Thể thao trong nước

Loay hoay xã hội hóa thể thao thành tích cao

ClockThứ Ba, 19/09/2017 05:56
TTH - Chủ trương xã hội hóa thể thao đã có từ lâu và Chính phủ có Nghị định liên quan đến xã hội hóa thể thao từ năm 1999 (Nghị định số 73/1999/ND-CP), nhưng đến nay, vấn đề này tại Thừa Thiên Huế vẫn còn khó, nhất là thể thao thành tích cao.

Bên cạnh thiếu các chuyến tập huấn, tuyển Judo Huế còn thiếu một sân tập chuyên biệt

Chuyện không mới nhưng vẫn nóng

Xã hội hóa thể thao ở Huế đã diễn ra hơn 10 năm trước, nhưng chủ yếu ở các giải phong trào, còn với thể thao thành tích cao, hiện vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Ông Lê Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, sau khi Công ty TNHH Bia Huế hết tài trợ cho bóng đá thì đến thời điểm hiện tại, các môn thể thao trọng điểm vẫn chưa có nhà tài trợ. Nhiều năm qua, ngành thể thao nói chung, các bộ môn nói riêng cố gắng tìm kiếm, kêu gọi sự đồng hành của các doanh nghiệp, song chưa nhận được cái “gật đầu” từ phía họ.

Có nhiều nguyên nhân khiến công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao ở Huế gặp khó. Ngoài lý do chủ doanh nghiệp không mặn mà với thể thao thì các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế hạn chế, trong khi đầu tư cho thể thao cần nguồn kinh phí rất lớn. Một lý do nữa là địa phương chưa có những cơ chế hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho thể thao. “Những cơ chế đó có thể là ưu đãi về thuế, quỹ đất… để các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực thể thao và qua đó trích kinh phí tài trợ cho các đội tuyển”, ông Bình nói.

Trong khi khó tìm doanh nghiệp hỗ trợ thì việc kêu gọi xã hội hóa từ các gia đình cũng không dễ. Hiện nay, ngoại trừ bộ môn cờ vua – cờ tướng có phụ huynh hỗ trợ một phần để con đi thi đấu, tập luyện thì các bộ môn khác đều lắc đầu khi nhắc đến chuyện xã hội hóa. HLV Lê Văn Lộc, Trưởng bộ môn Karatedo tỉnh, tâm sự: “Lợi thế của môn cờ vua, cờ tướng là nguồn vận động viên chủ yếu từ thành phố, gia đình có điều kiện. Trong khi đó, nguồn tuyển các bộ môn khác chủ yếu ở nông thôn. Việc vận động cho con em theo nghiệp thể thao đã khó, kêu gọi xã hội hóa từ họ lại càng khó hơn. Nhiều gia đình gửi con theo đội tuyển là khoán luôn cho thầy, thầy phải chăm lo như con”.

Ông Hồ Đắc Quang, Hiệu trưởng Trường trung cấp Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh chia sẻ, là đơn vị có 8 bộ môn thể thao trực thuộc, nhà trường có nhiều giải pháp kêu gọi xã hội hóa nhưng thực sự khó khăn. Vận động xã hội hóa cần đồng bộ, trong khi không ít VĐV thuộc diện gia đình khó khăn. Với các doanh nghiệp, nhiều lần thăm dò, trao đổi nhưng họ cho rằng hiện nay có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, cần xã hội hóa nên nguồn lực bị chia sẻ. “Ngay cả việc tìm nhà đầu tư cho những vận động viên có thành tích ở SEA Games hoặc đấu trường khu vực cũng khó”, ông Quang nói.

Nguồn lực “eo hẹp” gây khó cho các đội tuyển. HLV Đinh Văn Kiên, Trưởng bộ môn vật tỉnh cho biết, phải có kinh phí lớn thì mới có lực lượng mạnh, đồng đều các tuyến, song vì kinh phí ít, hầu hết đội tuyển đều bị giới hạn “quân số”, thiếu thế hệ kế cận luôn là nỗi lo lớn. Cùng quan điểm, HLV Đoàn Phùng, Trưởng đoàn Bóng đá Huế cho biết, Huế là địa phương có đầy đủ các tuyến đội tuyển từ U11 đến đội 1, nhưng kinh phí hạn hẹp, phải ưu tiên nhiều cho đội 1 nên ít nhiều khó khăn ở tuyến trẻ. Ngay cả đội 1, để có thể lên chơi ở V-League cũng cần kinh phí nhiều hơn. Muốn phát triển thể thao, cần phải có tiền và cần có nhà đầu tư (bên cạnh nguồn ngân sách), nhưng đây là bài toán nan giải suốt nhiều năm qua. Rõ ràng, đây là câu chuyện không mới nhưng vẫn luôn nóng và gây trăn trở với người làm thể thao.

Cần chính sách thu hút nhà đầu tư thể thao

Thể thao Huế vừa đón tin vui khi Trần Thị Yến Hoa và Lê Minh Thuận đem về 3 tấm HCV SEA Games 29, song ở góc nhìn khác, nhiều người cho rằng, nếu được đầu tư tốt hơn, khả năng, thể thao Huế còn thành công nhiều hơn.

Muốn phát triển thể thao, khai thác tiềm năng VĐV, ngoài cơ sở vật chất, còn cần nhiều yếu tố: chế độ VĐV, môi trường tập luyện tốt, tập huấn nước ngoài… song mọi vấn đề đều cần đến kinh phí. Ông Bình thừa nhận, với nguồn kinh phí hiện nay, mỗi năm, tỉnh chỉ hỗ trợ các bộ môn trọng điểm 2 - 3 VĐV/môn đi tập huấn, nhưng mỗi VĐV chỉ được tập huấn 1 lần/năm. So với các địa phương bạn, đây là con số khiêm tốn. Lê Minh Thuận, VĐV vừa giành HCV Karatedo đồng đội tại SEA Games 29 cũng thừa nhận, kinh nghiệm cọ xát có được là nhờ đi thi đấu, ở đội tuyển chủ yếu là tập chay.

Ông Bình cho rằng, để xã hội hóa thể thao thuận lợi, tỉnh cần có những chính sách thu hút, như ưu đãi về quỹ đất, thuế, lệ phí cho các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước tài trợ cho hoạt động TDTT. Có chính sách tạo điều kiện các doanh nghiệp kinh doanh thể thao hiệu quả, qua đó trích nguồn kinh phí đầu tư cho thể thao.

Nhiều chuyên gia thể thao trong nước cho rằng, địa phương cần công bố rộng rãi quy hoạch, nhu cầu huy động vốn đầu tư cho các cơ sở vật chật về TDTT để có định hướng phát triển và thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện một số bộ môn thể thao tại Huế đã thành lập liên đoàn (cờ, cầu lông, bóng đá…), vì vậy nên có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa các ban, ngành liên quan cùng các liên đoàn để tăng cường đầu tư cho thể thao, trong đó có vấn đề kêu gọi các mạnh thường quân, doanh nghiệp đồng hành cùng thể thao.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao khẳng định vị thế

Từng bước thử nghiệm đào tạo thêm các môn thể thao mới trong hệ thống các môn thể thao Olympic và tiếp tục thực hiện chính sách đãi ngộ để thu hút tài năng là vấn đề đặt ra trong phát triển thể thao thành tích cao của Thừa Thiên Huế.

Thể thao thành tích cao khẳng định vị thế
Xã hội hóa bảo vệ môi trường

Xác định xã hội hóa (XHH) là một trong những biện pháp tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT),

Xã hội hóa bảo vệ môi trường
Thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện: Loay hoay nỗi lo

Thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện vẫn là nỗi trăn trở lớn ảnh hưởng đến chất lượng tập luyện, thi đấu của vận động viên. Ở nhiều bộ môn thể thao thành tích cao của Cố đô, mong ước lớn nhất là có được những dụng cụ tập luyện hiện đại.

Thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện Loay hoay nỗi lo
Đề nghị cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”

UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”. Đây là chiếc ấn được hãng đấu giá Millon ở Pháp cho ra đấu giá công khai trên trang web của hãng và nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu, sưu tập cổ vật.

Đề nghị cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”
Return to top