ClockChủ Nhật, 26/05/2013 06:17

Lời cầu cứu của một phụ nữ vùng cát Quảng Điền

TTH - Gần 5 năm qua, chị Phạm Thị Hiện, 38 tuổi (đội 2, thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) sống trong đau đớn và khổ sở bởi căn bệnh mụn nhọt nổi trên toàn thân. Một thời gian, những mụn nhọt đó vỡ ra, máu và mủ chảy khắp người khiến chị quằn quại, chết đi sống lại nhiều lần...

Mang theo lá đơn cầu cứu của chị Hiện có xác nhận “hoàn cảnh gia đình hết sức bi đát, kính mong các tổ chức, cơ quan quan tâm giúp đỡ ” của ông Nguyễn Tường, Chủ tịch UBND xã, chúng tôi tìm về vùng quê nghèo Thuỷ Lập, Quảng Lợi. Ngôi nhà nhỏ rộng chừng 20m2 xây tạm bằng những viên bờ lô trên vùng đất cát hiện ra trước mắt. Trên chiếc giường độc nhất trong góc nhà, chị Hiện nằm đó với đôi mắt thẩn thờ, vô vọng. Từ cổ xuống dưới bàn chân chị bao bọc những lớp vẩy nến, nhiều chỗ mụn nhọt mới vỡ ra... Chị khẽ mấp máy đôi môi kêu than “ngứa và khó chịu lắm” rồi quay mặt về phía trong tường gạt đi những giọt nước mắt...

Ít khi chị Hiện gắng gượng ngồi dậy được như thế này

Trước khi bài viết này được đăng, Báo Thừa Thiên Huế đã vận động và được chị Phương Anh Nguyễn, địa chỉ: 13210 EWOOD LANE, SILVER SPING, MD 20906, USA hỗ trợ chị Hiện 1.000.000 đồng. Ngày 15-5, Báo đã trao số tiền trên đến tận tay chị Hiện. Lúc ấy, không hiểu sao chị Hiện ngồi dậy được. Cầm số tiền của bạn đọc Báo hỗ trợ trên tay, chị khóc và vẫn nhớ nói lời “cám ơn”.
 
Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Chị Phạm Thị Hiện, đội 2, thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, hoặc qua Báo Thừa Thiên Huế, số 61 Trần Thúc Nhẫn, TP Huế.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh, mẹ của chị Hiện ở tuổi 65 nhưng cuộc sống vất vả khiến bà già nua hơn vài chục tuổi. Vậy mà bà lại là lao động chính, là chỗ dựa tinh thần, vật chất cho 3 mẹ con chị Hiện. Ngày ngày, bà cố gắng đan cái rổ, cái thúng đem ra chợ bán kiếm hơn chục ngàn đồng để có tiền mua gạo, thức ăn cho 4 bà con. Bà kể, từ khi mang thai đứa con trai, chị Hiện bắt đầu xuất hiện căn bệnh vẩy nến. Suốt mấy năm qua, bà chạy vạy vay mượn để có tiền đưa chị lên Bệnh viện Trung ương Huế chữa trị. Thời gian chị Hiện ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, nhưng cuối cùng bệnh tình không thuyên giảm. Theo lời của anh chị em trong gia đình, bệnh vẩy nến chị Hiện đang mang trong mình đã bị biến chứng, xâm nhập vào các bộ phận khác trong cơ thể. Khoảng 5, 6 lần chị lịm đi, gia đình đã chuẩn bị chuyện “hậu sự”, nhưng hình như tiếng khóc của hai đứa con thơ dại níu kéo chị từ “cõi chết trở về”. Chị vẫn sống, nhưng sống trong đau đớn, vật vã; sống trong cảnh... chờ chết và nợ nần vây quanh... Chồng chị làm nghề phụ thợ nề ở trong miền Nam vốn ít về nhà, từ ngày chị bị bệnh càng ít về hơn. Cả năm 2012 anh về nhà đúng một lần. Hơn 3 tháng nay, anh cũng chỉ vẻn vẹn gửi về 1 triệu đồng gọi là “tiền sữa cho thằng cu”. Cháu Nguyễn Thành Đạt, đứa con trai út 4 tuổi của chị Hiện ngày trước sinh nặng 1,7kg phải nằm lồng kính 2 tháng trời. Vì chị bệnh nên cháu được nuôi bằng sữa ngoài, tốn kém không nhỏ.

Ngôi nhà nhỏ tạm bợ, đủ che mưa, che nắng mà mẹ con chị Hiện đang sống là do người anh ruột thương cảm xây cho. Trong nhà không có vật gì đáng giá đến vài trăm ngàn đồng. Trước khi rời nhà chị, tôi tò mò theo chân bà Vĩnh xuống bếp. Thùng gạo đã gần trơ đáy. Bà Vĩnh chỉ bó rau mùng tơi còn tươi nằm bên cạnh nói rằng: “Bữa trưa của 4 mẹ con bà cháu đó. Tui mới đi chợ mua về, giá 2 ngàn đồng”. Tôi lớ ngớ không hiểu, bà giải thích: “Nhà tui ăn như rứa. Chỉ có một món rau. Khi thì đem luộc chấm với xì dầu, khi thì đem nấu canh với ruốc mà húp. Thi thoảng, mấy đứa con hoặc nhà hàng xóm có thì đem cho miếng thịt, miếng cá, còn không thì lại cơm với rau. Đứa con đau ốm của tui nằm đó cũng chỉ có ngày hai bữa cơm rau, không có tiêu chuẩn ăn sáng mô...”.

Chị Hiện vẫn nằm trên giường bất động. Đau đớn, khó chịu nhưng chị không còn sức để kêu rên. Cũng có lúc chị gắng gượng quay mặt nhìn ra phía con đường đất cát trước nhà. Quê nghèo Quảng Lợi dù nắng, dù gió nhưng chị vẫn tin bước chân của những người làm từ thiện sẽ tìm về ngôi nhà nhỏ của mình...

Thùy Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xin giữ lại tương lai cho Hải bằng máy hỗ trợ nhịp tim

Từ nhỏ, Phan Thị Hải đã bị bệnh tim bẩm sinh. Tưởng chừng tương lai tươi đẹp của em đã được mở ra khi em được phẫu thuật đặt máy hỗ trợ nhịp tim thành công lúc 9 tuổi và trở thành cô sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Nhưng khi cuộc sống vốn dĩ trôi qua bình thường, thì sóng gió ập tới, căn bệnh tim của em lại tái phát.

Xin giữ lại tương lai cho Hải bằng máy hỗ trợ nhịp tim
4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà

Khi màn đêm buông xuống, trong lúc ai nấy quây quần bên mâm cơm gia đình, thì có 4 đứa trẻ mồ côi (ở thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang), không nhà cửa, không bố, người mẹ vừa quẫn trí treo cổ tự tử, ngơ ngác trước bàn thờ mẹ bảng lảng khói hương. Chiếc bàn thờ cũng đặt nhờ trong căn nhà bé xíu của một người họ hàng.

4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà
Xin yêu thương đến với hoàn cảnh cháu Thanh Phúc

Gia đình anh Hồ Văn Sơn là hộ nghèo của xã Lâm Đớt, huyện A Lưới. Hai vợ chồng đi làm thuê thu nhập không được ổn định. Cuộc sống khốn khó như vậy nhưng vợ chồng anh Sơn vẫn luôn cố gắng, nhất là khi cách nay 2 năm chị sinh hạ được một bé trai. Đặt tên con là Hồ Thanh Phúc với mong muốn con lớn lên may mắn…

Xin yêu thương đến với hoàn cảnh cháu Thanh Phúc
Xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chăm sóc bố mẹ

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến thăm gia đình cháu Nguyễn Đoàn Lan Anh (SN 2002) - sinh viên năm 3 Trường đại học Ngoại ngữ Huế, ở tổ dân phố Trạch Thượng 2, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), một gia đình có hoàn cảnh thật đáng thương.

Xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chăm sóc bố mẹ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top