ClockThứ Bảy, 09/11/2019 12:59

Liên kết để phát triển

TTH - Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh định hướng các cơ sở hội thành lập nhiều mô hình do phụ nữ làm chủ.

Giúp nhau mua bảo hiểm y tếTrao sinh kế, tạo động lực phát triển kinh tếTập hợp hội viên từ các mô hình, câu lạc bộ

Cửa hàng “Giới thiệu - cung cấp thực phẩm an toàn” của Hội LHPN huyện Phú Lộc bày bán nhiều sản phẩm của hội viên phụ nữ

Liên kết hiệu quả

Mô hình liên kết “Giới thiệu - cung cấp thực phẩm an toàn” do Hội LHPN huyện Phú Lộc phối hợp với Hội Nông dân và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện được khai trương từ đầu tháng 4 năm nay.

Hơn nửa năm hoạt động, cửa hàng đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều người tiêu dùng, đồng thời giúp nhiều tổ liên kết sản xuất của phụ nữ có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm. Hiện cửa hàng bày bán thường xuyên 26 mặt hàng chủ lực của các hội viên phụ nữ và người dân, bao gồm các sản phẩm tiêu biểu của địa phương như tinh dầu tràm Lộc Thủy, mắm Lộc Vĩnh, rau củ quả theo mùa và nhiều loại nông sản, hải sản khác…

Chị Ngô Thị Lý, Chủ nhiệm tổ liên kết “Sản xuất gà sạch” của Hội LHPN thị trấn Phú Lộc cho biết: “Tổ liên kết sản xuất gà sạch của thị trấn được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thành lập cách đây 3 năm. Tuy nhiên, do chưa có thị trường ổn định nên tổ chỉ chăn nuôi cầm chừng. Từ khi cửa hàng giới thiệu cung cấp thực phẩm an toàn của Hội LHPN huyện được thành lập, sản phẩm của tổ đã có đầu ra ổn định. Tổ đang có ý định đầu tư để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên”.

Theo chị Cái Thị Diệu Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lộc, mục đích của cửa hàng là tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện tốt và tuân thủ quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; kêu gọi lựa chọn, sử dụng nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe. Qua đó, từng bước xây dựng chuỗi nông sản sạch phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đẩy mạnh công tác liên kết tiêu thụ nông sản tại địa phương.

Từ ngày “Tổ liên kết đúc bờ lô” thuộc Hội LHPN phường An Tây được thành lập, các thành viên ai cũng phấn khởi. Các chị không còn sản xuất đơn lẻ, mạnh ai nấy làm mà thực hiện theo quy chế chung là sản xuất đảm bảo chất lượng, không phá giá, hỗ trợ nhau khi khó khăn. Các chị cũng tự đóng mỗi người 500 nghìn đồng/tháng để giúp nhau về vốn...

Chị Châu Thị Diệp, thành viên tổ liên kết bày tỏ: "Vào tổ liên kết, chị em có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, khi cần thiết có thể hỗ trợ máy móc, nhân công nên thuận lợi hơn nhiều".

Chị Phạm Thị Thu Cúc, Chủ tịch Hội LHPN phường An Tây thông tin, hiện tổ liên kết có 15 thành viên và ban quản lý gồm 3 người, tạo việc làm ổn định cho khoảng 40 lao động nữ, với mức thu nhập mỗi tháng từ 5 đến 6 triệu đồng/người. “Hiện chúng tôi đang làm thủ tục để đăng ký thương hiệu sản phẩm bờ lô cho tổ liên kết để dễ cạnh tranh và mở rộng thị trường”, chị Cúc cho biết.

Đồng hành

Theo chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thành lập các tổ hợp tác phụ nữ phát triển kinh tế là mô hình rất phù hợp với các địa phương, nhất là địa phương có nghề truyền thống, vừa tạo việc làm tại chỗ cho hội viên, phụ nữ, vừa góp phần phát huy giá trị làng nghề. Mô hình còn tạo sự đoàn kết, gắn bó trong khu dân cư, phát huy vai trò của hội phụ nữ các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hội; cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế ở các địa phương.

Để đồng hành, các cấp hội luôn bám sát cơ sở, động viên, hỗ trợ chị em; kịp thời giải thích, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc để chị em mạnh dạn, liên kết hợp tác. Với nữ nông dân muốn khởi nghiệp, hội hướng dẫn thay đổi phương thức sản xuất manh mún, kém hiệu quả sang thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp họ hình thành tư duy làm kinh tế theo chuỗi giá trị.

Hội LHPN tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng thông qua phối hợp với các hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình, dự án, doanh nghiệp hỗ trợ vay vốn. Thông qua các hoạt động phong trào, Hội LHPN tỉnh tranh thủ giúp các tổ hợp tác giới thiệu sản phẩm đến các cấp hội phụ nữ, các ban ngành, đoàn thể, các tiểu thương, các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…

Trong 2 năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã hỗ trợ thành lập 3 hợp tác xã và hàng chục tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau do phụ nữ làm chủ. “Thời gian tới, bên cạnh kết nối để thành lập các tổ liên kết sản xuất mới, Tỉnh hội sẽ chú trọng về phương thức điều hành cho các tổ liên kết sẵn có để mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động. Đối với những tổ liên kết đã đủ mạnh, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm để phát triển thành hợp tác xã”, chị Loan khẳng định.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Động lực phát triển từ các “đại dự án”

Năm 2024, nhiều dự án (DA) trọng điểm dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh. Các DA này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Động lực phát triển từ các “đại dự án”
Return to top