ClockThứ Năm, 04/08/2022 10:18

“Lời nhắc nhở” từ lòng tốt

TTH - Mắc căn bệnh chẳng chết người, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Cứ mỗi lần bệnh có vẻ “căng”, tôi lại đến bệnh viện. Cơ bản là để nội soi, kiểm tra xem, có bị u không. Lần nào sau kiểm tra, thở phào vì chẳng “u cục” gì, tôi “vâng vâng dạ dạ”, khi bác sĩ có chỉ định, đối với căn bệnh của tôi, phải nhập viện để mổ. Nếu để nặng quá, cũng có thể gây biến chứng thành bệnh nguy hiểm.

Nhưng tôi không thắng được nỗi sợ “mổ xẻ”. Vừa hay cô bạn mách, thời gian qua, cô đang chữa bệnh tại một thầy thuốc nam. Hiệu quả lắm. Bạn còn biết nhiều người cũng khỏi hẳn bệnh nhờ uống thuốc của thầy. Nhưng thời gian uống thuốc khá dài và cũng khá tốn kém. Bạn bảo tôi cứ đến để thầy bắt mạch, nếu chữa được bằng thuốc nam thì tốt, khỏi phải “đụng dao đụng kéo”.

Hôm bắt mạch xong, thầy bảo: “Một ngày uống 150 nghìn tiền thuốc, dự kiến uống liền 3 tháng, chị có khả năng “theo” được không”. Có bệnh đương nhiên phải cố gắng lo liệu, dù có khó khăn. Vậy là quyết định cứ 1 lần lấy 1 đợt thuốc cho 10 ngày, vừa để thầy bắt mạch xem tiến triển bệnh như nào, theo đó mà gia giảm thuốc cho phù hợp. Mặt khác cũng để “nhẹ nhàng” hơn trong việc “lo” tiền thuốc.

Ở quê, mẹ tôi bệnh xương khớp phải nhập viện điều trị. Ba tôi cũng bệnh, yếu. Vậy nên tôi xin nghỉ phép 10 ngày về quê chăm nom ba mẹ. Tôi đang uống dở dang thuốc đợt 1. Nếu về quê 10 ngày thì sẽ thiếu thuốc. Do đó, tôi đến để thầy bắt mạch, lấy tiếp đợt thuốc thứ 2, mang theo về.

Sau 10 ngày (hết thời gian phép của tôi), tưởng bệnh mẹ đã ổn, tôi “giao phó” mọi việc cho vợ chồng cô em gái ở quê. Nhưng vài ngày sau, em gái tôi gọi điện thoại bảo, tình hình mẹ tôi đột nhiên “căng” hơn. Bác sĩ yêu cầu phải nằm viện tiếp. Vậy là tôi lại xin nghỉ nốt tiêu chuẩn phép còn “để dành”.

Lại đến tìm thầy để lấy thêm 5 ngày thuốc, bởi vì số thuốc lấy đợt vừa rồi vẫn còn. Tôi không lấy nhiều hơn, bởi trong tình hình này, phải để dành tiền cho những việc cần thiết khác. Thấy tôi đến, thầy ngạc nhiên (vì tôi mới lấy thuốc cách đây mấy hôm). Biết lý do tôi lại về quê, thầy hỏi: “Răng chị về quê mãi rứa? Có việc chi?”. Tui: “Dạ, vì mẹ em ốm phải điều trị tại bệnh viện. Tưởng đã ra viện được rồi, nhưng không ngờ vẫn chưa đỡ. Nên em quay trở ra”. Thầy: “Nhà không còn ai, chỉ mình chị à”? Sau khi nghe tôi kể người anh cả ở xa, lại đang thực hiện nhiệm vụ trong quân đội, khó có thể về. Ở quê còn vợ chồng cô em út. Nhưng do ba tôi già yếu, cũng cần người “trông”, nên mấy chị em tôi cùng “xúm vào” lo cho ba mẹ.

Thầy: “Tui lấy cho chị 10 ngày thuốc luôn”. Tôi: “Dạ…em không mang đủ tiền”. Tôi bất ngờ khi thầy nhẹ nhàng bảo: “Số thuốc này, tui tặng chị. Tiền đó chị để về lo cho ba mẹ”. Tôi nói, hãy để tôi gửi thầy một nửa tiền thuốc cũng được. Nhận hết, tôi ngại lắm”. Thầy lại nhẹ nhàng: “Chị cứ nhận đi, đừng ngại. Yên tâm mà về lo cho ba mẹ chị”. Thực sự xúc động trước sự cảm thông mà người thầy thuốc này sẵn lòng dành cho người khác! 

Tôi nhớ bạn từng kể, thầy đã chữa bệnh miễn phí cho rất nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em và người già. Lòng tràn ngập cảm kích và biết ơn lòng tốt của thầy. Vậy là tôi đã nhận một ân tình. Nợ tiền dễ trả. Ân tình đã nhận là mãi mãi.

Lòng tốt của thầy, có thể tôi chẳng có cơ hội “trả” cho thầy (mà chắc chắn thầy cũng không cần điều đó). Nhưng tôi sẽ “mang theo” lòng tốt này như một “lời nhắc nhở”, nếu có thể, trong khả năng của mình, hãy giúp đỡ người khác, có thể một người kém may mà mình không hề quen biết, để những điều tốt đẹp, dù nhỏ bé, cũng được tiếp nối.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Cần suy nghĩ thấu đáo cho con

Nhận điện thoại của em gái, là giáo viên của một trường tiểu học; giọng em có vẻ gấp gáp, hốt hoảng, nhờ tôi tư vấn (vì trước đây tôi từng có thời gian công tác trong ngành tòa án).

Cần suy nghĩ thấu đáo cho con
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Return to top