ClockThứ Năm, 05/07/2012 03:23

“Loạn”... lãi suất

TTH - Trần lãi suất (LS) huy động với kỳ hạn (KH) trên một năm được dỡ bỏ đã trở thành cơ hội cho nhiều ngân hàng (NH) "chạy đua" tăng LS. Đã có "nhà băng" nâng mức huy động lên 14%/năm đối với KH 13 tháng.

Sau khi Thông tư số 19 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực, các NH trên địa bàn đều niêm yết biểu LS mới là trần LS 9%/năm cho các KH từ 1-12 tháng. Tuy nhiên, như “diều gặp gió”, một số NH liên tiếp đẩy LS đối với KH sau 12 tháng lên cao ở mức 12,5%, thậm chí có NH còn đưa lên 14%/năm.

 

Thả nổi lãi suất kỳ hạn dài

 

Vài ngày sau khi NHNN bỏ trần LS huy động dài hạn, NH Phương Tây (Westernbank) đã “ngoạn mục” điều chỉnh tăng vọt LS lên mức “đỉnh” 14%/năm với sản phẩm tiền gửi KH 13 tháng, tuy nhiên chỉ vài ngày sau, “nhà băng” này phải hạ xuống và hiện còn 12,5%/năm. Dạo quanh các NH trên địa bàn, không chỉ Westernbank mà các NH khác cũng nâng LS huy động cho các KH trên 12 tháng; LS tiết kiệm bậc thang với khoản gửi lớn một số NH để ở mức gần 13%/năm.

 

Khách hàng thăm dò lãi suất ở ACB

 

NH Xuất nhập khẩu (Eximbank) đưa ra khá nhiều lựa chọn cho “thượng đế” bằng các hình thức LS khác nhau. Cụ thể, LS tiết kiệm, tiền gửi cá nhân KH 12, 13, 15 tháng là 8,2%/năm (lĩnh lãi trước); nếu lĩnh lãi sau, các KH này có mức từ 9-9,2%/năm. Đối với sản phẩm “Tiền gửi LS ưu đãi” dành cho khách hàng gửi tiền từ 10 triệu đồng trở lên, NH này áp dụng mức cao nhất cho KH 12 tháng trở lên là 10,6%/năm (lĩnh lãi hàng tháng) và 11-11,5%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ). Tại NH Á Châu (ACB), KH 36 tháng niêm yết ở mức 12%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ) và 10,4%/năm (lĩnh lãi tháng). NH Kỹ Thương (Techcombank) đưa ra bảng LS tiết kiệm trả lãi trước áp dụng cho số tiền tối thiểu 5 triệu đồng, 500 USD, 500 Euro với KH từ 12-18 tháng có mức LS khoảng 9,19-9,79%. LS tiết kiệm thường cũng được Techcombank áp dụng ở mức cao nhất 11,9%/năm (KH 36 tháng) và 11%/năm cho KH 12 tháng.

 

Giải thích hiện tượng “loạn” LS trên theo lãnh đạo NH Bưu điện Liên Việt (LienVietpostbank), Thông tư 19 đã có nới lỏng, chỉ quy định trần LS ngắn hạn (từ 12 tháng trở xuống), còn trung, dài hạn (từ 12 tháng trở lên) được thả nổi. Đây có thể là bước “tập dượt” thực hiện LS thị trường tức là thả nổi chứ không dùng mệnh lệnh hành chính. NHNN muốn giữa huy động vốn ngắn hạn và vốn trung, dài hạn không bị khoảng cách lớn như thời gian vừa qua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thời gian qua, các NH chủ yếu huy động KH ngắn nhưng lại cho vay trung và dài hạn. Về nguyên lý là không đúng, tức là phải huy động trung, dài hạn thì mới cho vay trung, dài hạn; suốt mấy năm vừa rồi, các NH huy động KH càng dài thì LS càng thấp; bây giờ sẽ đưa về bản chất vốn có của nó, tức là thời gian càng dài thì LS càng cao.

 

Tuy nhiên, sau hơn một tuần thì một số NH “bóp méo” với nhiều cách khác nhau, như: NH nhận tiền gửi trung, dài hạn nhưng lại cho phép rút trước hạn. Có những hợp đồng (HĐ) ghi 2 năm nhưng khách hàng có thể rút bất cứ lúc nào mà không bị phạt, hoặc HĐ ghi 1 năm 1 ngày, khách hàng được LS thỏa thuận tới 12-14%/năm như gửi trung, dài hạn nhưng thực chất vẫn là ngắn hạn. Vì vậy, sau 10 ngày Thông tư 19 ra đời, NHNN phải ban hành tiếp Văn bản số 3772/NHNN-CSTT chấn chỉnh các tổ chức tín dụng nếu cho khách hàng rút trước hạn thì chỉ được LS không KH. Thực chất, các NH đó trước đây đã huy động vượt trần rồi nhưng không công khai và không được hợp thức hóa, bây giờ thì được hợp thức hóa.

 

Chưa thể bỏ trần lãi suất

 

Việc các “nhà băng” đua nhau đẩy LS huy động lên cao khiến cho mục tiêu gia tăng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp (DN) càng trở nên xa vời. Cùng với việc đẩy thị trường vốn “đầu vào” lên cao như thế thì vốn “đầu ra” tất yếu cũng cao theo. Từ hiện tượng một số NH nhỏ đua tăng LS cũng manh nha xuất hiện “làn sóng” người gửi tiền rút tiền gửi từ NH này mang gửi sang NH khác có LS cao hơn. Câu chuyện có nên thả nổi LS hay không hoặc thời điểm nào có thể bỏ được trần LS vẫn chưa đến hồi kết. Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, thả nổi trần LS thời điểm này là rất nguy hiểm. Theo đó, tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra. Hơn thế, LS huy động cao sẽ khiến LS cho vay cao và DN không tiếp cận được vốn NH.

 

Theo Thông tư 19 của NHNN, kể từ ngày 11/6/2012, LS huy động có KH 12 tháng trở lên đối với tiền gửi VND do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Quyết định này nhằm tạo thuận lợi cho các TCTD huy động vốn để cân đối nguồn vốn cho vay trung, dài hạn. Việc cho phép các NH thỏa thuận LS huy động trung và dài hạn được kỳ vọng sẽ đưa đường cong LS trở về dạng thông thường, đúng với bản chất thị trường; có nghĩa là, KH dài - LS cao, KH ngắn - LS thấp. Tuy nhiên, ranh giới giữa quy định và thực tế nhiều khi khác nhau. Hình thức huy động của một số NH trong thời gian qua thể hiện một cuộc cạnh tranh không bình đẳng và trong một góc độ nào đó, xét về mặt giá đã vi phạm quy định trần LS của NHNN.

Giám đốc một NH trên địa bàn phân tích: “Không chỉ dừng lại ở thị trường huy động vốn từ dân cư, “làn sóng” đua tranh LS tiền gửi còn “lan” sang cả thị trường liên NH và các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Trước khi Thông tư 19 có hiệu lực, LS trái phiếu Chính phủ đang trên đà đi xuống, LS liên NH cũng ở mức thấp dao động từ 3-5%/năm; thậm chí có thời điểm chỉ có 0,5%/năm. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần đã lên 9%/năm. Thị trường cũng chứng kiến việc LS trái phiếu lên liên tục, có thời điểm chạm mức 10%/năm. Chính hiện tượng đua LS của một số NH đã “kích hoạt” cả hai thị trường trái phiếu và liên NH.

Một “tiểu xảo” nữa của một số NH khiến thị trường LS liên NH “nóng” lên, đó là có hiện tượng tổ chức tín dụng đi vay liên NH với LS 3-4%/năm sau đó lại gửi tiết kiệm với LS 13-14%/năm ở chính NH đã cho vay trên thị trường liên NH. Quyết định thả nổi LS trung, dài hạn của NHNN là kiểm tra xem “sức khỏe” của các NH đã đủ khỏe để cho vay LS thấp chưa? Câu trả lời là chưa. Với nền kinh tế của chúng ta hiện nay thì chính sách thả nổi LS theo cơ chế thị trường chưa? “Đầu vào”, “đầu ra” do khách hàng quyết định chưa? Câu trả lời vẫn là chưa. Chỉ khi nào quá trình tái cơ cấu những NH yếu kém đạt được mục đích cuối cùng là ổn định thanh khoản cho cả hệ thống NH thì mới có một “sân chơi” sòng phẳng cho các NH để thực hiện theo cơ chế thị trường, trở về quy luật là LS thị trường phải do chính thị trường quyết định.

Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top