ClockThứ Ba, 27/08/2019 09:01

Linh

TTH - Cháu tên Linh. 17 tuổi cô ạ. Cô bé gần như chỉ trả lời theo kiểu hỏi gì đáp nấy. Vẻ ngại ngần của Linh làm tôi nghĩ, chắc mình sẽ không gợi được nhiều thông tin như lần trước, khi ghé thăm Tràng An. Chỉ khác là Linh trông khỏe khoắn và xốc vác hơn Thoa nhiều khi chống thuyền một cách mạnh mẽ và dứt khoát vào bến Vũng Trắm để đón khách. Lúc đó tôi cũng không biết, cô bé chèo chuyền đưa mình đi thăm Tam Cốc (Ninh Bình) chỉ bằng tuổi bé út ở nhà.

Lúc ấy, Tam Cốc đã qua mùa lúa, nên dòng Ngô Đồng không còn đẹp mê hồn với màu rực vàng của mùa vụ như trên các bức ảnh mà tôi đã xem nữa. Nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn nghĩ chẳng có gì để phải hối tiếc khi đến nơi này, trong một tour ngắn ngày không đến nỗi phải quá chừng vội vã. Những chiếc thuyền bằng i-nốc lướt sóng nhẹ thênh giữa dòng, đôi bên là sen lẫn vào những chân rạ cũ. Lá sen ở đây trông cũng mỏng mảnh chứ không to và dày như sen ở Tràm Chim (Đồng Tháp), cho dù cũng đã cuối vụ. Vài ba chú chim lẻ loi đáp xuống kiếm mồi trên mặt nước. Tiếng ríu rít của đám trẻ con thuyền bên và những cái nhoài người để chụp các kiểu ảnh của khách Tây trên các con thuyền đã làm cho không gian trở nên sóng sánh. Hang Cả có lẽ là dài nhất và tôi cứ có cảm giác ngờm ngợp sợ đá va vào đầu mình vì chúng quá thấp, nhưng cách mà Linh mủm mỉm bảo không sao cũng cho thấy, cô bé rất tự tin để lái con thuyền của mình đi trên một vùng tối. Cũng có thể, Linh đã có cả thời thơ ấu ở đây nên khi tham gia vào đội thuyền đông cả trên 1.000 chiếc ở xã Ninh Hải này, cô bé chỉ cần “chèo vài ba ngày là được ạ”. Thế nên khi qua hang Hai và hang Ba, tôi không còn thấy sợ nữa. Phần vì hai hang em út này cũng không dài như hang Cả.

Câu chuyện không mấy nhiều trên chiếc thuyền nhỏ với vài ba khách cũng đủ để tôi biết thêm một chút về cô bé 17 tuổi. Chiếc thuyền này là gia tài bố mẹ giao lại cho con gái. Chưa đến năm học mới nên cứ 3 ngày một lần, Linh lại ra bến thuyền đón khách (ở đây mỗi gia đình chỉ được có 1 thuyền và vì quá đông nên vòng quay là 3 ngày một chuyến. Mùa vắng khách thì vòng quay có khi còn dài hơn). 150.000 đồng là thù lao cả chuyến đi lẫn chuyến về. Hôm nào được khách bồi dưỡng thêm tý chút thì vui cô ạ - Linh nói – dù không thường xuyên”. Tính ra mỗi tháng, nhà Linh cũng có thêm khoảng 1,5 triệu từ nghề này. “Nên ba mẹ cháu cũng phải kiếm thêm các công việc khác. Cháu lớn rồi, nên ra đây chèo thuyền thay ba mẹ. Nhà có thêm em, và năm học mới cũng sắp đến với bao nhiêu thứ phải lo mà”…

Nghĩ đến cảnh con nhà mình giờ này đang trong giờ học kèm tiếng Anh ở nhà, tôi xa xót hỏi Linh có tranh thủ học thêm tiếng Anh để nói chuyện với khách Tây không, cô bé bảo cháu chỉ biết chút ít thôi vì nhà cũng có lắm việc để phụ giúp bố mẹ quá. Với lại khách Tây nói cứ nhanh nhanh là…

Không ngoái lại để cô bé khỏi ngượng nghịu như tôi đã làm lúc xuống thuyền được một lát, tôi giơ điện thoại như kiểu tự sướng. Phía sau là màu bánh mật trên gương mặt hiền hậu, thật thà của cô bé sau vành nón, sau cả chiếc ô cũ che thêm để khỏi nắng. Đôi chân của Linh vẫn nhịp nhàng trên mái chèo. Hình như cô bé biết, nên khẽ cười và bảo “thế nào cháu cũng để dành để lúc nào đó đi Huế một chuyến, vì người ta bảo ở đấy đẹp lắm, phải không cô…”?

An Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
“Nét Huế” ở đất Tràng An

Từ lâu, Huế đã được mệnh danh là “Kinh đô ẩm thực” của Việt Nam. Trong số các món ngon của Huế, bún bò Huế là món “phủ sóng” ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Chỉ riêng Hà Nội có cả trăm hàng kinh doanh món ăn này. Nhưng để tạo được sự thanh tao “nét Huế” cho món ăn cũng như không gian thưởng thức “rất Huế”, thì không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi.

“Nét Huế” ở đất Tràng An
“Gặp” Tràng An ở xứ Thanh

Chuyến công tác cuối năm đến Thanh Hóa, chúng tôi may mắn có dịp được ghé thăm khu danh thắng Kim Sơn. May mắn vì bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi được đặt chân đến địa danh này, và cảm thấy bất ngờ như bắt gặp một Tràng An thu nhỏ giữa xứ sở Lam Kinh.

“Gặp” Tràng An ở xứ Thanh
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh
Sống chung với mưa lũ

Ngày 16/11, nước còn ngập ở nhiều vùng. Người dân vẫn tìm cách thích nghi trong mưa lũ bởi với họ, vẫn phải sinh hoạt, mưu sinh. Dù khó khăn song trong hoạn nạn, ở đâu đó, sự sẻ chia là món quà sưởi ấm lòng người lúc này. ​

Sống chung với mưa lũ
Return to top