ClockThứ Tư, 03/05/2017 13:57

“Lo xa” cho loài chim

TTH - Ghé một tiệm bán chim, cá cảnh, hỏi chuyện chơi, người chủ quán cho tôi biết được điều này. Chim trước đây nhiều lắm, bây giờ thì trở nên quí hiếm. Nghe giá bán là biết hiếm rồi. Bắt chim như thế làm sao không hiếm được.

Chim sống có vùng, có cặp có đôi. Chính cái việc giành và bảo vệ lãnh thổ là yếu điểm của loài này. Thế là người ta đem chim mồi tới. Muốn bảo vệ lãnh thổ thì phải đánh nhau. Bản năng sinh tồn và “mất cảnh giác” thế là dính bẫy. Nhưng chuyện này mới là chuyện đáng ngại hơn. Vào mùa chim sinh sản là dễ bắt nhất. Cứ tìm ra ổ trước cái đã. Bản năng của loài chim rất cam con. Làm sao mà loài chim thân cô thế cô, mất cảnh giác có thể thắng được con người. Bắt chim con rồi thủng thẳng bẫy cả bố lẫn mẹ.

Trước đây ở các vùng quê, loài chim vồng vộc (quê tôi gọi vậy, nghe nói có nơi gọi là chim rôộc rôộc, còn nơi khác nữa thì... không biết gọi là gì) nhiều vô kể. Nếu gọi là làm tổ thì e rằng loài này khéo nhất. Nó miệt mài tha từng cọng cỏ tranh đan thành tổ treo lủng lẳng trên ngọn tre. Tổ rất chắc chắn, có “cổng vào” đan dài rất cầu kỳ, có nơi như chiếc nôi cho con nằm hẳn hoi. Đúng là thiên nhiên kỳ thú, tạo hóa sinh cho nó một bản năng kỳ công đến lạ. Đến bây giờ người ta còn nhớ đến làm ra những chiếc xích đu tổ chim bán mấy triệu một cái. Nó âm thầm làm lợi cho con người.

Nhưng người ta thì không nghĩ vậy. Họ cũng “âm thầm” nghĩ ra những cách bẫy nó cực kỳ hiệu quả. Cứ đến mùa gặt, khi cả cánh đồng mênh mông gặt hết, họ chỉ để lại một vài khóm lúa, giăng lưới sập và đặt chim mồi. Và kết quả là bây giờ loài chim này không thấy nữa, ở bất cứ vùng quê nào. Con người đúng là tinh quái.

Rồi kỹ thuật bắt chim cũng nâng lên theo sự phát triển của công nghệ, còn “oan nghiệt” hơn nhiều. Họ thu lại tiếng chim, rồi đặt lưới, rồi dùng keo dính. Bà Huyện Thanh Quan có câu thơ nổi tiếng: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”… Không bình phẩm về câu thơ mà chỉ nhớ đến loài chim quốc. Tương truyền loài này sống có đôi có cặp, hết sức chung tình. Một con chết đi thì con còn lại treo mình trên cây kêu hoài kêu hủy cho đến không còn sức lực.

Chắc là vì vậy cho nên mới có chuyện ai gặp được bộ xương con quốc chết khô này chính là gặp được  “bùa mê”. Thế giới loài chim quả là sinh động và cũng có không ít bài học về nhân tình thế thái cho con người đấy chứ. Mà con người đối  xử với nó có vẻ như không đàng hoàng cho lắm. Mà cũng bất công nữa. Chúng ta đang nhận một nguồn kinh phí không nhỏ từ các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã để lùng sục tận rừng sâu núi thẳm tìm dấu vết của động vật hoang dã quí hiếm. Thế thì loài chim như vồng vộc nói trên có quí hiếm không? Nó có còn nữa đâu mà quí với hiếm! Có thể đây là bài học cho nhiều loài khác, cho nhiều thứ khác. Chúng ta không bảo vệ thì dù có nhiều đến mấy cũng đến một lúc nào đó chẳng còn.

Ngẫm lui ngẫm tới, chúng ta quá thờ ơ với những chuyện chung quanh, với môi trường sống của mình.

Không biết luật lệ của mình qui định thế nào, nhưng tôi ngờ ngợ cái thú chơi này nó đi ngược với văn minh thế giới. Đất nước nào cũng có luật cấm săn bắt động vật hoang dã. Chim cũng là một loại động vật hoang dã đấy chứ sao. Nhiều loài có thuần dưỡng sinh sản được đâu. Thế thì tại sao cái điều đã cấm mà nó lại diễn ra chuyện săn bắt, buôn bán rồi nâng lên thành “thú chơi” công khai như vậy, chẳng ai đả động nói năng gì.

Cách đây nhiều năm, câu chuyện người Việt ở Nga bắt chim bồ câu nấu cháo làm xôn xao dư luận. Bởi đây là điều cấm kỵ. Khi chim bồ câu phát triển quá nhiều, làm ảnh hưởng đến di tích, muốn giảm số lượng phải có một sắc lệnh của chính phủ mới được làm. Nếu ai có dịp qua Singapore mới thấy chim sống đầy trong thành phố. Trên đảo Sentosa, chim công “lững thững bách bộ” cùng với con người, rất thanh bình. Xem trên Discovery thấy họ kể lại chuyện khi mùa cua di cư qua một con đường lộ, họ phải cắm biển nhắc nhở cho những người lái xe qua đường chú ý để tránh…

Chúng ta có đầy rẫy khẩu hiệu, về nhiều vấn đề, treo đầy đường. Mong muốn lắm thay có một câu khẩu hiệu nào đó để bảo vệ loài chim nhỏ bé và không đủ trí khôn để tự bảo vệ mình.

 Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phúc lợi động vật

Báo Thừa Thiên Huế đưa tin: 11 giờ ngày 16/3, nhận được tin báo về việc một người dân bán chim trời tại khu vực quán cơm chay Liên Hoa, đường Lê Quý Đôn (TP. Huế), HKL TP. Huế đến hiện trường, mời đương sự về trụ sở làm việc.

Phúc lợi động vật
Tiếng chim giữa phố

Nắng đã trải vàng trên phố. Cây trong vườn, trên mỗi con đường đâm chồi, xanh lá đón hè. Chỉ chờ có thế thôi là chim tu hú bắt đầu cất tiếng kêu. Con chim tu hú thường đậu ở một ngọn cây cao nhất trên ngọn đồi Lịch Đợi gần nhà tôi và cứ thế, kêu mãi một giọng, nghe như: “xuân còn chưa hết, xuân còn chưa hết…”. Nó cứ kêu liên hồi như thể tiếc nuối khí trời trong lành của mùa xuân vậy…

Tiếng chim giữa phố
Return to top