ClockThứ Hai, 17/10/2016 10:02

Lo cho thương hiệu Việt thời hội nhập

Làn sóng mua bán - sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp (DN) ngoại với DN trong nước diễn ra rất mạnh mẽ trong những năm gần đây. Cùng với quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước đang được đẩy nhanh, nhiều người lo lắng các thương hiệu Việt vốn đã không mạnh, sẽ rất khó khăn để trụ lại trong “cơn bão” hội nhập và làn sóng thâu tóm từ nước ngoài.

DN ngoại ồ ạt thâu tóm

Hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam trong các lĩnh vực từ vật liệu xây dựng đến thực phẩm, đồ uống… đang rơi vào tay các ông chủ nước ngoài. Trong đó, Thái Lan là nước đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Cuối tháng 12/2015, Công ty CP Tập đoàn Masan đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Singha Asia Holding Pte Ltd của Thái Lan. Theo đó, DN Thái bỏ ra 1,1 tỷ USD để sở hữu 25% cổ phần của Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần của Masan Brewery. Ngay trong tháng 1/2016, DN Thái Lan này đã giải ngân đợt góp vốn đầu tiên để sở hữu 33,3% cổ phần của Masan Brewery. Cần lưu ý Masan là DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng gia vị, nước tương, cà phê, đồ uống.

Thương hiệu bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON mua lại 49% cổ phần của Citimart đổi tên thành AEON Citimart

Trước đó, vào cuối năm 2012, Tập đoàn Xi măng Siam của Thái Lan đã bỏ ra 7,2 tỷ baht (tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng) để nắm giữ 85% quyền sở hữu thương hiệu gạch Prime của Việt Nam. Ngay sau thương vụ, DN Thái này trở thành công ty gạch ceramic lớn nhất thế giới với sản lượng tới hơn 220 triệu m2/năm.

Tập đoàn của Thái Lan còn nắm giữ hàng chục phần trăm cổ phần tại 2 DN nhựa lớn nhất Việt Nam là Tiền Phong và Bình Minh. Khoản đầu tư vào các DN nhựa này được thực hiện bắt đầu từ năm 2012 bởi một công ty chuyên sản xuất ống nhựa PVC tại Thái Lan.

Trong lĩnh vực bán lẻ, cú thâu tóm 49% cổ phần điện máy Nguyễn Kim của đại gia Thái Central Group hồi đầu năm 2015 hay Tập đoàn bán lẻ Thái Lan BJC thâu tóm Phú Thái Group cho thấy nỗ lực thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam của các tỷ phú Thái Lan.

Thương hiệu gạch ốp lát hàng đầu Việt Nam Prime đã rơi vào tay một tập đoàn Thái Lan.

Không chỉ Thái Lan mà các DN Nhật Bản, Hàn Quốc cũng hòa vào làn sóng M&A tại Việt Nam. Có thể kể đến như Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản AEON mua lại các chuỗi siêu thị Fivimart và Citimart; Lotte của Hàn Quốc mua cổ phiếu của Bibica; hay gần đây, Xúc xích Đức Việt được bán lại cho Tập đoàn Daesang (Hàn Quốc) với giá 700 tỷ đồng.

Trên phương diện tích cực, làn sóng mua bán sáp nhập cho thấy Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài xem là một thị trường bán lẻ hấp dẫn. Với các DN, việc mua bán thương hiệu với các đối tác nước ngoài có thể giúp hiện thực hóa các chiến lược kinh doanh: thông qua tận dụng thế mạnh tài chính và thương hiệu của DN nước ngoài. Ví dụ, lãnh đạo Công ty Diana, từng khẳng định, việc Unicharm (Nhật Bản) trở thành cổ đông nắm cổ phần chi phối sẽ giúp Diana cải tiến về công nghệ, phát triển sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu thông qua mạng lưới rộng khắp toàn cầu của Unicharm. Về thương vụ tay ba Jollibee, Highlands Coffee và Phở 24, nếu Jollibee dự định sẽ khai thác thương hiệu Phở 24 cho toàn chuỗi bán lẻ của họ ở thị trường các nước sẽ là điều kiện để giúp thương hiệu Phở 24 khai thác thị trường thế giới.

Nguy cơ chi phối thị trường

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương hiệu, mua bán, sáp nhập là quy luật tất yếu của các thị trường mới nổi. Những nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... cũng từng trải qua giai đoạn tương tự như Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế mở cửa, sản xuất, kinh doanh đình trệ, các DN Việt Nam rất khó bảo vệ thương hiệu.

Hầu hết các thương hiệu lớn của Việt Nam như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Masan… đều đang giữ vai trò đầu tàu, trong các lĩnh vực hoạt động của mình. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, mua bán sáp nhập, đổi chủ có một vấn đề đáng báo động là: Các tỷ phú nước ngoài không chỉ thâu tóm một vài DN đầu ngành mà có thể thâu tóm tiến tới khống chế cả một thị trường, chi phối cả hệ thống phân phối như trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng, bánh kẹo và có thể là bia, sữa trong thời gian tới. Trường hợp của kem đánh răng Dạ Lan là 1 ví dụ. Trong khoảng thời gian từ 1990-1995, kem đánh răng Dạ Lan chiếm tới 30% thị phần kem đánh răng cả nước. Tuy nhiên, ông chủ thương hiệu này đã bán Dạ Lan cho tập đoàn Colgate Mỹ với giá 3 triệu USD. Sau khi mua lại Dạ Lan, Colgate không phải để phát triển thương hiệu này mà thực hiện chiến lược là “xóa sổ thương hiệu cạnh tranh” để tập trung cho phát triển thương hiệu của riêng mình. Đến nay Colgate đã trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường hóa mỹ phẩm Việt Nam.

Việc các thương hiệu Việt bị thâu tóm cũng cho thấy thực tế, ngoài việc khó khăn kinh tế, các DN Việt Nam thường bị hạn chế trong cách giữ và phát triển thương hiệu. Nhận thức của các DN về sở hữu và điều hành còn kém, thường áp dụng cùng một cách quản lý trong cách làm kinh doanh và thay đổi phương pháp quản lý rất chậm, trong khi tốc độ kinh tế lại phát triển quá nhanh nên dẫn tới bị suy yếu. Điểm yếu của DN Việt Nam là quá ít kinh nghiệm, chuyên môn để tổ chức một hệ thống quản lý nhượng quyền chặt chẽ và có khoa học để chinh phục thị trường nội địa và vươn ra thế giới.

Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nếu các DN Việt có chiến lược đúng đắn để nâng cao sức cạnh tranh thì vẫn có thể giữ được thương hiệu. Saigon Co.op là DN Việt quyết tâm giữ thương hiệu thuần Việt của mình. Hệ thống siêu thị Co.opmart được DN này bảo vệ một cách tuyệt đối, không liên doanh liên kết, không mua bán sáp nhập. DN này nhiều năm liền lọt Top các DN bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với thế mạnh sẵn có, Saigon Co.op còn cạnh tranh trong việc mua chuỗi siêu thị Big C, tuy nhiên rất tiếc cuối cùng đã thua đại gia đến từ Thái Lan.

Cũng giống như Saigon Co.op, đại diện của Hapro cũng từ chối việc liên doanh khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm 51% vốn và chuyển đổi sang thương hiệu nước ngoài. Đại diện DN này từng chia sẻ: “Không muốn ngày hôm sau, mở mắt ra, Hapro đã biến thành một thương hiệu nước ngoài”.

Tuy nhiên, sự cầm cự của Hapro đang rất mong manh trước sự cạnh tranh của các chuỗi bán lẻ ngoại. Mặc dù là DN đạt Thương hiệu Quốc gia song bóng dáng của Hapro trên thị trường ngày càng lu mờ, trước sự bành trướng của các đại gia bán lẻ ngoại. Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng giám đốc Hapro cho rằng, ngành bán lẻ trong nước phải đối mặt với các nhà bán lẻ nước ngoài về nhân sự và nguồn tài chính, trong khi đó thương hiệu của họ rất mạnh. Do đó để phát triển bền vững thì mỗi DN cần nghiên cứu và định hướng riêng cho DN mình. “Hapro đang quy hoạch lại hệ thống cửa hàng để phân bổ trong khả năng của mình và tìm ra sự khác biệt so với DN nước ngoài”, bà Thanh cho hay.

Khi thương hiệu rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài thì đó sẽ là một bất lợi lớn cho các DN nhỏ trong nước. Với các DN phân phối như Saigon Coop, Hapro, việc DN thâu tóm hệ thống phân phối có thể tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước. Do đó, cùng với nỗ lực của DN, các chính sách nhà nước cũng cần tăng cường theo hướng hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh, hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh để ngăn ngừa tình trạng DN nước ngoài chi phối, cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:

Nhà nước đã có chương trình Thương hiệu quốc gia để bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp DN Việt Nam có chỗ đứng vững vàng trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới. Tuy nhiên, các DN cũng phải nỗ lực tự hoàn thiện mình, không thể trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.

Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn ra khỏi các DN nhà nước cũng có hai mặt. Chúng ta thoái vốn tức là bán hết cổ phần của nhà nước thì đương nhiên quyền quyết định thương hiệu, phát triển thương hiệu, phát triển kinh doanh phụ thuộc vào chủ sở hữu mới. Mặc dù Chính phủ Việt Nam rất mong muốn phát triển, hỗ trợ DN giữ thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu đại diện quốc gia nhưng phải dựa trên các quy định pháp luật hiện hành.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại:

Hiện không còn dư địa để hỗ trợ, nếu DN không cạnh tranh thì phá sản. Không nên quá ưu ái bởi một số DN nội được ưu ái, sau đó lại bán cổ phần cho DN nước ngoài. Về phía Nhà nước cần tạo ra môi trường bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài về: đất đai, vốn… DN hãy làm ăn thực tế thì mới cạnh tranh được chứ đừng mong bảo hộ. Thực tế đã có những thương hiệu Việt đủ mạnh, không sợ bị thâu tóm mà ngược lại còn đi thâu tóm các thương hiệu khác như trường hợp của Vinmart.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB):
Hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương “xếp hạng gần” với EU

Trong một thế giới mà các khoảng cách ngày càng thu hẹp, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng cho sức mạnh của hội nhập kinh tế và xã hội. Hội nhập kinh tế ở khu vực này "hiện đang được xếp hạng gần" với Liên minh châu Âu (EU) về chuỗi giá trị khu vực và hội nhập xã hội, theo một báo cáo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 26/2.

Hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương “xếp hạng gần” với EU
Tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế tự chủ, hội nhập

Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới.

Tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế tự chủ, hội nhập
Giáo dục giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập

Đó là chủ đề của Hội thảo quốc tế văn hóa và giáo dục lần thứ 4 năm 2023 (ICCE 2023) vừa khai mạc sáng 24/11 tại Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học Việt Nam và thế giới.

Giáo dục giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập
Khai giảng Lớp cập nhật kiến thức và nghiệp vụ đối ngoại

Ngày 3/10, UBND tỉnh phối hợp với Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao tổ chức khai giảng Lớp cập nhật kiến thức và nghiệp vụ đối ngoại dành cho công chức, viên chức phụ trách công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tham dự có ông Nguyễn Đồng Trung, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; về phía tỉnh có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Khai giảng Lớp cập nhật kiến thức và nghiệp vụ đối ngoại

TIN MỚI

Return to top