ClockChủ Nhật, 05/02/2017 06:31

Lộc rừng

TTH - Làm giàu từ rừng không còn là chuyện mới đối với nhiều người. Với nhiều hộ ở khu tái định cư (TĐC) Bến Ván, xã Lộc Bổn (Phú Lộc), hơn 10 mười năm trồng rừng giúp họ tậu được ô tô, xây nhà mới.

Đền đáp

Từ đầu con dốc thoai thoải là lối vào nhà của ông Hồ Đức Lăng. Ngôi nhà khang trang, nổi bật bên cạnh những dãy nhà cấp bốn quen thuộc của nhiều hộ trong khu TĐC Bến Ván. Trong căn nhà khang trang ấy còn có chiếc ô tô bóng loáng vừa tậu cách đây chừng 1 năm. Ông Lăng nói: “Cơ ngơi này là nhờ “lộc rừng” đấy! Mà không riêng chi tui, ở khu TĐC Bến Ván còn có nhiều hộ tậu ô tô nhờ trồng rừng!”.

Khi còn sinh sống ở Dương Hoà, cũng như bao hộ khác ở địa phương, đời sống gia đình ông Hồ Đức Lăng gặp muôn vàn khó khăn. Gia đình gần 10 nhân khẩu chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Vợ chồng ông phải đi làm thuê nhiều nghề mới tạm ổn cuộc sống.

Khai thác gỗ rừng trồng

“Dù nghèo khó nhưng là nơi “chôn nhau cắt rốn” nên khi rời nơi ở cũ cũng buồn lắm! Nhưng không thể khác được vì phải nhường đất cho dự án xây dựng hồ Tả Trạch. Đến nơi ở mới, cũng như các hộ TĐC khác, gia đình tui chỉ được cấp 1.200m2, bao gồm đất ở và sản xuất, cùng với một ít lương thực cho mấy tháng ăn. Tài sản duy nhất mang theo chỉ là đàn bò 5 con. Đến nơi ở mới, đường sá đi lại thuận tiện hơn, điện, nước đầy đủ, nhưng nan giải là đất đai để sản xuất không có nên đời sống người dân khó khăn. Không thể dựa vào lương thực hỗ trợ và mấy sào đất mà cần phải tìm hướng đi mới để ổn định sinh kế lâu dài và làm giàu”, ông Lăng tâm sự.

Vợ chồng ông Lăng nhiều đêm thao thức trên vùng đất mới, khi nguồn vốn, tài sản không có gì ngoài đàn bò. “Trong cái khó ló cái khôn”, ông Lăng chợt nghĩ: “Ở núi rừng thì phải dựa vào rừng mà sống. Nhiều hộ dân trồng rừng kinh tế đã đổi đời”. Thế là, vợ chồng ông Lăng bàn tính chuyện trồng rừng. Cái khó nhất lúc này chính là nguồn vốn mua đất rừng. Để có vốn, ông Lăng quyết định bán hết đàn bò được hơn 100 triệu đồng, cộng thêm vay mượn của bà con mua được chục ha rừng keo lai tại địa phương.

Ông Hồ Đức Lăng bên chiếc ô tô mới mua

“Mua được rừng rồi cũng chưa yên tâm. Cứ mỗi lần tỉnh giấc thì chuyện trồng rừng lại lởn vởn trong đầu. Nhiều đêm thức giấc từ 2-3 giờ sáng, ngồi uống nước trà một mình, chờ trời sáng phóng xe vào rừng xem “mặt mũi nó” ra sao... Điều đáng mừng là thổ nhưỡng tốt, phù hợp cho cây keo lai phát triển nhanh”, ông Lăng mở lòng.

Chỉ mấy năm sau, công sức và sự lo lắng, chờ đợi của ông Lăng cũng được đền đáp khi toàn bộ diện tích rừng cho thu hoạch, bán được gần tỷ đồng. Thấy lợi ích, hiệu quả, vợ chồng ông Lăng không chỉ mở rộng diện tích trồng rừng ở địa phương, mà còn đến tận xã Lộc Hoà (Phú Lộc), xã Dương Hoà (TX. Hương Thuỷ) để mua thêm đất trồng rừng với diện tích hơn 20 ha. Cứ sau mỗi đợt thu hoạch, ông Lăng lại mở rộng diện tích rừng trồng, trong tay giờ đây có đến 40 ha. “Tính từ lứa đầu tiên đến nay đã có 3-4 đợt thu hoạch rừng trồng, mỗi đợt hơn 10 ha, trừ mọi chi phí lãi từ 80-100 triệu đồng/ha. Chỉ trong vòng 7-8 năm nay, gia đình tui thu lãi trên 3 tỷ đồng”, ông Lăng nhẩm tính.

Hàng chục đại gia ở Bến Ván

Người trong khu TĐC Bến Ván và nhiều nơi gọi ông Lăng là đại gia. Nhưng ông luôn tỏ ra khiêm tốn: “Tui mà đại gia thì trong khu TĐC Bến Ván này có đến hàng chục đại gia đấy! Các hộ có trong tay từ 30-40 ha rừng, cộng thêm nghề kinh doanh gỗ rừng trồng, thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm”.

Ông Hồ Đắc Lực cũng là chủ nhân của hơn 30 ha rừng keo lai, từ 1 đến 5 năm tuổi. Từ ngày trồng rừng đến nay đã có 4 đợt thu hoạch. Bình quân mỗi đợt thu hoạch thu lãi hơn nửa tỷ đồng. Giờ trong tay có đến vài tỷ đồng, tậu ô tô cũng là chuyện thường thôi”, ông Lực hồ hởi.

Theo lời giới thiệu của ông Lăng, ông Lực, chúng tôi tìm đến hộ ông Đặng Thi. Rừng kinh tế của hộ ông Thi không chỉ ở địa phương mà còn có cả ở Thủy Phù, Phú Sơn (TX. Hương Thủy). Trong sân nhà khang trang, tươm tất, ông Thi đang cặm cụi chùi rửa chiếc ô tô còn mới toanh. Ông Thi thiệt lòng: Ở khu TĐC Bến Ván này theo tôi nhẩm tính cũng có đến cả chục chiếc ô tô đời mới, có giá từ trên 600 triệu đến cả tỷ đồng, nhờ rừng trồng. Ngoài ô tô bốn chỗ, ở khu TĐC Bến Ván còn có đến 16 ô tô tải phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển gỗ rừng trồng. Mà mỗi chiếc cũng không dưới 500 triệu đồng đâu nhé.

Ông Hồ Đa Thê, Trưởng thôn Bến Ván khẳng định: Các hộ ở Bến Ván tậu ô tô đều nhờ từ “lộc rừng”. Một số hộ còn tổ chức đại lý thu mua, kinh doanh gỗ rừng trồng, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. “Sống ở rừng thì phải có rừng mới khá lên được. Mỗi hộ ở Bến Ván chỉ cần có 5 ha trở lên sẽ không chỉ thoát nghèo mà còn có cơ hội vươn lên khá giả. Điều này cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc cấp đất rừng sản xuất cho dân, để đời sống khu TĐC Bến Ván thật sự tốt hơn nơi ở cũ mà chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra”, ông Thê kiến nghị.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu

Tại lễ Tết trồng cây năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, hoạt động trồng cây, gây rừng là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu
Return to top