ClockThứ Năm, 19/07/2012 10:58

Lo nợ xấu hơn tăng trưởng tín dụng

TTH - Các ngân hàng thương mại đang “đau đầu” với bài toán vốn đầu ra và lợi nhuận thu về trong kinh doanh. Hiện, thanh khoản của ngân hàng đã cải thiện, song không dễ tìm được khách hàng tốt để cho vay. Các “nhà băng” cũng không thể ồ ạt đẩy mạnh tín dụng, bởi nợ xấu đang ở mức báo động...

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cho rằng, không dễ đẩy mạnh hoạt động cho vay lúc này, dù các ngân hàng đang thừa vốn khả dụng và muốn tăng dư nợ. Môi trường kinh doanh không thuận lợi, khi sức mua giảm và hàng tồn kho gia tăng đang khiến các doanh nghiệp không thể thu hồi được vốn để trả nợ vay. Lựa chọn tốt nhất lúc này của các ngân hàng vẫn là kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.

Khách hàng giao dịch tại Sacombank

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)-Chi nhánh Huế, để chia sẻ khó khăn cho khách hàng và giải quyết bài toán vốn, Eximbank triển khai chương trình cho vay VND đối với các cá nhân và doanh nghiệp có bảo hiểm tỷ giá, với lãi suất ưu đãi chỉ 7%/năm. Sau 2 tuần triển khai, lượng vốn giải ngân mới khoảng 1 tỷ đồng với 1 khách hàng. Điều đó cho thấy, tiến độ giải ngân vốn vẫn quá chậm. Lãi suất giảm là điều kiện tốt để phát triển hoạt động cho vay, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm thêm 1% cho lãi suất chủ chốt, tăng trưởng dư nợ của ngân hàng 6 tháng qua thấp và “room” cho vay 17% còn khá nhiều. Song, điều đó không có nghĩa ngân hàng “nới” chuẩn cho vay, mà ngược lại còn “siết” chặt hơn chất lượng tín dụng.

Số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Thừa Thiên Huế, đến nay, dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt hơn 13.120 tỷ đồng, giảm 1,2% (khoảng 156 tỷ đồng) so với đầu năm và tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước, bằng 70% tổng nguồn vốn huy động. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn khoảng gần 5.500 tỷ đồng, chiếm gần 42% tổng dư nợ, giảm 0,3%; dư nợ cho vay trung, dài hạn khoảng 7.640 tỷ đồng, giảm 1,8% so với đầu năm...

Qua tìm hiểu của chúng tôi, quan điểm của các ngân hàng hiện nay là thà gửi vốn liên ngân hàng với lãi suất thấp, hay mua trái phiếu Chính phủ để hưởng lợi tức 7-8%/năm, còn hơn cho vay ồ ạt để “lãnh” hậu quả nợ xấu tăng. Lý do là, nợ xấu tăng đòi hỏi phải trích lập dự phòng, khiến lợi nhuận của các ngân hàng bị thu hẹp. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã hết tài sản thế chấp để vay vốn, còn các doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt, đủ điều kiện vay vốn lại chưa muốn vay. Vì vậy, các ngân hàng có động tác “khoanh vùng” từng đối tượng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào có dự án sản xuất kinh doanh tốt và khả năng trả nợ cao thì ngân hàng mạnh dạn cho vay, dù khách hàng không còn tài sản để thế chấp. Về phần mình, các doanh nghiệp cũng phải hợp tác chặt chẽ và tạo được “chữ tín” với ngân hàng, để tìm hướng xử lý, giải quyết nợ cũ.

Nợ xấu tăng không chỉ là khó khăn tài chính đối với tổ chức tín dụng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình mở rộng, cũng như tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đối với nền kinh tế. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến ngày 17/5/2012, khoảng 12/22 ngân hàng trên địa bàn có tốc độ tăng trưởng âm, cho dù đến nay đã tăng trưởng dương trở lại. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn duy trì ở mức cao. Tính đến cuối tháng 6/2012, nợ xấu của hệ thống ngân hàng trên địa bàn ước khoảng hơn 670 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm, chiếm 5% trong tổng dư nợ; chủ yếu là do khoản nợ xấu của các dự án cho vay đồng tài trợ và một số khách hàng mất khả năng chi trả nợ đến hạn...

Bài và ảnh: Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá xăng tăng, giá dầu giảm

Từ 15h hôm nay (28/3), mỗi lít xăng tăng 410 - 530 đồng, trong khi các mặt hàng dầu (trừ mazut) giảm 320 - 390 đồng tùy loại.

Giá xăng tăng, giá dầu giảm
Đồng hành trong quyết toán thuế

Ngày 21/3, Cục Thuế tỉnh tổ chức chương trình hỗ trợ quyết toán thuế năm 2023 tại bộ phận một cửa của cơ quan Cục Thuế tỉnh.

Đồng hành trong quyết toán thuế
Return to top