ClockThứ Năm, 09/11/2017 07:01

Lo cho bệnh nhân vùng lũ

TTH.VN - Mưa lũ những ngày qua làm cho nhiều địa bàn ngập sâu và bị chia cắt, nhưng công tác y tế, khám chữa bệnh (KCB) luôn được các y, bác sĩ đặt lên hàng đầu.

Một ca mổ đẻ cho sản phụ tại TTYT huyện Phú Vang ngày 6/11

An toàn bệnh nhân trên hết

Chiều 7/11, bác sĩ  Nguyễn Thị Thêm, Trạm trưởng Y tế Vinh Thái (huyện Phú Vang) cho biết, toàn xã có 8 thôn thì có 4 thôn bị ngập trong nước. Trạm chỉ có 6 cán bộ chia trực tại các thôn ngập nước; đồng thời huy động thêm cán bộ y tế thôn cấp phát thuốc cho người huyết áp cao, đau bụng…

Bác sĩ Thêm thông tin thêm, trước khi vào mùa mưa bão, trạm chuẩn bị vật tư, thuốc men, lương thực để sẵn sàng “trực chiến” trong điều kiện bão lũ. Khi mưa lớn trên diện rộng vào 5/11, dù địa bàn bị chia cắt nhưng cán bộ y tế trạm nhanh chóng đưa hai sản phụ dự kiến sinh ngày 6/11 lên TTYT huyện chờ sinh. Hiện cả 2 sản phụ đã sinh mẹ tròn con vuông.

Bác sĩ CK II Trương Như Sơn, Giám đốc TTYT Phú Vang cho hay, đến chiều  ngày 7/11, trên địa bàn có  7 trạm y tế và 1 phòng khám đa khoa ngập lũ. Để đáp ứng nhu cầu KCB của người dân trong điều kiện bão lũ,  TTYT huyện tổ chức thường trực chuyên môn tại các tuyến, hỗ trợ cấp cứu tuyến trước, đảm bảo công tác tiếp nhận và xử lý các trường hợp sơ cấp cứu tai nạn, bệnh tật… Bố trí các tổ hỗ trợ cấp cứu ngoại sản giải quyết các cấp cứu,  như mổ lấy thai, mổ ruột thừa viêm, các trường hợp chấn thương... Tổ chức vận động, đưa sản phụ dự kiến sinh trong mùa mưa bão tại các xã có nguy cơ bị chia cắt đến tại Khoa CSSKSS  để theo dõi.

Trung chuyển bệnh nhân từ vùng lũ lên TTYT Phú Vang  điều trị

Từ ngày 5-7/11, 3 ê kíp cấp cứu của TTYT huyện luôn thường trực để sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân vận chuyển từ cơ sở lên. Riêng từ 19h ngày 6 đến 3h ngày 7/11, các bác sĩ đã mổ 11 trường hợp, trong đó có 5 ca mổ ruột thừa, 6 ca sản phụ sinh con... TTYT  huyện đã phối hợp giữa cơ sở cứu hộ trên địa bàn với cơ sở y tế đón cấp cứu bệnh nhân bằng ca nô ở vùng lũ đến cấp cứu. Trong  thời gian trên, TTYT huyện  khám điều trị cho 350 lượt bệnh nhân và 168 bệnh nhân điều trị nội trú.

"Trực chiến" trong mưa lụt

Ngày 8/11, bác sĩ CK II Lê Đức Thịnh, Phó  Giám đốc TTYT Hương Trà cho biết, do nước dâng, TTYT chia cắt bên ngoài, nhiều khoa phòng ngập nước từ 0,5 đến 1m. Chiều 5/11, Ban lãnh đạo TTYT điều lệnh cán bộ nhân viên hướng dẫn, giúp đỡ chuyển 69 bệnh nhân và hơn 30 người nhà kịp thời đến các khoa lâm sàng an toàn, phân công cán bộ trực khám, điều trị chu đáo; đồng thời xuất số lương thực dự trữ, thuê người nấu hỗ trợ hơn 120 suất cơm miễn phí cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

 Cán bộ TTYT Hương Trà ứng trực phải ăn cơm khi nước dâng cao vào chiều 5/11

Bác sĩ Thịnh thông tin thêm, ngoài TTYT thị xã, tại các trạm y tế trên địa bàn, đội ngũ cán bộ thay phiên trực 24/24h để sẵn sàng phục vụ nhu cầu khám, phát thuốc, điều trị cho người dân. Hầu hết các trạm chuẩn bị tốt trang thiết bị, hậu cần, thực phẩm khi nước lên cao ở lại trạm “trực chiến”.

Theo số liệu từ văn phòng Sở Y tế, đến chiều 7/11 một số khoa phòng của các TTYT như Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc… và 27 trạm y tế còn ngập nước; trong đó có 4 trạm ngập từ 0,8- 1m; một số trung tâm y tế bị thấm dột, một số máy hấp sấy dụng cụ y tế bị hư hỏng do ngập nước... đến thời điểm này chưa thẩm định giá trị thiệt hại cụ thể.

 Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường thăm tặng quà bệnh nhân tại TTYT Phú Vang chiều 7/11

TS Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước khi mưa lũ diễn ra từ ngày 4/11 ngành y tế đã chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị, phòng chống lụt bão theo phương châm “5 tại chỗ”;  ứng trực 24/24 nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của Nhân dân, đặc biệt trường hợp cấp cứu, sản phụ, người già, trẻ em,... Riêng trường hợp các sản phụ sắp sinh, Sở yêu cầu trong những ngày mưa bão, Trung tâm CSSKSS tỉnh  tổng hợp số liệu hàng ngày các bà mẹ mang thai sắp sinh nhằm chủ động đến cơ sở y tế chờ sinh nở an toàn. Sở Y tế còn xây dựng các phương án về phòng chống dịch tổ chức cung ứng vật tư tiêu hao thuốc men, hóa chất, phao cứu sinh… khi nước rút đến đâu vệ sinh phòng dịch đến đó.

 Chiều 7/11, Đoàn công tác Bộ Y tế do TS Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế dẫn đầu đã thăm, kiểm tra tình hình phòng chống mưa lũ tại huyện Phú Vang. TS Nguyễn Xuân Trường đánh giá cao việc chủ động phòng chống mưa bão và KCB ngành y tế Thừa Thiên Huế; đặc biệt TTYT Phú Vang rất chủ động trong bố trí cán bộ trực 24/24h, cử cán bộ về tạm trú tại các thôn bị chia cắt, cấp cứu điều trị kịp thời những trường hợp bệnh nặng, sinh đẻ trong thời gian mưa lũ diễn ra...TS Nguyễn Xuân Trường sẽ đề xuất Bộ Y tế sớm hỗ trợ cấp cloramin B, thuốc men, trang thiết bị cần thiết trong công tác phòng chống lụt bão cho ngành y tế Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lo cho cây lúa trên đồng

Dịch hại, sâu bệnh trên lúa gần như trở thành quy luật tất yếu, thách thức lớn đối với người nông dân suốt cả vụ mùa.

Lo cho cây lúa trên đồng
Return to top