ClockThứ Tư, 15/02/2017 12:14

Loay hoay tìm người giúp việc sau tết

TTH - Ngay sau kỳ nghỉ tết, nhiều gia đình ở Huế lo sốt vó vì người giúp việc về quê ăn tết không quay lại. Cũng có trường hợp người giúp việc nắm được nhu cầu cần người nên đã đưa ra nhiều yêu sách...

Tại TP. Huế, nhiều gia đình vẫn khá lo lắng khi đến thời điểm này vẫn chưa tìm được người giúp việc, trong khi đó công việc bận rộn, đi công tác thường xuyên. Những gia đình trẻ phải gửi nhờ con cái ở nhà người quen, ngược lại những gia đình có người lớn tuổi nhu cầu cần người giúp việc để chăm sóc rất cấp thiết.

Với nhiều gia đình, tìm kiếm người giúp việc để chăm sóc con nhỏ sau tết vô cùng khó khăn

Khó tìm người giúp việc

Gia đình chị Phương Hà ở đường Đặng Tất (phường Tây Lộc, TP. Huế) có hai con nhỏ. Do bận rộn với công việc làm ăn, thường xuyên phải đi xa nên người giúp việc như là một thành viên không thể thiếu đối với gia đình chị. Tuy nhiên, vừa nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu xong, người giúp việc quê ở Quảng Bình điện vào báo xin thôi việc vì muốn chuyển sang phục vụ cho một nhà hàng với mức lương cao hơn. Sau nhiều lần thương thảo, tăng lương từ 3 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền ăn, ở nhưng người giúp việc vẫn không đồng ý. “Hỏi ra mới biết là họ đã tìm được chỗ làm mới lương 4 triệu mà lại gần nhà”, chị Hà chia sẻ.

Không có người giúp việc như thường ngày, chị Hà phải dậy sớm đi chợ, nấu ăn, giặt giũ… rồi đưa con đến trường trước khi đi làm. Mấy hôm nay, đi đâu chị Hà cũng hỏi han, thăm dò nhiều người, điện thoại nhờ bè bạn khắp nơi giới thiệu người giúp việc. Chị than thở: “Tìm được một người giúp việc đã khó chứ huống chi nói đến giúp việc ưng ý. Thời buổi này với những gia đình trẻ như mình không có người giúp việc coi như không thể làm gì được bởi công việc chiếm hết thời gian”.

Gia đình chị Anh Phương (đường Tố Hữu, TP. Huế) cũng khổ sở bởi rất cần người giúp việc. Chị Phương cho biết, trước tết gia đình đã thuê cùng lúc hai người giúp việc. Công việc gia đình yêu cầu cũng không khó khăn, chỉ chăm sóc một người lớn tuổi, lo chuyện giặt giũ nấu nướng trong nhà. Ngoài trả lương 3 triệu đồng/tháng, ăn uống đầy đủ, gia đình còn thoải mái trong việc “đáp ứng yêu cầu” của người giúp việc như được ngủ, nghỉ đúng giờ, xin nghỉ đột xuất… Dịp tết còn lì xì thêm tiền, quà cáp. “Vậy mà nghỉ tết xong họ không quay lại. Hỏi ra thì họ đòi tăng lương. Không còn cách nào khác, gia đình đành chấp nhận”, chị Phương cho hay.

Hướng đến đào tạo người giúp việc

Anh Nguyễn Đình Dũng (TP. Huế) đang ráo riết tìm người giúp việc bởi con còn quá nhỏ, nhưng công việc hai vợ chồng lại quá bận rộn. Nhiều lần tìm đến các trung tâm tìm kiếm việc làm để đăng ký tìm "ôsin" nhưng không có thông tin. “Hầu hết những người giúp việc ít đăng ký tìm kiếm việc làm qua những kênh như vậy nên chúng tôi đến hỏi không có. Không còn cách nào khác đành nhờ người quen ở quê tận Hà Tĩnh để hỏi thuê. Nhưng hơn 10 ngày này rồi vẫn tìm không ra…”, anh Dũng lo lắng.

Không có người giúp việc, nhiều gia đình ở thành phố loay hoay giữa việc nhà và việc bên ngoài, khổ nhất là chăm sóc con nhỏ trong thời gian đi làm. Nhu cầu càng bức thiết càng là lý do để một số người giúp việc... chảnh. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều đề nghị của người giúp việc trong thời “sốt ôsin” là chính đáng khiến người thuê phải để tâm.

Bà Đỗ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm và dạy nghề (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) cho biết, lâu nay có rất ít trường hợp người lao động hoạt động trong lĩnh vực giúp việc đến trung tâm đăng ký tìm việc. Ngược lại, các gia đình có nhu cầu tìm người giúp việc thường thông qua mối quan hệ bên ngoài hay sự giới thiệu từ bà con, bạn bè để tìm.

Thống kê của trung tâm cho thấy, mỗi năm chỉ nhận được từ 15 - 20 hồ sơ người giúp việc đăng kí tìm việc, còn quá thấp so với nhu cầu dịch vụ này. Theo bà Vân, nhận thấy nhu cầu cần người giúp việc trong tương lai của nhiều gia đình như chăm sóc người già, con trẻ, phụ việc nhà… sắp tới trung tâm sẽ tập trung vào việc đào tạo, tiếp nhận hồ sơ người giúp việc, hướng đến đáp ứng nhu cầu xã hội.

“Lâu nay, người giúp việc bỏ về hay yêu cầu tăng lương xảy ra thường xuyên. Bởi đơn giản tất cả thỏa thuận bằng miệng, không có văn bản, hợp đồng. Thời gian tới, khi hướng vào dịch vụ giới thiệu người giúp việc cho các gia đình, chúng tôi sẽ bảo hộ, có hợp đồng rõ ràng để tránh thiệt thòi cho người thuê lẫn người được thuê”, bà Vân nói.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá vé tàu lửa giảm 30% sau Tết Giáp Thìn

Sáng 26/2, chị Ngô Thị Thuyết, Trưởng Chi nhánh Vận tải đường sắt tại Huế cho biết: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin, bắt đầu từ ngày 27/2, ngành đường sắt đã điều chỉnh giờ tàu và tổ chức chạy các đoàn tàu khách để phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và khuyến mãi giá vé đến 30% với nhiều đoạn tuyến cho khách đi tàu.

Giá vé tàu lửa giảm 30 sau Tết Giáp Thìn
Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết
Không để khách đi tàu, xe ùn ứ

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lượng khách đi tàu, xe tăng khá nhiều nhưng chưa đột biến. Đây là dịp các đơn vị quản lý vận tải theo dõi tình hình để có phương án điều chỉnh tour, tuyến, đảm bảo cho hành khách đi lại an toàn.

Không để khách đi tàu, xe ùn ứ
Thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện: Loay hoay nỗi lo

Thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện vẫn là nỗi trăn trở lớn ảnh hưởng đến chất lượng tập luyện, thi đấu của vận động viên. Ở nhiều bộ môn thể thao thành tích cao của Cố đô, mong ước lớn nhất là có được những dụng cụ tập luyện hiện đại.

Thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện Loay hoay nỗi lo

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top