ClockThứ Sáu, 22/07/2011 08:53

Liệu có “đầu voi đuôi chuột”?

TTH - UBND tỉnh vừa ký ban hành Kế hoạch Khôi phục và Phát triển nghề, lng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu năm 2011- 2012 với tổng mức đầu tư 14,75 tỷ đồng. Ba nghề, làng nghề được chọn đầu tư khôi phục, phát triển là mây tre đan Bao La, nón lá Mỹ Lam và gốm Phước Tích.

Theo hướng gắn việc bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống với đẩy mạnh sản xuất sản phẩm cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và dịch vụ du lịch; đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn... kế hoạch trên sẽ mở ra cơ hội mới cho các làng nghề truyền thống của tỉnh. Tuy nhiên, làm thế nào để kế hoạch trên không rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” là một thách thức không nhỏ.

Kế hoạch trên chỉ ra các nhiệm vụ chủ yếu, việc huy động nguồn lực, phân công về tổ chức thực hiện và các mục tiêu rất cụ thể. Theo đó, chỉ tiêu cơ bản trong 2 năm thực hiện gồm: đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 1.700 lao động làng nghề và 1.500 lao động sản xuất hàng xuất khẩu trong nông nghiệp nông thôn; có 2 làng nghề đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống; cải tiến và tạo ra 150 mẫu mã sản phẩm mới cho các nghề, làng nghề phù hợp nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng; xây dựng và đăng ký 1- 2 thương hiệu cho sản phẩm làng nghề; góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) năm 2011 đối với chương trình là 10 triệu USD, tăng 18%; năm 2012 dự kiến 13 triệu USD, tăng 30%..

Trước hết cần thấy rằng, đầu tư khôi phục, phát triển nghề, làng nghề nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu xuất khẩu và dịch vụ du lịch là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của tỉnh trước yêu cầu mới. Ngoài ra, kế hoạch nói trên còn đặt ra một cách cụ thể về các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và việc huy động nguồn lực cũng như phân công việc tổ chức thực hiện. Dù vậy, điều đáng băn khoăn nhất lại là tính khả thi của nó.
 
Thực tế những năm qua cho thấy, phường Đúc (Huế) là một làng nghề được quan tâm đầu tư khá bài bản cả về cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng tour du lịch làng nghề và đầu tư xây dựng cả một Trung tâm Trưng bày và giới thiệu sản phẩm đúc đồng trên một ví trí đẹp, diện tích 8.000m2, kinh phí gần 4,5 tỷ đồng; gồm Nhà truyền thống, 12 ki-ốt và các công trình phụ khác. Đây không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm đúc đồng; mà còn là một địa chỉ tham quan và mua sắm hàng lưu niệm của du khách. Thế nhưng, sau một thời gian dài đưa vào sử dụng, trung tâm này hoạt động khá rời rạc và bế tắc. Theo đó, tour du lịch làng nghề đúc đồng cũng hoạt động trong tình trạng èo uột.
 
Trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2009, TP Huế đã khẩn trương hoàn thành và đưa vào hoạt động Khu trưng bày sản phẩm nghề truyền thống tại 13 Lê Lợi (Huế). Trung tâm được xây dựng khá qui mô trên một “khu đất vàng” của Huế. Vậy nhưng, sau một thời gian để trống, trung tâm này đã được sử dụng cho mục đích khác. Năm 2009, kế hoạch khôi phục và phát triển một số nghề và làng nghề truyền thống và sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu năm 2009-2010 được phê duyệt. Theo đó, Khu trình diễn nghề truyền thống phục vụ du lịch dự kiến được xây dựng tại xã Thuỷ Bằng và Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu sẽ ra đời tại tại Lăng Cô... Vậy nhưng, những kế hoạch trên đều tỏ ra kém hiệu quả. 
 
Trở lại kế hoạch vừa được ký ban hành của tỉnh, một số đề án khu du lịch làng nghề được đầu tư xây dựng và phát triển gắn với dịch vụ và sản phẩm du lịch, vậy nhưng lại thiếu vắng sự tham gia của ngành du lịch, liệu có ổn? Theo chúng tôi, việc xây dựng các khu du lịch làng nghề trước hết phải xuất phát từ nhu cầu “làm tour” của ngành du lịch. Trên cơ sở đó, làng nghề được xây dựng gắn với một hoặc nhiều doanh nghiệp lữ hành và đáp ứng được nhu cầu của du khách mới hy vọng “sống” được. Việc xây dựng khu du lịch làng nghề theo ý thức chủ quan và thiếu “tiếng nói chung” của những nhà kinh doanh du lịch chuyên nghiệp sẽ khó tồn tại.
 
Tương tự, việc cải tiến và tạo ra mẫu mã mới cho sản phẩm làng nghề theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, phù hợp nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu nếu thiếu vắng sự “góp tay” của các nhà chuyên môn thuộc dạng “chất lượng cao” về thiết kế, kỹ thuật, thị trường... cũng sẽ rất khó bán được hàng. Cần thấy rằng, đây là vấn đề hóc búa nhất cũng là thử thách lớn nhất trên hành trình tồn tại và phát triển của các làng nghề trong toàn quốc từ trước đến nay.
 
Về thời gian, kế hoạch được thực hiện trong 2 năm 2011-2012. Trong khi đó, năm 2011 đã trôi qua hơn một nữa và khi các đề án, kế hoạch triển khai cho từng phần việc kịp soạn thảo thì năm 2011 đã hết. Chỉ còn năm 2012 cho một loạt công việc hoàn toàn không dễ là xây dựng du lịch làng nghề, cải tiến mẫu mã, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm thị trường xuất khẩu... Một năm để đào tạo nghề cho 3.200 lao động, cải tiến và tạo ra 150 mẫu mã sản phẩm mới cho các nghề, làng nghề phù hợp nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng và đăng ký 1-2 thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, tăng kim ngạch xuất khẩu lên 30%... quả là không dễ. Thường thì “dục túc bất đạt”, sự vội vàng sẽ tạo ra những “sản phẩm” kém chất lượng và rất khó có sức sống lâu bền.
 
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top