ClockThứ Tư, 01/09/2021 06:30

Lo chuyện học cho trẻ trở về từ tâm dịch

TTH - Cuống cuồng theo bố mẹ về quê tránh dịch, nhiều học sinh đón năm học mới tại quê nhà. Dẫu là học tạm hay lâu dài thì đường đến trường của các em vẫn còn gian khó khi bố mẹ chưa có việc làm, phải ăn nhờ, ở tạm…

Học sinh theo bố mẹ về quê tránh dịch sẽ được tạo điều kiện nhập học

Cuộc trở về bất đắc dĩ

Tôi đã gặp vợ chồng anh Đỗ Văn Nhân và Nguyễn Thị Ý ở Vinh Thanh – Phú Vang. Anh Nhân và chị Ý đã nhiều năm mưu sinh ở Bình Dương. Nguyễn Thị Ý kể: “Hai vợ chồng đều đi may ở xí nghiệp, nhưng 3 tháng liền không có việc làm. Khi dịch bùng phát, tôi vay mượn được 3 triệu đồng bắt xe đưa con về quê. Lúc đó, chỉ nghĩ đến chuyện ra được ra quê là mừng lắm rồi nên đồ đạc của con đều để lại hết…”.

Hỏi chuyện về nhà rồi sẽ làm gì, ở đâu, lấy gì nuôi con ăn học… Ý lắc đầu bảo: Bọn em làm chi có nhà, chừ ra đây chỉ biết cậy nhờ nhà ngoại. Xin được cho con đi học đã mừng, nhưng chừ không biết lấy mô ra tiền để mua sách vở, áo quần cho con nhập học. Hai vợ chồng cũng chạy đôn, chạy đáo nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Tôi nhìn ra sân và ái ngại cho Ý. Mẹ cô năm nay ngoài 70 tuổi, đang bó từng bó cải để đem bán ở chợ chiều. Hai ông bà già với nguồn thu nhập ít ỏi dựa vào rau màu, giờ lại nuôi thêm 4 miệng ăn nên việc lo chuyện học hành cho cháu ngoại quả không phải dễ dàng.

Hành trình thiên lý của vợ chồng Ý đã và đang là câu chuyện của cả ngàn người hồi hương trong những ngày qua. Khá nhiều lao động ở Thừa Thiên Huế vào các tỉnh phía nam đều là lao động tự do. Sau bao năm, họ về quê với hai bàn tay trắng. Giải pháp tình thế của nhiều phụ huynh trong lúc này là tiếp tục cho con học ở trường cũ bằng hình thức học online.

Anh Trần Văn Quyết (Phú Lộc) có hai con, một cháu học lớp 3, một cháu học lớp 7 cho biết: “Tôi tiếp tục cho con học online các trường ở Bình Dương, sẽ đỡ nhiều khoản chi phí. Còn vào lại hay không thì đợi hết dịch. Cái khó là hai đứa con phải dùng điện thoại thông minh để học online mà tôi lại đang dùng điện thoại “cục gạch” nên đành phải mượn máy tính của người thân cho con học", anh Quyết buồn rầu kể.

Không câu nệ thủ tục nhập học

Theo thống kê ban đầu, Thừa Thiên Huế có trên 1.500 em, trong đó có đến 1.300 em dưới 8 tuổi theo bố mẹ về quê tránh dịch và một số em về thăm ông bà chưa vào lại được. Tuy nhiên, con số ở các địa phương đang biến động, nhiều em vẫn chưa hoàn thành cách ly cùng gia đình. Đa số là trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo nên phần lớn thời điểm này các em ở nhà cùng bố mẹ, ông bà. Còn học sinh từ lớp 1 trở lên, nhiều phụ huynh đã đăng ký trường tại nơi cư trú cho con nhập học. Ngoài ra, học sinh trung học cơ sở thường không chuyển trường về quê, chủ yếu các em học hình thức online theo lịch học của trường cũ.

Quan điểm của ngành giáo dục là tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh được nhập học đúng thời điểm, đúng chương trình năm học. Ngành giáo dục cũng đã tính đến 2 tình huống: Nhóm học sinh về Thừa Thiên Huế với mục đích tránh dịch, không xác định ở lại lâu dài, phụ huynh chỉ cần có đơn nêu rõ tên, lớp, từ tỉnh nào về, hiện ở đâu và mong muốn theo học trường nào thì được bố trí vào học luôn, chứ không cần thủ tục giấy tờ phức tạp. Khi vào năm học ổn định, Sở GD-ĐT sẽ tập hợp danh sách và gửi tới từng địa phương mà các em theo học trước đó để báo cáo cho các nhà trường, đảm bảo các em sẽ được chuyển tiếp, nối tiếp chương trình học khi quay trở lại trường cũ.

Còn  những trường hợp về và muốn ở lại học luôn, ngành giáo dục sẽ bố trí trường học và thống kê danh sách để báo các trường mà các em từng theo học để chuyển các loại giấy tờ thủ tục, học bạ về cho các em. Như vậy, phụ huynh cũng không cần phải đến lại các địa phương từng cư trú trước đó để xin lại giấy tờ, hồ sơ, học bạ; nhằm hạn chế tốn kém cho các gia đình vừa đảm bảo không khiến tình hình dịch có thể trở nên phức tạp hơn. Cũng theo lãnh đạo ngành giáo dục, số lượng học sinh trải đều ở các địa phương nên sẽ không tạo sức ép cho các trường về sĩ số lớp học.

Ông Võ Văn Thịnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang cho hay: “Toàn huyện có 240 em theo bố mẹ về quê tránh dịch, trong đó, chủ yếu là trẻ mầm non, còn học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở có 16 em. Thời điểm này, chúng tôi không câu nệ vấn đề thủ tục nhập học, các trường thực hiện trên tinh thần chia sẻ khó khăn nếu phụ huynh có nhu cầu. Nếu các trường có điều kiện miễn, giảm được các khoản đóng góp để giúp những trường hợp thực sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các trường sẽ làm tốt nhất cho các em.

Khi các em bắt đầu nhập học, tôi nhận được tin vui từ chị Ngọc Oanh, con gái chị đã được nhập học vào Trường tiểu học An Cựu. Bản thân chị thấy ấm lòng sau bao năm xa quê nay đã được về nhà tránh dịch an toàn, con cái được nhập học và Liên đoàn Lao động TP. Huế hỗ trợ sách vở cho con đến trường. Từ niềm vui của chị Oanh, bất chợt tôi nhớ đến tâm tư của nhiều lao động tự do khác, dẫu là về quê tạm thời hay lâu dài thì chuyện học của các con trong thời điểm này vẫn là bài toán nan giải. Môi trường học tập thay đổi, thiếu đồ dùng học tập, phương tiện đi lại, kể cả đồng phục và khoản học phí đầu năm. Còn những học sinh đang học online ở các trường phía nam thì lại thiếu máy vi tính hoặc điện thoại thông minh, sách, vở… Thế nên, trong lúc này cần lắm những tấm lòng hỗ trợ các em để đường đến trường bớt gập ghềnh hơn.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm không gian vui chơi cho trẻ

Gần đây, trên địa bàn TP. Huế, nhiều điểm vui chơi cho trẻ được mở ra, tạo thêm không gian sống bổ ích giúp các em vừa có nơi vui chơi thỏa thích, vừa phát triển tư duy.

Thêm không gian vui chơi cho trẻ
Trang bị kỹ năng và môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ

Trẻ em được học tập, vui chơi, sinh hoạt trong môi trường an toàn, lành mạnh và tiếp thu những kỹ năng sống tốt là mong muốn của các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Tiếp cận được những điều kiện tốt này sẽ giúp các em phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần.

Trang bị kỹ năng và môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ
Chuyện học trường làng

Năm học mới và câu chuyện quan tâm vẫn là sách. Tất nhiên rồi, niềm vui được cầm những cuốn sách trên tay luôn là những kỷ niệm khó quên của cuộc đời học sinh.

Chuyện học trường làng
Kiên trì truyền thông để tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin cho trẻ

ThS. BSCKII. Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhấn mạnh điều đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn thường trực, nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác cũng xuất hiện và lưu hành trong cộng đồng, đe dọa đến sức khỏe của người dân – nhất là trẻ nhỏ.

Kiên trì truyền thông để tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin cho trẻ

TIN MỚI

Return to top