ClockThứ Bảy, 29/08/2015 07:20

Lo cơ sở vật chất cho năm học mới

TTH - Đã thành thông lệ, mỗi dịp hè, các cơ sở giáo dục đều tranh thủ khởi công sửa chữa, xây dựng nhỏ. Đây là những hạng mục nhằm tu bổ, sửa sang lại hệ thống cơ sở vật chất (CSVC) để chuẩn bị cho năm học mới.

Thực trạng

Theo đánh giá của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), mạng lưới trường lớp học của các cấp học, ngành học đã và đang được quy hoạch, sắp xếp theo các mục tiêu và định hướng của tỉnh (NQ 03/2015/NQ-HĐND ngày 25/4/2015 và Quyết định 1235/QĐ-UBND tỉnh ngày 29/6/2015 về quy hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030). Theo đó, các trường lớp học của tất cả các cấp học, bậc học từng bước được kiên cố hóa, tầng hóa, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục.
Cơ sở vật chất các trường mầm non được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Ảnh: Võ Nhân
Năm học qua, mặc dù mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển theo quy hoạch, số lượng và chất lượng học sinh học 2 buổi/ ngày tăng; số trường đạt chuẩn quốc gia, thư viện đạt chuẩn tăng so với năm học 2013-2014, nhưng về CSVC, phòng học cho năm học này vẫn chưa đáp ứng để thực hiện việc tổ chức học 2 buổi/ ngày. Ở bậc tiểu học mới đạt khoảng 85%, bậc THCS dưới 30% số trường đủ phòng. Bậc mầm non do đầu tư tập trung mẫu giáo 5 tuổi nên CSVC cho toàn bậc nhìn chung vẫn thiếu.
Để đáp ứng nhu cầu chuẩn hoá, thực trạng CSVC của hệ thống giáo dục toàn tỉnh vẫn chưa cao, ngay trong định hướng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thì tỷ lệ trường đạt chuẩn của Thừa Thiên Huế cũng xếp thấp so với khu vực cũng như toàn quốc. Nhưng để đáp ứng nhu cầu dạy và học hiện tại, hệ thống này vẫn cơ bản đảm bảo.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, muốn bậc mầm non giải quyết dần sự thiếu hụt này, mỗi năm ngành cần đầu tư ít nhất 100 phòng. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ trẻ đến trường ở bậc học này còn thấp. Nếu bảo đảm cho 100% trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường thì con số đầu tư cho CSVC của riêng bậc học này sẽ tăng nhiều lần mới có thể đáp ứng được.
 
Chủ động tham mưu từ cơ sở
Hiện nay, theo phân cấp quản lý, hàng năm, các phòng GD&ĐT tiến hành công tác điều tra, nắm bắt nhu cầu của các đơn vị trực thuộc, lập hội đồng thẩm định, làm báo cáo lên chính quyền để xin kinh phí.
Ông Lâm Thuỷ, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Huế cho biết, phòng luôn tiến hành công tác điều tra phân loại nhu cầu cần thiết bổ sung, sửa chữa của các đơn vị từ cuối năm học trước và song song với việc chờ quyết định của UBND thành phố, sau khi đã thẩm định mức độ cần thiết phải tu bổ sửa chữa, chỉnh trang hoặc làm mới của các trường; phòng sẽ ứng kinh phí để các đơn vị triển khai sớm để hoàn thành trước khai giảng. Từ cuối năm học 2014 -2015, phòng đã yêu cầu các trường triển khai công tác thẩm tra chất lượng CSVC của đơn vị mình và đề xuất kinh phí tu bổ, xây dựng trong hè. Khi các em học sinh nghỉ hè cũng là giai đoạn triển khai chương trình chỉnh trang tu bổ lại CSVC chuẩn bị cho năm học mới. Nếu mùa trước con số này trên 12 tỷ đồng để chỉ để sửa chữa, tu bổ phòng học, nhà vệ sinh thì mùa hè vừa qua phòng GD&ĐT Huế đã tham mưu cho thành phố và được cấp vốn gần 10 tỷ đồng… để sửa chữa nhỏ, như cải tạo phòng vệ sinh, chống ẩm, chống dột.
Huế là trung tâm giáo dục của tỉnh, nhưng nói về CSVC, các nhà quản lý đều rất băn khoăn khi nói đến việc phát triển toàn diện. Hầu hết các  trường trung tâm của Huế chưa đạt chuẩn do quỹ đất hạn hẹp. Các trường vùng ven đã cơ bản đáp ứng chuẩn về đất thì lại thiếu trang thiết bị do công tác xã hội hoá khó khăn. Sự “cọc cạch” này dẫn đến các trường trung tâm “nhồi nhét” thiết bị hiện đại trong những khuôn viên chật hẹp, những trường vùng ven lại không đủ điều kiện để phát huy thế mạnh. Thực tế này được ngành giáo dục cũng như thành phố biết, nhưng kinh phí đầu tư lớn cho giáo dục xem ra vẫn rất khó khăn.
Ở các huyện, thị xã, công tác đầu tư xây dựng hiện cũng khá dàn trải, việc xây mới nhiều cơ sở nhỏ lẻ đáp ứng nhu cầu cấp thời trong giai đoạn trước đã ảnh hưởng khá lớn đến tính hiện đại, sự đồng bộ của các ngôi trường chính. Đó là chưa kể, đầu tư dàn trải thời gian trước đã khiến nhiều ngôi trường qui mô quá nhỏ lẻ, nay chậm phát triển vì ít học sinh, giải tán cũng khó, đầu tư thêm để theo kịp giáo dục hiện đại cũng khó về kinh phí. Đây có thể, là bài toán trước mắt của ngành trong định hướng xây dựng trường đạt chuẩn.
Bài, ảnh: Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Return to top