ClockChủ Nhật, 07/07/2019 16:50

Lời nhắn gửi từ Huế xưa

TTH - Có thể nói, đây là một cuốn sách khá đặc biệt do tác giả là ba chị em một gia đình đại quan ở Huế từ thế kỷ trước, từ ba “phương trời xa”, rất xa Huế, đã in chung một tuyển tập đậm đà phong vị và lịch sử Huế xưa.

“Cố đô Huế - lịch sử và văn hóa”

Ảnh bìa sách phía trước: “Phu nhân & các con gái xem họa sĩ Pháp Alexandre Icovleff vẽ chân dung ông Võ Chuẩn trong vườn nhà”

Ba tiểu thư là con Tổng đốc Võ Chuẩn, cháu nội Thượng thư Bộ Lễ Võ Liêm quê Hương Thủy. Cụ Võ Chuẩn nổi tiếng vì đa tài, thích hướng về phương Tây, những mong canh tân đất nước, nhưng phải nghe lời thân phụ làm quan Nam triều. Ý tưởng “canh tân” của cụ thể hiện ngay khi làm quản đạo tỉnh Kon Tum; đến nay, nhiều làng vẫn mang họ tên, hoặc bút danh của cụ… Nếu nhắc tên người con trai của cụ là Võ Sum và cháu nội là Võ Tá Hân thì có khi lại nhiều người biết hơn. Trong tuyển tập vừa xuất bản, ba tác giả không có điều kiện viết về 2 nhân vật nói trên, nhưng có thể nói rằng: ít nhất là nhờ nguồn “gen” từ cụ Võ Chuẩn tài hoa, yêu nước và phu nhân là Công Tằng Tôn nữ Thị Lịch mới có doanh nhân - nhạc sĩ Võ Tá Hân, tác giả ca khúc “Rất Huế” được công chúng yêu thích và hiện là Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Việt Nam tại Singapore - Vietnam 2020; cuộc đời lắm thăng trầm của ông Võ Sum (1923-2009) thì phải viết bộ tiểu thuyết dày mới kể hết.

Theo lời kể của ông Tôn Thất Hoàng (sách “Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 - một hiện tượng lịch sử” - NXB Công an Nhân dân, 2008), kết thúc lớp học, Võ Sum chuyển thành bộ đội Giải phóng quân Huế, nhưng nhờ “tiếp thu” tài năng của thân phụ, giỏi máy móc nên được giao phụ trách ngành quân giới - quân khí. Khi Huế “vỡ trận”, máy móc công cụ, vật tư… phải chôn giấu, Võ Sum ở lại do vợ đang mang thai người con đầu lòng (Võ Tá Hân sau này).

Nhờ ảnh hưởng “ông anh” hoạt động kháng chiến chống Pháp và tất nhiên, nhờ được hưởng thụ nền nếp giáo dục của gia đình, các cô em dù sống ở phương trời nào cũng đều là người yêu nước, hướng thiện… Trong ba tác giả, có đến hai người là nhà văn nổi tiếng một thời. Trong tuyển tập này, chỉ giới thiệu 2 tiểu thuyết trong rất nhiều tác phẩm của họ: “Hai gốc cây” của Minh Đức Hoài Trinh (MĐHT) và “Những đêm mưa” của Linh Bảo (LB). Bà Băng Thanh (1927-2017) không viết văn, chỉ góp vào tuyển tập cuốn nhật ký “Những câu chuyện một cuộc đời”.

Tiểu thuyết “Hai gốc cây” mở đầu, có dung lượng lớn nhất (178/384 trang khổ lớn). MĐHT (1930-2017) từng là nữ sinh Đồng Khánh, theo Võ Sum tham gia kháng chiến, rồi du học Pháp từ năm 1964, làm phóng viên cho Đài Truyền hình Quốc gia Pháp theo dõi Hiệp định Paris năm 1972. Bà là tác giả của nhiều tập truyện và thơ, trong đó hai bài "Đừng bỏ em một mình" và "Kiếp nào có yêu nhau" do Phạm Duy phổ nhạc được nhiều người hát. “Hai gốc cây” viết năm 1966, tên truyện là hình ảnh hai cây bồ đề và cây sanh do ông Tham Hải (nguyên mẫu chính là ông Võ Chuẩn) trồng trước nhà sau khi “quyết liệt” không nghe lời bố mẹ, lấy người mình yêu làm “vợ bé”.

Có thể nói, “Hai gốc cây” là biểu tượng của tình yêu lãng mạn, tự do, một nét văn hoá phương Tây hiện đại “mọc rễ” và tấn công nếp sống phong kiến xưa cũ ngay tại “sào huyệt” một đại quan.

Linh Bảo (tên thật Võ Thị Diệu Viên), sinh năm 1926, là chị của MĐHT, nổi tiếng trên văn đàn rất sớm. In truyện đầu tay từ năm 1953, năm 1961 và 1962 bà đã được các giải thưởng có tiếng vang cho tập truyện ngắn “Mây tần” và “Tàu ngựa cũ”.

“Những đêm mưa” viết từ năm 1957, xuất bản năm 1961, có thể xem là tập 2, nối tiếp tiểu thuyết “Gió bấc” viết năm 1953, khi LB mới 26 tuổi. Từ năm 1958, Bình Nguyên Lộc (1914-1987), người đã được trang Bách Khoa mở Wikipedia tôn vinh là “nhà văn lớn, nhà văn hoá Nam Bộ” viết: "…Giọng văn của chị… ba mươi năm nữa chưa chắc đã có người làm theo được… Tôi ngạc nhiên lắm…, tôi sợ cái tài quan sát nội tâm và ngoại cuộc của chị rất là bất ngờ, mà nhất là sợ cái cười bình thản của chị vô cùng…”.

Có thể thấy, cuộc đời LB chính là “nguyên mẫu” nhân vật Trang, do thời cuộc phải tha hương ở Trung Quốc, Hồng Kông nhưng cuộc sống vợ chồng trong căn phòng thuê chật chội buộc cô quay về Huế để chứng kiến những bi hài kịch khi người bố già còn đòi lấy thêm vợ bé và cuối truyện là cô “lại khăn gói gió đưa… để phấn đấu, để chịu đựng những thử thách của một cuộc phiêu lưu sắp tới…”. Tính cách tiểu thư táo bạo Diệu Viên và sự tiếp xúc văn hoá Tây phương tạo nên bút pháp LB, miêu tả tâm lý phức tạp của con người rất sắc sảo, không ngại bóc trần những tấn kịch trong cuộc sống gia đình khi nền nếp xưa đã suy vong. Có lẽ, chưa có ai miêu tả cảnh lụt kinh hoàng ở Huế gây ấn tượng mạnh như LB.

Việc gia đình nhà văn Ngô Thảo cùng con cháu của ba nữ sĩ tổ chức buổi giới thiệu tuyển tập này tại Huế, đúng vào ngày giỗ lần thứ hai của MĐTB (9/6/2019), sau khi đưa di hài của bà về quê mẹ xây mộ theo ý nguyện là một việc làm có nhiều ý nghĩa, thể hiện tấm lòng của những người con xa xứ không quên cội nguồn…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

(Đọc “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa” - Tuyển tập truyện và ký của Minh Đức Hoài Trinh - Linh Bảo - Băng Thanh - NXB Hội Nhà văn, 2019)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa tình yêu Huế xưa

Nhìn thấy được sức mạnh của mạng xã hội, Đào Hữu Quý thử thách bản thân bằng việc trở thành “nhà sáng tạo nội dung” (content creator), “nhồi nặn” sức hút của vẻ đẹp truyền thống Huế thành những video về văn hóa Huế… đăng lên mạng xã hội, khởi đầu là các món ăn độc lạ của Cố đô.

Lan tỏa tình yêu Huế xưa
Tái sinh hình hài của Huế xưa

Ngày 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (23/6/1802), vua Gia Long lên ngôi, sáng lập vương triều Nguyễn, chọn Huế là Kinh đô, chấm dứt 2,5 thế kỷ đất nước bị chia cắt bởi các cuộc chiến phân tranh. Từ đây, xứ Huế, vốn là một vùng đất biên viễn của quốc gia Đại Việt, đã trở thành trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục của nước Việt Nam thực sự thống nhất. Một quần thể công trình kiến trúc với thành quách, cung điện, đền đài, đình tạ, lăng tẩm…, do vua Gia Long khởi dựng và được các triều vua kế vị hoàn thiện, bổ khuyết đã hình thành và tồn tại với miền đất sông Hương - núi Ngự trong hơn 2 thế kỷ qua.

Tái sinh hình hài của Huế xưa
Gửi yêu thương về thành phố mang tên Bác

Chưa khi nào người dân TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như thời điểm này, bởi ảnh hưởng dịch COVID-19. Cùng với cả nước, từ Huế, những chuyến xe nối tiếp nhau chở những ân tình của vùng đất Cố đô đến với những người con phương Nam.

Gửi yêu thương về thành phố mang tên Bác
Thịt bò hầm theo lối Huế xưa

Một người bạn vong niên lên facebook nhắn nhủ: “Đã thử nấu bò hầm theo lối xưa. Càng ăn càng thấy rất thân thuộc, thơm ngon kỳ lạ…"

Thịt bò hầm theo lối Huế xưa
Return to top