ClockThứ Năm, 21/10/2021 10:27

Lo cây xanh gãy đổ gây tai nạn mùa mưa bão

TTH - Một lần nữa, cây xanh gãy đổ đã gây chấn thương nặng cho người đi đường, người này sau đó đã không qua khỏi dù đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sự việc càng khiến người dân lo lắng khi “cái chết trên trời rơi xuống” không phải lần đầu tiên xảy ra và vấn đề đặt ra đó là làm gì để tránh những rủi ro rập rình cũng như trách nhiệm của những cơ quan liên quan.

Tăng cường quản lý về cây xanh đô thị trong mùa mưa bãoHạn chế rủi ro do cây xanh gãy đổLo cây xanh gãy đổ

Công nhân Trung tâm Công viên cây xanh Huế cắt tỉa cây xanh trên đường Ngô Quyền, TP. Huế để hạn chế rủi ro, nguy hiểm vào mùa mưa bão 2021

Nơm nớp lo sợ

Cây xanh gãy đổ là câu chuyện không còn quá xa lạ vào những mùa mưa bão, nhất là vùng bị ảnh hưởng trực tiếp như đô thị Huế. Vấn đề là số lượng cây xanh gãy đổ ít hay nhiều và những giải pháp mà cơ quan liên quan phải làm để ngăn chặn, hạn chế gây thiệt hại, tai nạn cho người đi đường. Dù đã cắt tỉa, giằng chống, nhưng thi thoảng vẫn có tình trạng cây xanh gãy đổ đè lên người đi đường.

Vụ tai nạn liên quan đến cây xanh gãy đổ đè lên một người đàn ông đi xe máy đang lưu thông trên đường Lê Duẩn, TP. Huế vào sáng 17/10 thêm một lần nữa khiến nhiều người giật mình lo sợ. Thời điểm cây xanh gãy đổ xảy ra vào khoảng 6h sáng, lúc đó có mưa to gió lớn và được xem là trận mưa lớn nhất xuất hiện đầu mùa mưa bão năm nay. Dù được người đi đường phát hiện, đưa đi cấp cứu ở bệnh viện nhưng người đàn ông gặp nạn đã không qua khỏi.

Theo một cán bộ Trung tâm Công viên cây xanh Huế, nam thanh niên không may gặp nạn quê ở thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang. Cây xanh gãy đổ do bật gốc, có đường kính khoảng 40cm trước đó đã được đơn vị cắt tỉa để phòng ngừa mưa bão.

Theo vị cán bộ này, đường Lê Duẩn và nhiều tuyến đường trung tâm khác có lượng phương tiện và người dân qua lại thường xuyên, mật độ dày nên luôn nằm trong kế hoạch ưu tiên cắt tỉa. “Tuy nhiên đây là chuyện không may. UBND TP. Huế và đơn vị đã thăm viếng và hỗ trợ để gia đình lo hậu sự”, vị này cho hay. Cũng vào thời điểm này hơn một năm về trước, một vụ tai nạn liên quan đến cây xanh gãy đổ do mưa bão cũng đã xảy ra trên đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế khiến một người đi đường tử vong.

Nhiều nhà dân có cây xanh đường kính lớn trồng trước nhà hoặc người đi đường khi chạy dưới những hàng cây khi gặp mưa lớn cho biết luôn trong tâm trạng âu lo, ám ảnh. Trận bão số 5 vào năm 2020 đã làm gia đình anh N. H. H. (sống trên đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế) một phen “hú vía”. Anh H. cho hay, một gốc cây đa cổ thụ, thường ngày là nơi che mưa, che nắng và là điểm mưu sinh của nhiều người, nhưng đến khi gặp bão các cành lớn trên cao bị gió quật, bay “vèo vèo” trên không trung. Nhà anh và nhiều ngôi nhà cạnh đó bị các cành cây đánh mạnh, hư hỏng trần mái. “Rất may thời điểm đó không có ai ra đường, chứ nếu sẽ chẳng biết có chuyện gì xảy ra”, anh H. lạnh người nhớ lại.

Nhiều trường hợp bất khả kháng

Thực tế, dù việc cắt tỉa, giằng chống cây xanh trên toàn thành phố đã được Trung tâm Công viên cây xanh Huế thực hiện rốt ráo, trước thời điểm mùa mưa bão nhưng những rủi ro do sự cố thiên tai là điều không thể tránh khỏi và khó lường trước được. Bên cạnh những “lệnh” hạn chế khi ra đường vào thời điểm mưa to gió lớn, người dân cũng phần nào ý thức được nguy hiểm sự nguy hiểm “trên trời rơi xuống” do cây xanh đường phố gây ra.

Anh Trần Vũ (TP. Huế) kể, không riêng gì trời mưa bão, ngay cả những ngày nắng anh rất để ý chuyện trên những tuyến đường có lượng cây xanh dày đặc, đặc biệt là đường có nhiều cây cổ thụ. Cây xanh cho bóng mát, nhưng cũng vô tình là hiểm họa. Bên cạnh việc cắt tỉa, giằng chống của cơ quan chuyên môn, thì rủi ro là điều không ai nói trước được. “Nếu có dừng trên đường, tôi cũng tránh các cây xanh lớn. Và gần như khi chạy ngang qua các cây cổ thụ, tôi cũng thường quan sát, chú ý từ xa”, anh Vũ nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do sự cố cây cối gây ra. Nhưng không phải sự cố nào người bị thiệt hại cũng được bồi thường.

Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ, sẽ không phải bồi thường thiệt hại vì sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Sự kiện bất khả kháng được xác định là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục. Nếu đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa, mé cành, giằng chống... nhưng vì dông gió, sét đánh khiến cây vẫn đổ gãy gây thiệt hại thì được xem là yếu tố bất khả kháng.

Chủ tịch UBND tỉnh có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khắc phục tình trạng cây xanh gãy, đổ gây mất an toàn, nguy hiểm cho tính mạng con người, tài sản của nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão 2021.

Trong đó, cơ quan chuyên môn, đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị tiến hành kiểm tra, rà soát chất lượng cây xanh đô thị, cây bóng mát (nhất là cây cổ thụ, cây lớn, cây bị bệnh…) trong khuôn viên các trường học, công viên, công trình công cộng, trụ sở cơ quan và cây xanh đường phố có nguy cơ gây mất an toàn để có biện pháp xử lý, cắt tỉa.

Thực hiện quy trình cắt tỉa cành, chặt hạ, dịch chuyển cây theo đúng quy định, tránh tình trạng chặt hạ cây tùy tiện. Tập trung rà soát hệ thống cây xanh trong trường học, cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn để có phương án đảm bảo an toàn phù hợp; xây dựng phương án ứng phó đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị (bao gồm cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng) trên địa bàn, hạn chế tối đa tình trạng cây gãy, đổ mất an toàn.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
''Trồng một tỷ cây xanh' trên hành trình 'về đích''

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã và đang quyết tâm đưa Đề án "Trồng một tỷ cây xanh" (Đề án) của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025 "về đích" đúng hẹn.

Trồng một tỷ cây xanh trên hành trình về đích
Khắc phục, xử lý môi trường sau lũ

Sáng 16/11, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đi kiểm tra công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ tại các trường học, chợ Đông Ba và khu vực dân cư trên địa bàn thành phố Huế.

Khắc phục, xử lý môi trường sau lũ

TIN MỚI

Return to top