ClockThứ Hai, 31/10/2022 06:08

Lo giống cho vụ tết và đông xuân

TTH - Nguồn lúa giống, rau màu hỗ trợ sản xuất vụ tết, vụ đông xuân phải được phân bổ kịp thời, đảm bảo cơ cấu mùa vụ là điều mà nông dân đang cần.

Phú Mậu mất trắng vụ hoa tếtChi tiền triệu gửi hoàng mai sau tếtNhộn nhịp trên cánh đồng rau tết Điền Lộc

Vùng rau an toàn bị ngập

Lo rau giống vụ tết

Đợt lũ lớn vừa qua để lại hậu quả nặng nề khi nhiều tấn lúa giống phục vụ sản xuất đông xuân bị ẩm ướt, hư hỏng; hàng trăm ha rau màu ở vùng thấp trũng bị ngập úng, thiệt hại hoàn toàn. Lũ lớn đi qua, người dân khẩn trương khôi phục, những luống rau đầu tiên vừa nảy mầm thì mưa lớn lại tiếp tục, nước lũ đang mấp mé ruộng đồng. Những cánh đồng rau vùng thấp trũng một lần nữa có thể đành “phó thác cho trời”.

Bà Trần Thị Thơi ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) chia sẻ, bà con vùng trũng quen cảnh “sống chung với lũ”, rau màu bị ngập, hư hại không còn là “chuyện lạ”. Cứ sau mỗi trận lũ, bà con lại khôi phục vườn rau mặc cho mùa mưa lũ vẫn còn phía trước vì đây là nguồn thu nhập chính. Trở ngại lớn đối với người dân là nguồn giống khôi phục sau mỗi trận lũ.

Sau đợt lũ lớn vừa qua gần như “xóa sổ” toàn bộ diện tích rau vụ đông trên địa bàn vùng thấp trũng xã Quảng Thành và huyện Quảng Điền nói chung. Vườn rau giống bị hư hỏng, người dân bị thiệt hại nên gặp khó khăn về chi phí mua giống, phân bón, vật tư khôi phục rau. Điều này không chỉ tác động đến nguồn thu nhập, đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến nguồn giống cho vụ tết sắp đến.

Bà Thơi cho rằng, điều mà người dân quan tâm nhất hiện nay là nguồn giống để khôi phục sản xuất, nhất là vụ tết sắp đến. Rau vụ tết không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ mà còn cung cấp một lượng lớn sản phẩm cho thị trường tiêu thụ trong dịp này. Mong mỏi của bà Thơi cũng như nhiều hộ dân được hỗ trợ nguồn giống rau để gieo trồng vụ tết.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Lê Văn Anh đánh giá, chất lượng rau trên địa bàn tỉnh đang ngày càng cải thiện. Diện tích rau được chứng nhận VietGAP, hữu cơ hiện nay tuy chưa lớn trong tổng diện tích khoảng 1.000ha toàn tỉnh, nhưng người dân ý thức hơn trong sản xuất thực phẩm sạch, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.

Vụ rau tết năm nay, ngành nông nghiệp đang kiến nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ giống chất lượng cho các hộ dân vùng trũng bị thiệt hại trong đợt lũ lớn vừa qua. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ nông dân, các địa phương từng bước ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, hướng đến sản xuất rau hữu cơ, VietGAP thông qua các chương trình khuyến nông, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Người dân chăm sóc hành sau lũ

Lúa giống phải đúng cơ cấu, kịp thời vụ

Lúa giống phục vụ sản xuất cũng luôn là nỗi lo đối với nông dân mỗi khi bước vào mùa vụ mới. Năm nay thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ trái mùa, bất thường trong tháng 4 khiến năng suất, sản lượng lúa vụ đông xuân chỉ còn hơn một nửa; vụ hè thu bị sâu bệnh gây hại, nắng hạn kéo dài dẫn đến lúa giảm năng suất, giảm chất lượng, giá thấp. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn giống trong dân dự trữ phục vụ sản xuất vụ tới. Kèm theo đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư và xăng dầu tăng cao khiến sản xuất lúa năm nay thua lỗ nặng.

Mùa lũ lụt năm nào cũng gây thiệt hại lớn đến hoa màu, lúa giống. Đây là điều khó tránh khỏi, là tình cảnh không chỉ đối với vùng thấp trũng ở Thừa Thiên Huế mà cả nhiều tỉnh miền Trung. Thường sau mùa bão lũ, Trung ương và tỉnh có chính sách hỗ trợ giống khôi phục thiên tai, sản xuất vụ đông xuân nhằm chia sẻ, động viên và giúp dân bớt phần khó khăn khi bước vào vụ mới.

Lâu nay người dân luôn quan tâm là việc cấp lúa giống, hoa màu hỗ trợ cho người dân một số nơi thường bị chậm, hoặc không đúng với cơ cấu mùa vụ. Thực tế, một vài vụ trước đây đã có một số hợp tác xã (HTX) cấp lúa giống hỗ trợ cho người dân bị chậm trễ thời vụ. Thậm chí có nơi, như HTX NN Thuận Hòa, xã Hương Phong (TP. Huế) đến khi kết thúc vụ hè thu 2022 mới cấp lúa giống hỗ trợ cho người dân. Trước đó, HTX NN Lai Thành, Hương Vân (TX. Hương Trà) còn “ém” lúa giống từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước đến khi hết hạn sử dụng, lại còn đem bán cho dân.

Giá mỗi kg lúa giống hiện nay dao động từ 14-15 ngàn đồng. Nhiều hộ gieo cấy diện tích lớn, được hỗ trợ lúa giống trị giá đến một vài triệu đồng. Khi giống nhận về không đúng cơ cấu, hoặc chậm trễ không gieo cấy được, người dân chỉ cho vịt, gà ăn gây lãng phí.

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức thông tin, với diện tích gieo cấy vụ đông xuân khoảng 28 ngàn ha toàn tỉnh cần hơn 2.000 tấn lúa giống. Trong đó, tại Công ty CP Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh lọc tuyển, dự trữ khoảng 1.500 tấn, còn lại nguồn dự trữ trong dân. Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang tập trung thống kê cụ thể lượng lúa giống, rau giống thiệt hại trong đợt mưa lũ lớn vừa qua làm cơ sở đề xuất cấp trên hỗ trợ gieo cấy vụ đông xuân. Nguồn lúa giống, hoa màu giống hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh cần phân bổ, cấp về cho dân gieo cấy kịp thời vụ. Nguồn giống phải đảm bảo cơ cấu mùa vụ và đặc thù từng vùng đất, quy hoạch sản xuất tại các địa phương. Theo kiến nghị từ các địa phương, nếu nguồn giống hỗ trợ không đảm bảo cơ cấu mùa vụ thì có thể hỗ trợ kinh phí để người dân tự mua giống phù hợp.

Theo Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy khoảng 28 ngàn ha lúa, với các nhóm dài ngày, trung ngày như NN4B, 13/2, X21, Xi23… chiếm khoảng 10%; còn lại nhóm ngắn ngày và cực ngắn ngày như Khang dân, HT1, TH5, HN6, DV108, BT7, IR352, ML48 và các giống lúa mới chất lượng cao, như HG12, JO2, KH1... Đối với rau màu vụ tết, chủ yếu cải, xà lách, hành, ngò… khuyến khích người dân sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, VietGAP; với các vùng thấp nên gieo trồng sau ngày 10/12 (đầu tháng 11 âm lịch) để tránh lũ lụt.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng phương án chống úng lúa đông xuân

Dự báo ngày 9/2 (30 tháng Chạp, Âm lịch), bộ phận không khí lạnh (KKL) sẽ ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế; vùng biển ngoài khơi của tỉnh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Sẵn sàng phương án chống úng lúa đông xuân
Dịch hại có nguy cơ lây lan diện rộng trên lúa đông xuân

Đến ngày 4/3, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000ha lúa bị chuột, ốc bươu vàng gây hại và hàng trăm ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Diện tích lúa bị dịch hại được dự báo tiếp tục lây lan, gây hại trên diện rộng trong thời gian đến.

Dịch hại có nguy cơ lây lan diện rộng trên lúa đông xuân
Return to top