ClockThứ Năm, 12/04/2018 14:00

Lỗ hổng

TTH - Gần đây, người ta thường hay đề cập đến những “lỗ hổng” của cơ quan quản lý, hay nói cách khác là những bất cập chưa được lường trước trong công tác quản lý nhà nước. Từ quản lý đất đai, quản lý chung cư, đến bảo vệ rừng, quản lý thuốc, khám chữa bệnh, an toàn thực phẩm... Rất nhiều hiện tượng, sự việc khi có “sự cố” xảy ra người ta mới đi tìm nguyên nhân, hay còn gọi là tìm “lỗ hổng”!

Phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy ở chung cư84% vụ cháy có nguyên nhân do chập điệnTừ tháng 4/2018, chung cư, bệnh viện phải mua bảo hiểm cháy nổPhòng cháy tại các khu chung cư: Nhiều mối nguy

Mới đây, khi cháy chung cư Carina ở TP. Hồ Chí Minh, mới phát hiện quá nhiều tồn tại dẫn đến cháy tầng hầm làm 13 người chết, 91 người bị  thương. Do tính chất nghiêm trọng nên lãnh đạo 2 thành phố lớn đã chỉ đạo ráo riết tổng kiểm tra tất cả các chung cư cao tầng. TP. Hà Nội kiểm tra sơ bộ các chung cư, thì 2/3 chưa đạt quy định phòng cháy, chữa cháy. Chỉ một con số đó cũng đáng giật mình, khi mà các khu chung cư gắn với mạng sống và sức khỏe của hàng trăm ngàn người cư trú lại chưa đủ điều kiện an toàn. Quy trình phòng cháy rất cụ thể, có tính pháp lý nhưng chủ thể các khu chung cư không thực hiện hoặc chấp hành không đúng quy định. Người dân thì không biết tính năng thiết bị phòng cháy nên không chấp hành quy định. Đó chỉ mới là một ví dụ.

Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều luật để quản lý xã hội nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện, nhiều góc khuất sơ hở chưa được luật hóa kín kẽ. Chính từ những sơ hở này mà người ta đã lợi dụng để vi phạm mà không sợ bị pháp luật xử lý. Nhiều cơ quan nhà nước khi gặp phải những trường hợp như vậy đã phải “chùn tay” hoặc buộc phải bỏ qua xử lý sai phạm của người vi phạm. Ví dụ như trường hợp bắt thuốc lá lậu, trên 500 bao thuốc thì phải chuyển cho cơ quan chức năng xử lý hình sự, nếu chưa đến số lượng đó thì bị phạt tiền, vậy là buôn lậu thuê vận chuyển ít hơn,  nếu bị bắt thì chấp nhận mất hoặc chỉ bị xử phạt hành chính. Từ đó, dẫn đến tình trạng khó xử lý được triệt để. Hay như thực phẩm bị trộn hóa chất có hại, thực phẩm bẩn bị kiểm tra bắt giữ khá nhiều nhưng đã có vụ nào xử lý hình sự thật nghiêm? Chỉ ở mức độ tiêu hủy và xử phạt hành chính thì chưa đủ mạnh để răn đe vi phạm. Nhiều người vẫn chấp nhận chịu phạt ít tiền để kiếm lời gấp nhiều lần nếu trót lọt.

Có những trường hợp luật đã quy định nhưng sai phạm vẫn không giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Điển hình như xây nhà không phép hoặc sai phép, người dân chấp nhận bị xử phạt hoặc chịu chi phí “ngoài luồng” để công trình được tồn tại. Hay nói nôm na là “phạt cho tồn tại”, thế là đâu lại vào đấy,  trở thành “thông lệ” trong xử lý vi phạm về xây dựng. Tương tự như vậy, khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thay vì bị xử lý mức cao hơn người ta chấp nhận “chuồi tiền” ở mức thấp hơn cho nhanh được việc.

Trong đời sống hàng ngày, những dạng như trên diễn ra tương đối phổ biến, thường xuyên ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu không xảy ra sự cố gì nghiêm trọng thì mặc nhiên nó tồn tại như một “quy luật tự nhiên”.

Dù dưới bất cứ hình thức gì thì những tồn tại như vậy đang và sẽ tiếp tục diễn ra nếu như không đặt thành vấn đề nghiêm túc của cơ quan quản lý nhà nước. Những bất cập, tồn tại có thể được nhận ra nhưng liệu rằng người ta có quyết tâm “bịt kín” hay không lại là một vấn đề khác? Có những hiện tượng chưa biết hoặc chưa xảy ra trên thực tế thì phải tìm cho được lỗ hổng có thể xảy ra để bịt. Nhưng những lý do chủ quan do thiếu kiểm tra chu đáo thì phải được chế tài nghiêm túc bằng kỷ cương hành chính, Bộ luật Hình sự để ngăn ngừa những hậu quả xấu. Không nên để cái “dây kinh nghiệm” quá dài, khi “rút”  ra được thì đã quá muộn.  Đây cũng là một trong những giải pháp cho cải cách nền hành chính Nhà nước mà trách nhiệm trước hết phụ thuộc vào sự công tâm, vì cái chung của lãnh đạo các cấp. Hay nói cách khác là chống cho được bệnh quan liêu, tiêu cực trong thực thi công vụ.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Return to top