ClockThứ Hai, 15/02/2016 11:00

Lộc biển đầu năm

TTH - Từ ngày mồng 2 Tết, các tàu thuyền đã bắt đầu có chuyến vươn khơi “đón lộc”. Ngày mồng 6, một số tàu trở về đã có “lộc biển” đầu năm.

Đưa cá về cảng

Nhiều thuận lợi

Có mặt tại bến cảng Thuận An sáng mùng 6 Tết, chúng tôi thật sự vui lây trước không khí tất bật, phấn khởi của ngư dân những ngày đầu năm. Chủ tàu Trần Quân ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) hồ hởi: “Mấy năm gần đây, thời tiết những ngày sau Tết thuận lợi cho ngư dân tổ chức vươn khơi, bám biển. Năm nay, tận dụng thời tiết nắng ấm, mưa thuận gió hòa, từ ngày mồng 2 Tết đã có tàu thuyền ra khơi, song đồng loạt là ngày mồng 4 và mồng 6.”.

Trúng mẻ cá nục

Trước khi cho tàu thuyền vươn khơi, ngư dân không quên lễ cầu ngư truyền thống bằng những nén nhang đỏ rực, thêm đĩa bánh, trái cây… Ngoài chọn ngày “đẹp”, theo quan niệm của ngư dân, việc cúng đầu năm trước khi vươn khơi sẽ mang lại nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa. “Cúng đầu năm trước khi vươn khơi, tạo niềm tin cho ngư dân trong quá trình vươn khơi, bám biển, mùa màng bội thu. Với điều kiện thời tiết thuận lợi và sự quyết tâm của ngư dân, tôi tin chắc năm nay tôm, cá luôn đầy khoang”, ông Trần Quân tự tin.

Gần đây, giá xăng dầu giảm và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã động viên ngư dân bám biển dài ngày. Những ngày trước Tết, ngư dân phấn khởi khi giá xăng dầu tiếp tục giảm, tiếp sức cho ngư dân vươn khơi. Ông Nguyễn Thanh Bình ở xã Phú Thuận (Phú Vang) chia sẻ: “Dù năng suất đánh bắt có cao đến mấy mà chi phí xăng dầu cao thì lời lãi chẳng là bao. Chi phí xăng dầu cho mỗi chuyến đánh bắt trước đây từ 30-50 triệu đồng nên lãi rất ít, hoặc không có lãi, thậm chí thua lỗ nếu đánh bắt kém hiệu quả. Từ khi giá xăng dầu giảm, mỗi chuyến đánh bắt dài ngày, chi phí xăng dầu giảm khoảng 40% nên nhiều tàu lãi khá”.

             Thuyền gần bờ cũng “trúng đậm” 

 

Lộc biển

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cũng tỏ ra phấn khởi: “Những ngày đầu năm này, nhiều ngư dân đã thực hiện được ước mơ vươn khơi, bám biển dài ngày khi hoàn thành đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại. Kèm theo đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cộng thêm giá xăng dầu giảm, thời tiết “ưu đãi” tạo động lực cho ngư dân vươn khơi dài ngày an toàn, góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Tính đến đầu năm, tàu đánh bắt xa bờ toàn tỉnh tăng thêm 60 chiếc so với cách đây hơn một năm, nâng tổng số tàu xa bờ lên 325 chiếc; riêng tàu công suất 400 CV trở lên là 92 chiếc, tăng 38 chiếc; thuyền, gọ đánh bãi ngang, đánh bắt gần bờ khoảng 2.000 chiếc”. 

Những ngày sau Tết, “trời yên, biển lặng”, nhiều tàu, thuyền đánh bắt hải sản đã có lộc đầu năm. Ngư dân các xã bãi ngang ven biển xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc… (Phong Điền)… đánh bắt gần bờ đều thu hoạch khá. Những ngày sau Tết, nhu cầu ăn cá tươi của người dân rất lớn nên cá bán được giá, thậm chí “cung không đủ cầu”. Anh Nguyễn Cư ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải cho biết, chỉ đánh bắt gần bờ chưa đầy nửa ngày, thuyền của anh thu về gần chục cân cá, bán được 1,5 triệu đồng. Được biết, những ngày đầu năm, mỗi ngày các thuyền của ngư dân vùng bãi ngang thu được trên dưới một triệu đồng/thuyền, có thuyền vài triệu đồng. “Biển không phải lúc nào cũng lắm tôm nhiều cá, nhưng nếu quyết tâm, kiên trì thì nghề biển gần bờ cũng có thể giúp dân khá giả”, anh Nguyễn Cư chia sẻ.

Với các tàu đánh bắt xa bờ, đi từ ngày mùng 2 Tết cũng đã trở về, có tàu đánh bắt một vài tấn cá nục, hố, ngừ, thu, chủa… thu nhập vài chục triệu đồng trở lên. Riêng tàu của ngư dân Nguyễn Thanh Bình ở xã Phú Thuận thu được 30 triệu đồng. Hải sản phải đưa vào bờ kịp thời cung ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân những ngày sau Tết. Từ chuyến biển thứ hai trở đi, ngư dân mới cho tàu đánh bắt từ vài tuần đến cả tháng. Ngư trường cách bờ thường từ 50 đến trên 100 hải lý. Ngư trường càng xa thì hiệu quả đánh bắt càng cao, nhiều loại cá có giá trị kinh tế như ngừ đại dương, chủa, thu, cờ, cam…”.

Ông Nguyễn Văn Hóa ở thị trấn Thuận An chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá, cho biết, thông qua các hệ thống thông tin liên lạc, bộ đàm, được biết hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ trong những ngày đầu năm đều “có lộc”. Khoảng vài ngày nữa các tàu sẽ trở về. “Tôi và các chủ tàu dịch vụ hậu cần thường xuyên kết nối, nắm bắt thông tin để có thể thu mua hải sản ngay trên biển, kịp đưa vào bờ tiêu thụ. Còn các tàu đánh bắt ngắn ngày, nếu chúng tôi không kịp thu mua trên biển, thì được các lái buôn mua ngay khi tàu cập bến. Không chỉ những ngày đầu năm này, mà từ trước đến nay, chưa bao giờ hải sản của ngư dân bị “ế hàng”, không bán được”.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Trúng lộc biển đầu năm

Vì trời rét đậm nên ngày 6/2 (Mùng 6 Tết) những ngư dân đi biển gần bờ xã Phú Diên, Phú Hải (Phú Vang) mới bắt đầu đạp sóng ra khơi. Trời nắng đẹp, ngay chuyến biển đầu năm nhiều ngư dân đã trúng lớn với hàng chục cân cá khoai, cá trích…

Trúng lộc biển đầu năm
Lộc biển mùa trở gió

Tranh thủ những ngày nắng ráo, thời tiết thuận lợi, ngư dân các xã ven biển Phú Vang tranh thủ ra khơi đánh bắt, bù cho những ngày mưa gió kéo dài gần cả tháng qua.

Lộc biển mùa trở gió
“Lộc biển” đầu năm

Tranh thủ thời tiết thuận lợi trong những ngày qua, nhiều tàu, thuyền vươn khơi đánh bắt và đã có “lộc biển” đầu năm.

“Lộc biển” đầu năm
Ngư dân Phú Diên trúng lộc biển đầu năm

Sau lễ Hạ vọng, sáng sớm mồng 2 tết hơn 50 chiếc thuyền máy của xã Phú Diên (Phú Vang) đồng loạt cưỡi sóng ra khơi. Thuyền cập bờ đầy ắp cá khoai tươi rói.

Ngư dân Phú Diên trúng lộc biển đầu năm
Return to top