huế không chỉ đào tạo nghề giáo mà còn đào tạo khoa học cơ bản rất tốt.

Được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt triển khai đào tạo CT VLTT từ năm 2006, Trường đại học Sư phạm Huế đã hợp tác với Đại học Virginia (xếp hạng thứ 25/100 trường đại học tốt nhất Hoa Kỳ) để xây dựng Đề án đào tạo theo CT VLTT, sử dụng chương trình gốc của Đại học Virginia và bổ sung những học phần quy định bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Để thực hiện tốt CT VLTT, trường mời nhiều giảng viên các nước Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Mexico, Đài Loan... đến giảng dạy cho chương trình. TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế cho biết: “Các giáo sư nước ngoài đến dạy cho CT VLTT sử dụng nhiều phương pháp dạy học tiên tiến, tổ chức bài giảng sinh động và giúp sinh viên thực sự tham gia vào bài học, rèn luyện năng lực tư duy, kỹ năng làm việc nhóm, tham gia nghiên cứu khoa học... Nhờ vận dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, sinh viên trở nên năng động, linh hoạt và có khả năng tự học tốt”.

Bắt đầu đào tạo từ năm 2006 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập, đến năm học 2016-2017, Trường đại học Sư phạm Huế đã tuyển sinh được 10 khóa với 212 sinh viên theo học CT VLTT và đã có 7 khóa tốt nghiệp với 120 sinh viên (tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc rất cao, chiếm hơn 62%). Có 4 sinh viên đang làm luận án tiến sĩ tại Đại học Virginia, hơn 20 sinh viên nhận học bổng và học thạc sĩ tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…; 5 sinh viên là giảng viên của các trường đại học và đa số sinh viên khác đang làm việc cho các công ty nước ngoài.

Một chương trình liên kết khác đang phát huy hiệu quả rất tốt là chương trình kỹ sư liên kết với Trung tâm INSA Val De Loire và INSA Toulouse, Pháp. Đây là chương trình liên kết đào tạo giữa Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia - Trung tâm Val de Loire, Pháp (Institut National des Sciences Appliquées Centre Val de Loire -  INSA Centre Val de Loire) và Trường đại học Sư phạm Huế thông qua sự giúp đỡ và kết nối của Tổ chức Khoa học và Giáo dục “Gặp gỡ Việt Nam” (Rencontres du Vietnam). Chương trình đào tạo được thực hiện theo hình thức 2 + 3. Theo đó, sinh viên sau khi kết thúc hai năm học đại cương tại Việt Nam sẽ được tuyển chọn để tiếp tục theo học ba năm tại Pháp. Khi hoàn thành chương trình, sinh viên được Trung tâm INSA Val de Loire cấp bằng tốt nghiệp. Năm 2014, Trường đại học Sư phạm Huế cũng đã kí kết thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Toulouse (Institut National des Sciences Appliquées de Toulouse - INSA Toulouse) - cơ sở đào tạo toán ứng dụng hàng đầu của Pháp -  trong việc đào tạo kỹ sư chuyên ngành Toán ứng dụng. Từ năm 2016, đã có 3 sinh viên được sang Pháp  học và sắp tới, sẽ có một số sinh viên giỏi tiếp tục được sang học tại Pháp về toán ứng dụng - một ngành đang khan hiếm nguồn nhân lực không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

TS. Hà Viết Hải, Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế, Trường đại học Sư phạm Huế cho biết, bắt đầu đào tạo từ năm 2009 đến nay, trường tuyển sinh được 8 khóa. Có 54 sinh viên đang theo học tại Pháp và 27 sinh viên đang học tại trường. Sinh viên được tuyển có đầu vào rất cao, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với điểm nộp hồ sơ từ 22 điểm trở lên. “Sau hai năm học nếu kết quả học tập tốt, các em sẽ được sang học tại Pháp. Điều đáng mừng là hầu hết các em theo học chương trình này đều được sang Pháp học. Trong đó có một số tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ, số còn lại đã tìm được việc làm ở Pháp. Các em được trường bên đó đánh giá cao và nhiều em đã nhận được học bổng của Chính phủ Pháp. Đây cũng là niềm tự hào của cộng đồng người Việt bên đó và Thị trưởng thành phố Toulouse đã ký kết với trường để hỗ trợ sinh viên của trường sang học”.

Bên cạnh hai chương trình này, Trường đại học Sư phạm Huế đã ký kết biên bản ghi nhớ với Đại học Winona State, Hoa Kỳ để triển khai đào tạo ngành công nghệ thông tin theo chương trình 2+2 của Trường đại học Winona State, đào tạo 2 năm tại Việt Nam, 2 năm tại Hoa Kỳ và Trường đại học Winona State cấp bằng. Cùng với các chương trình liên kết đào tạo cử nhân, từ năm học 2015-2016, trường liên kết với Đại học Giao thông Đài Loan - đại học đứng vị trí thứ nhất trong số các Đại học của Trung Quốc và Đài Loan, đứng trong top 10 trường đại học tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương - để đào tạo 2 chương trình trình độ thạc sĩ ngành hóa và lý.

Hướng đến hội nhập

TS.Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế khẳng định, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài mang lại hiệu quả rất tốt đối với chiến lược phát triển của nhà trường, đó là đào tạo theo yêu cầu xã hội và hội nhập, đặc biệt là hội nhập ASEAN và quốc tế. Nhà trường rất quan tâm đến các chương trình này.

Theo TS. Lê Anh Phương, hiệu quả thiết thực nhất mà các chương trình liên kết nước ngoài mang lại là, tạo điều kiện cơ hội việc làm rất tốt cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Từ những chương trình đào tạo liên kết này, trường xây dựng được 5 ngành khoa học tự nhiên đào tạo bằng tiếng Anh dưới sự hỗ trợ của dự án 2020; tăng uy tín và vị thế của nhà trường đối với các trường trong nước, khu vực và quốc tế; tạo điều kiện cho sinh viên nước ngoài đến học tập tại trường. Hiện tại, đã có sinh viên Indonesia và Myanmar đến học ngành toán và lý tại trường. Qua các chương trình liên kết, trình độ ngoại ngữ và chuyên môn của giảng viên tham gia giảng dạy được nâng cao; tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên có thể hợp tác, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy và tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế trong đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc đẩy mạnh liên kết đào tạo với nước ngoài thể hiện xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng hơn của nhà trường nhằm phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết & nâng tầm thương hiệu

Câu chuyện về liên kết để nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề đã và đang được các doanh nghiệp (DN), làng nghề triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng cơ hội giao thương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Liên kết  nâng tầm thương hiệu
Phát huy lợi thế liên kết để phát triển du lịch

Liên kết đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Năm 2024, với vai trò là trưởng nhóm liên kết phát triển du lịch 5 địa phương ở miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đề xuất và triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch, góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói.

Phát huy lợi thế liên kết để phát triển du lịch
Liên kết trồng nấm phát triển kinh tế

Đối với hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, chị Văn Thị Dịu, Chi hội trưởng Chi hội thôn Trung Kiều, không những là một tấm gương về cán bộ hội năng động, nhiệt tâm mà chị còn là một điển hình kinh tế giỏi. Từ mong muốn vươn lên làm giàu từ chính nghề nông, chị đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng nấm sạch. Đến nay, mô hình trồng nấm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Liên kết trồng nấm phát triển kinh tế
Liên kết để phát triển

Đó là cách các hội viên (HV) Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hương Sơ, TP. Huế cùng nhau phát triển kinh tế từ những nghề có truyền thống lâu đời ở địa phương. Khi thành lập những tổ liên kết (TLK), tổ hợp tác (THT), HV không những chia sẻ cho nhau kinh nghiệm làm ăn mà họ còn cùng nhau phát triển thị trường, mở rộng quy mô buôn bán…

Liên kết để phát triển

TIN MỚI

Return to top