Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn

17/09/2012 - 16:42

Liên kết để phát triển bền vững

TTH -


Mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng không còn xa lạ đối với nông dân nhiều địa phương. Hiệu quả từ mô hình này không ai phủ nhận, nhưng vẫn còn nhiều lo lắng.

Hiệu quả kinh tế

 

Cá lóc là loại cá nước ngọt, chất lượng thịt ngon, chi phí ban đầu không cao nên có thể nuôi rộng rãi. Được một số hộ nông dân ở Huế đưa vào nuôi khoảng năm 2006, này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

 

Chăm sóc đàn cá

 

Chúng tôi có dịp tham quan mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng của gia đình anh Lê Nguyễn Hòa, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền. Trước khi bén duyên với nghề nuôi cá anh làm thợ sửa xe máy. Sau khi tham quan mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng của hai người bạn ở Quảng Ngạn huyện Quảng Điền, anh ấp ủ ý định chuyển sang nghề nuôi cá. Ban đầu, anh nuôi thử nghiệm một hồ với số lượng 5.000 con, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên nguồn thu không cao. Sau đó, anh tìm hiểu thêm về kỹ thuật từ các mô hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, quyết định mở rộng diện tích nuôi. Hiện nay anh đã xây dựng được 5 bể nuôi cá lóc với nhiều lứa khác nhau cho thu nhập quanh năm.

 

Anh Hòa tâm sự: “Cá lóc dễ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng rất dễ mắc bệnh. Vì vậy, cần chú ý đến kỹ thuật nuôi, nhất là vấn đề vệ sinh nguồn nước. Thường trước khi bắt tay vào xây dựng hệ thống bể nuôi, phải chú ý nhiều đến vấn đề xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh cho cá”. Tuy chỉ mới 4 năm nhưng bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Thu nhập hằng năm từ việc nuôi cá đạt 50 đến 60 triệu đồng.

 

Còn lắm gian nan

 

Do hầu hết các hộ đều phát triển mô hình tự phát nên gặp rất nhiều khó khăn trong phòng và chống bệnh cho cá. Anh Hoàng Mạnh Linh, một người nuôi cá lóc tại xã Điền Hải, huyện Phong Điền tâm sự: “Không hiểu vì sao những năm gần đây, cá lóc nuôi thường rất hay xảy ra dịch bệnh. Nhiều nhất là bệnh ghẻ, làm hao hụt sản lượng từ 30 đến 50 %, có lứa nuôi tỷ lệ hao hụt lên tới 70 đến 80%”. Vấn đề ở đây là những hộ dân này khi bắt tay vào nuôi vẫn chưa hiểu rõ về quy trình kỹ thuật, cũng như cách phòng chống dịch bệnh cho cá nên khi cá mắc bệnh tỏ ra khá lúng túng.

 

Cá lóc nuôi trong bể xi măng thường xuất hiện các loại bệnh do các loại kí sinh, như trùng bánh xe, sán lá đơn chủ, xuất huyết do nhiễm virus, đốm đỏ do vi khuẩn, bệnh do nhóm giáp xác gây ra. Thường gặp nhất với cá lóc nuôi là bệnh ghẻ, hay còn gọi là hội chứng lở loét; bệnh trắng da: đuôi cá xuất hiện vết trắng lan dần về phía đầu, cá mất nhớt, bong da vây; bệnh nấm thủy mi: trên da xuất hiện những vùng trắng xám, trên đó có sợi nấm nhỏ, mềm, tua tủa như bông gòn. Sau vài ngày sợi nấm phát triển đan chéo vào nhau thành túi trắng như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Một vấn đề nữa khiến cho những hộ nuôi cá “mất ngủ” là lo “đầu ra”. Hầu hết những hộ nuôi cá chỉ cung cấp cho các chợ tại địa phương, mà chưa vươn ra các thị trường rộng hơn. Đó là chưa kể khi các hộ nuôi cho thu hoạch đại trà dễ bị các tiểu thương ép giá. Anh Hòa cho biết: “Thường chúng tôi chỉ liên hệ bán cá cho các tiểu thương ở trong địa phương chứ chưa có điều kiện mở rộng thị trường. Có lẽ vì vậy, sau khi mở rộng quy mô diện tích nuôi thì cá xuất bán khá chậm. Những năm trước, cá lóc có giá trung bình từ 55 đến 60 ngàn/kg nhưng thời điểm gần đây chỉ bán với giá 40 đến 45 ngàn đồng/kg. Chưa kể số lượng cá bán hàng ngày rất ít chỉ từ vài chục kg đến 1 tạ cá, đã thế còn bị người mua ép giá”.

 

Ông Lê Nguyễn Sĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết: “Mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng là mô hình mới, mang lại thu nhập cao. Có thể áp dụng để nhân rộng cho các hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên 2 tháng nay, cá lóc rớt giá, chi phí thức ăn tăng, khiến các hộ nuôi gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo xã đã có kiến nghị với Phòng Công thương huyện Quảng Điền, đề nghị hỗ trợ những hộ có cá chết và thua lỗ nhưng vẫn chưa có trả lời”.

 

Nuôi cá lóc trong bể xi măng là mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo, tuy nhiên để mở rộng mô hình này cũng là một bài toán nan giải. Ở đây đặt ra vấn đề liên kết ba nhà: nhà nông - nhà khoa học - và nhà kinh doanh để mô hình này có thể phát triển theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Chia sẻ bài viết


ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP