ClockThứ Ba, 27/12/2016 13:19

Lời gọi mời từ đám cưới người Pa Cô

TTH - Từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc “gặp lại tổ tiên”, người Pa Cô trải qua những nghi lễ theo tập tục, truyền thống. Đó là những nghi lễ vòng đời thể hiện sự trân trọng giá trị hình hài, hồn vía mà các vị giàng ban tặng, cầu mong con người sinh ra lớn lên được khỏe mạnh, trường thọ... Nghi lễ vòng đời thể hiện trình tự chặt chẽ, cung kính như đi lên từng bậc thang, mà “bậc thang” quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người Pa Cô là lễ cưới.

Tái hiện nghi lễ nhận thông gia trong lễ cưới truyền thống người Pa Cô.  Ảnh: phòng VHTT A Lưới

 

Tháng 6/2016, tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội), Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới đã tái hiện công phu lễ cưới truyền thống, giới thiệu đến du khách và bạn bè nét văn hóa mang giá trị tinh hoa, nhân văn, dấu ấn sâu sắc của đồng bào dân tộc Pa Cô.

Tái hiện bằng ký ức...

Những ngôi nhà sàn được dựng lên bởi khoảng cách đủ để đoàn nhà gái đi một lúc mới đến nhà trai. Ai nấy trong trang phục may bằng zèng mới tinh (riêng cô dâu áo váy nền đỏ, không có cườm, bên ngoài khoác tấm zèng Pâr lang với ý nghĩa tránh xui xẻo trên đường đi) tươi cười phấn khởi. Trên lưng họ là những gùi lễ vật: Zèng, bánh a quát (một loại bánh làm bằng nếp than gói trong lá đót, thể hiện tình yêu đôi lứa), xôi, gạo, gà, cá... Theo phong tục người Pa Cô, nhà trai không đi rước dâu mà nhà gái đưa con đến nhà trai trao gửi. Mẹ chồng đợi sẵn ở cổng. Trưởng tộc, cha, mẹ, họ hàng đi chậm lại nhường bước cho cô dâu, bởi theo tục lệ, lúc này cô phải là người đầu tiên đến gặp mẹ chồng. Cô dâu mặt ửng hồng, bước chân e ấp, rụt rè.

Mẹ chồng mỉm cười nắm tay con dâu, tự tay cởi tấm zèng Pâr lang rồi đeo cho cô chuỗi cườm, với thông điệp đón nhận dâu hiền. Tiếng cồng, chiêng…, nổi lên tưng bừng chào đón. Khi nhà trai, nhà gái đã quây quần ấm cúng bên những vò rượu, xôi, thịt heo hoặc bò, dê…, mẹ cô dâu là người đầu tiên mở lời gửi gắm: “Hôm nay, tôi mang con gái nhà chúng tôi qua nhà chồng, mong nhà trai yêu thương, bảo ban thành con dâu hiền, thảo...”. Mẹ chồng đáp lời thông gia: “Có được con dâu, nhà chúng tôi vui mừng lắm, từ nay con dâu như con gái trong gia đình...”. Cồng, chiêng lại rộn rã  xen lẫn những nụ cười tươi tắn, lời mời rượu hỷ của nhà trai, nhà gái… Đó là những hình ảnh lễ cưới tại nhà trai, một “mắt xích” các nghi lễ trong lễ cưới truyền thống của người Pa Cô được tái hiện hôm ấy.

Đối với con trai cần có tiền, vàng, bạc, cườm, bò, heo, dê (con bốn chân), áo quần, thau, chiếu…, làm lễ vật. Đối với con gái, cần zèng, chiếu A lơơq, gạo đặc sản các loại, gà, vịt, cá (con không chân và con hai chân)…

Nhuận (vai cô dâu) tâm sự, cô đã có chồng, đã làm cô dâu nên khi tái hiện lễ cưới, cô không “diễn” mà sống bằng những cảm xúc trải qua. “Trong lễ cưới của mình cách đây mấy năm, hôm được đưa đến nhà chồng, ngoài vui và hạnh phúc, là sự lo lắng khi bước vào một cuộc sống mới, trong một ngôi nhà mới với trách nhiệm của vai trò con (cháu, chị, em…) dâu nên bước chân tự nhiên ngại ngần, hồi hộp. Nhưng sự ngại ngần vơi đi lúc mẹ chồng dắt em vào nhà, cười rất đôn hậu, hứa với bố mẹ em sẽ yêu thương bảo ban con dâu như con gái. Những cảm xúc đó cứ tự nhiên ùa về”. Nhuận cho biết, cô hồi tưởng lại cảm xúc nồng nàn tinh khôi khi vợ chồng trao nhau kỷ vật trong nghi thức cầu mong hạnh phúc. Cảm xúc của chính mình, ký ức của mẹ và bà ngoại, Nhuận “mang” hết vào vai diễn.

Hấp dẫn du khách

Đó cũng là cảm xúc của Hiếu (vai mẹ chú rể), nghệ nhân Hồ Văn Hạnh (68 tuổi) và những người đàn ông, phụ nữ Pa Cô vào vai diễn viên trong chương trình tái hiện lễ cưới. “Đã làm bố của chú rể và bây giờ vào vai này, tôi vẫn sống lại cảm xúc của chú rể thời xa xưa ấy, nghe lại tiếng cồng, chiêng rộn rã trong lễ cưới của mình vọng về từ mấy mươi năm trước”, ông Hạnh chia sẻ. Dù ở những “vai” khác nhau, nhưng cảm xúc của những người đàn ông, phụ nữ Pa Cô đã “đi qua” lễ cưới của chính mình, nguyên vẹn các cung bậc hạnh phúc, nồng nàn, gắn bó, trách nhiệm... Đây là những chất liệu tinh tế, ngọt ngào, sâu lắng để họ tái hiện “long lanh” lễ cưới truyền thống của dân tộc mình, trước du khách và bạn bè trên khắp mọi miền đất nước

Nghệ nhân Hồ Văn Hạnh tâm sự: Lễ cưới truyền thống là nét văn hóa lâu đời của người Pa Cô. Chúng tôi mong muốn duy trì, quảng bá những giá trị nhân văn tốt đẹp, bỏ đi những điều không còn phù hợp với cuộc sống văn minh, tiến bộ. Ngày nay, nhà trai, nhà gái vẫn thực hiện các nghi lễ truyền thống, nhưng không còn tục thách cưới. Nhà trai, nhà gái có lễ vật gì cũng được, miễn cô dâu, chú rể, hai bên gia đình thông gia yêu thương, hạnh phúc, tình cảm bền chặt. 

Được thổi hồn bằng ký ức, cảm xúc rất thật nên lễ cưới tái hiện cuốn hút, hấp dẫn du khách, bạn bè. “Khi chúng tôi mời cùng nếm bánh a quát, thông điệp của tình yêu hạnh phúc hay những món ăn với thông điệp ngọt ngào trong lễ cưới tại nhà gái, nhiều du khách thốt lên, họ rất thích thú bởi cảm giác mình là thực khách thực sự trong một lễ cưới thực sự”, bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới nhớ lại. Những diễn viên, nghệ nhân tham gia tái hiện lễ cưới đã rất xúc động khi có nữ du khách chia sẻ, lúc xem nghi lễ Pai a ngooh (lễ xuất gia), báo cho tổ tiên biết con gái đã đi lấy chồng, mong tổ tiên phù hộ cho con sức khỏe, hạnh phúc, may mắn..., lòng chị dâng lên cảm xúc bịn rịn như thể đang là người tiễn đưa.

Được tái hiện bằng chính ký ức, tình yêu và lòng trân trọng, nên lễ cưới truyền thống của người Pa Cô “mang đến” giao lưu văn hóa tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hấp dẫn du khách, bạn bè, được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tặng Bằng khen. Ước nguyện của những người tái hiện lễ hội , đồng thời cũng là mong muốn của đồng bào, không chỉ giới thiệu với du khách và bạn bè trên mọi miền đất nước bản sắc văn hóa dân tộc mình, mà còn muốn lễ cưới truyền thống của người Pa Cô là lời mời gọi, hấp dẫn du khách đến với A Lưới điệp trùng rừng núi, vùng đất biên cương của tỉnh Thừa Thiên Huế, cuối con đường đèo dốc mây bay...

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức cho 115 chiến sĩ mới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Phòng Truyền thống BĐBP tỉnh. Đây là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới (CSM) nhập ngũ năm 2024.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới
Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới

Chiều 14/3, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh do Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động và nói chuyện truyền thống với 115 chiến sĩ mới (CSM) đang được huấn luyện tại đơn vị.

Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới

TIN MỚI

Return to top